Khoa học công nghệ là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất

GD&TĐ - Ban Tuyên giáo Trung ương và ĐHQG TPHCM vừa tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.

Các đại biểu tham gia tại hội thảo
Các đại biểu tham gia tại hội thảo

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Huỳnh Thành Đạt- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ (KHCN); PGS.TS Vũ Hải Quân- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; TSKH Phan Xuân Dũng- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt phát triển kinh tế

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Khoa học công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Khoa học công nghệ là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. 

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại...; Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII cũng coi Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các khâu đột phá chiến lược quan trọng, nhất là tiến tới phát triển nhanh, bền vững.

"Hội thảo “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” được tổ chức trong chuỗi các hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển Khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 

Vì vậy, những chính sách, cơ chế đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới... cần phải được nghiêm túc nhìn lại để phát huy thật tốt hoặc tháo gỡ những hạn chế. Qua đó, giúp nền kinh tế, lực lượng lao động hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế...; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh. 

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo

Để có những quyết sách, đường hướng phát triển và thúc đẩy hoạt động Khoa học công nghệ mạnh hơn, hình thành và phát triển được đội ngũ nhân lực hiện đại, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, sau hội thảo ĐHQG TPHCM cần tiếp tục phối hợp với Bộ KHCN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các cơ quan liên quan chắt lọc kết quả nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp phù hợp để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Cần một cơ chế có tính đột phá mạnh mẽ

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết ĐHQG với đội ngũ 6.100 cán bộ, viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ sư và người lao động (trong đó, có gần 1.100 tiến sĩ với gần 400 giáo sư, phó giáo sư trên quy mô hơn 82.000 sinh viên đại học, sau đại học). Thời gian qua ĐHQG TPHCM đã chủ động tham gia đóng góp tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và đạt được một số thành tự quan trọng về tự chủ đại học, về đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, về phục vụ cộng đồng.

10 năm qua, ĐHQG TPHCM đã và đang đào tạo tổng số gần 150.000 cử nhân cao đẳng, cử nhân đại học, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển của TPHCM, các tỉnh Nam Bộ và cả nước.

ĐHQG TPHCM cũng luôn dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế với 82 chương trình. Đây là minh chứng cho quá trình liên tục cập nhật, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, hướng đến các chuẩn mực chất lượng quốc tế.

 Có gần 10.000 bài báo quốc tế được công bố, bao gồm cả hội nghị và hội thảo; đã hình thành 13 nhóm nghiên cứu mạnh ngang tầm khu vực và thế giới; 678 đơn đăng ký bảo hộ Sở hữu trí tuệ, 65 bằng phát minh sáng chế trong đó đã có 2 IP được cấp bằng sáng chế tại Mỹ và 4 đơn đăng ký sáng chế tại Mỹ đang được thẩm định nội dung và đã có trên 90 giải pháp hữu ích; thực hiện 3000 hợp đồng chuyển giao công nghệ và dịch vụ KHCN.

Hai ĐHQG cũng là những đại học đầu tiên của Việt Nam có tên trên các bảng xếp hạng quốc tế. Trong bảng xếp hạng quốc tế mới công bố ngày 6/4/2022 của tổ chức QS Vương quốc Anh, ĐHQG TPHCM có 7 ngành được xếp hạng, trong đó có 1 ngành được xếp trong top 100.

“Điều mà ĐHQG TPHCM trăn trở từ thực tiễn hoạt động trong thời gian vừa qua đó là việc triển khai thực hiện các chủ trương quyết sách lớn của Đảng về đào tạo về khoa học công nghệ. Đơn cử như ngành nông nghiệp. Đơn cử như nhận thức và thực thi tự chủ đại học.

Liệu có phải tự chủ đại học là phải tự chủ về tài chính và không nhận ngân sách chi thường xuyên? Kể cả khi trường ĐH đã tự chủ thì có thực sự được thực hiện hết các quyền tự chủ hay chưa?  Đã được thu mức học phí tính đúng, tính đủ chưa? Quy định về khối ngành, mã ngành đào tạo và việc mở mới các ngành đào tạo có còn phù hợp không? Cách tính chỉ tiêu dựa trên số lượng GV, theo mét vuông đất, diện tích xây dựng có còn phù hợp?

Về tự chủ trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, quy trình cấp kinh phí, thực hiện và nghiệm thu đề tài khoa học như hiện nay có còn phù hợp hay không? Liệu có thể có cơ chế khoán, cơ chế đặt hàng cho các đại học, cho các thầy cô thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học được không?

Quang cảnh hội thảo khoa học “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế"
Quang cảnh hội thảo khoa học “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế"

Đây là những vấn đề quan trọng cần được giải quyết đồng bộ để các đại học phát huy hết vai trò của mình trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và thực hiện các công trình nghiên cứu đóng góp cho sự phát triển của đất nước”- PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ.  

Từ những trăn trở trên, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng: trong thời gian tới Bộ GD&ĐT, các đại học nên quan tâm đến đầu tư cho con người nhiều hơn thay vì chỉ ưu tiên đầu tư hạ tầng máy móc thiết bị; có cơ chế đột phá về đặt hàng nghiên cứu khoa học; có cơ chế phối hợp thực hiện các công trình nghiên cứu lưỡng dụng: vừa đảm bảo an ninh quốc phòng vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tại hội thảo nhiều đại biểu cũng nhìn nhận những thành tựu của khoa học công nghệ trong đời sống, những sáng chế, nghiên cứu của đội ngũ nhà khoa học, cán bộ giảng viên đã và đang thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các trường đại học cần xác định rõ mục tiêu chính, trọng tâm chúng ta cần hướng tới để đầu tư một cách trọng điểm và có hiệu quả.

“Việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh hay xây dựng các chương trình nghiên cứu mang tầm quốc gia đã và đang hướng đến mục tiêu trên. Tuy vậy, dấu ấn cho sự thay đổi vẫn chưa đậm nét. Nhiều mục tiêu vẫn còn khá chung chung. Vì vậy, Việt Nam nên mạnh dạn tìm kiếm, khám phá những lĩnh vực mới mẻ, những địa hạt chưa ai từng khai phá của khoa học công nghệ để tìm tòi, đầu tư và phát triển thay vì cứ đi theo nhứng khía cạnh mà các nước đã và đang đi trước chúng ta rất lâu”- ông Thanh Phước-một giảng viên trẻ góp ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ