'Chìa khóa' nào phát triển kỹ năng ở trẻ khuyết tật?

GD&TĐ - Trẻ khuyết tật thuộc nhóm rối loạn phát triển. Trẻ trong nhóm này sẽ bị hạn chế phát triển các kỹ năng sống và nhận thức.

Cần có những phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật phù hợp để giáo dục, rèn luyện. Ảnh minh họa: UNICEF Việt Nam
Cần có những phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật phù hợp để giáo dục, rèn luyện. Ảnh minh họa: UNICEF Việt Nam

Xây dựng kỹ năng sống

Theo các chuyên gia, điều quan trọng là gia đình và nhà trường cần quan tâm đến những kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật. Nhờ đó, giúp trẻ có thể hòa hợp với cộng đồng. Trước đây, trẻ khuyết tật thường chỉ được nuôi dưỡng ngay tại gia đình.

Mỗi gia đình sẽ có cách chăm sóc trẻ trong nhóm này khác nhau. Những trẻ này thường không được đến trường vì lý do không tự nhận thức được bản thân đang làm gì. Thậm chí, nhiều gia đình dù muốn dạy con, nhưng không biết đâu là phương pháp rèn luyện kỹ năng phù hợp cho trẻ.

Trước thực trạng đó, trẻ khuyết tật ngày càng không nhận thức được bản thân mình là ai, đang làm những hành động gì. Vì vậy, các chuyên gia giáo dục khuyết tật đã đưa ra được những phương pháp rèn luyện kỹ năng sống một cách phù hợp. Qua đó, nhằm giáo dục trẻ khuyết tật và giúp các em có thể hòa nhập với cộng đồng. Học sinh khuyết tật cũng có quyền được hưởng các quyền chăm sóc và giáo dục bình đẳng như bao người khác.

Mặc dù vậy, trẻ khuyết tật lại không thể học được như những trẻ bình thường. Lý do là vì trẻ bị hạn chế khá nhiều về trí tuệ và nhận thức. Khả năng tự chăm sóc và ứng xử trong cuộc sống ở những trẻ này cũng gặp khó khăn. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần có những phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ phù hợp để giáo dục, rèn luyện. Đồng thời, giáo dục phù hợp với các đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Như vậy, trẻ có thể dần thích ứng với các kỹ năng như những bạn bình thường.

Việc giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật rất quan trọng vì có thể hỗ trợ phát triển tâm trí, sinh lý cho trẻ. Điều đó khiến trẻ có thể hòa hợp được với các bạn đồng trang lứa. Ngoài ra, việc giáo dục này với mục tiêu xóa mù chữ, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là những người bị khuyết tật về trí tuệ.

Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 Hoàng Thùy đến thăm Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Thiên Phước, huyện Củ Chi (TPHCM). Ảnh: INT

Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 Hoàng Thùy đến thăm Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Thiên Phước, huyện Củ Chi (TPHCM). Ảnh: INT

Quan tâm “vừa đủ”

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh - Trung tâm Kỹ năng sống Rồng Việt cho biết, khi có một đứa con khuyết tật về thể chất (handicap), cha mẹ thường rất khổ tâm, lo lắng. Thậm chí, cha mẹ có thể lo lắng đến mức độ trầm cảm. Trường hợp khác, cha mẹ có thể quá quan tâm chiều chuộng, ôm ấp khiến trẻ trở nên ỷ lại… Tuy nhiên, thực tế, cách làm này gây ảnh hưởng rất nhiều lên tâm lý đứa trẻ.

“Theo nguyên tắc giáo dục trẻ em, chúng ta không nên quá thờ ơ, bỏ rơi và cũng không quá chiều chuộng, ấp ủ, một bước không rời. Bởi, cả hai cách ứng xử này đều không đem lại hiệu quả tốt cho việc phát triển nhân cách của trẻ.

Cũng thế, với một trẻ khuyết tật, thì lại càng cần phải chú ý đến nguyên tắc chăm sóc chừng mực với trẻ”, chuyên gia nhấn mạnh. Cụ thể, nếu cha mẹ quá quan tâm, giúp đỡ và luôn làm thay cho con trong mọi hành vi cũng như hoạt động, thì trẻ sẽ không có được sự nỗ lực để vượt qua những trở ngại để đạt được các kỹ năng nhất định.

Hơn thế nữa, trẻ còn trở nên ỷ lại và ích kỷ. Bởi, khi đó, trẻ chỉ muốn cha mẹ phải luôn luôn bên cạnh mình, rồi đòi hỏi và dựa vào chính “ưu thế” khuyết tật của mình. Như vậy, khi lớn lên, trẻ sẽ càng ỷ lại, không chịu phấn đấu “vượt lên chính mình”. Thay vào đó, trẻ sẽ chỉ muốn thụ hưởng mọi sự ưu ái và quyền lợi của một người khuyết tật. Nếu không nhận được những điều mình muốn, trẻ sẽ có xu hướng trở thành một người bất mãn, chán đời…

Theo chuyên gia Lê Khanh, các khuyết tật như khiếm thị (khó khăn về khả năng nhìn), khiếm thính (khó khăn về khả năng nghe - nói), bại liệt (khó khăn về vận động) thường tạo ra những ức chế. Đồng thời, khiến trẻ trở nên trầm cảm hay dễ nổi nóng, bộc lộ hung tính và không muốn giao tiếp. Nếu được chăm sóc và yêu thương, trẻ sẽ vượt qua những lo lắng, căng thẳng và thích nghi với môi trường.

Hiện nay, với khả năng phát hiện sớm có khi ngay từ lúc mới sinh, việc giáo dục phục hồi chức năng cho trẻ, đặc biệt là đối với trẻ khiếm thính trong việc cho đeo máy nghe sớm sẽ giúp nâng cao khả năng giao tiếp của bé. Đồng thời, làm giảm nhẹ các nguy cơ rối nhiễu tâm lý của trẻ xuống mức thấp nhất.

Trong khi đó, các khuyết tật như chậm khôn, hội chứng Down và bại não là những khuyết tật về trí tuệ rất cần những phương pháp giáo dục đặc biệt. Bởi, các em thiếu đi hai khả năng quan trọng là tiếp nhận thông tin và thiết lập quan hệ tương tác.

Ngoài ra, các em thường rất dễ rơi vào sự lo lắng, trầm uất hoặc bực tức, cáu gắt, hung hãn vì không hiểu được những thông tin bên ngoài. Những trẻ này cũng không biết cách diễn tả để người khác hiểu mình. Đó là một trở ngại lớn mà người chăm sóc trẻ cần quan tâm để có những biện kháp khắc phục thích hợp.

Hoạt động trong gia đình, thái độ quan tâm hợp lý và kế hoạch làm việc cụ thể tại gia đình sẽ giúp trẻ có những tiến bộ cần thiết. Ảnh minh họa: INT

Hoạt động trong gia đình, thái độ quan tâm hợp lý và kế hoạch làm việc cụ thể tại gia đình sẽ giúp trẻ có những tiến bộ cần thiết. Ảnh minh họa: INT

Nâng cao khả năng của trẻ

“Trong việc giáo dục phục hồi (còn gọi là giáo dục đặc biệt hay chuyên biệt), trước đây, nhiều phụ huynh thường mong muốn con mình sau thời gian được giáo dục và điều trị sẽ có khả năng bình phục, trở về cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

Sau một thời gian đưa con đến các trường giáo dục đặc biệt, sự tiến bộ chậm chạp, thậm chí là không tiến bộ bao nhiêu của trẻ đã khiến nhiều phụ huynh thất vọng. Sau đó, họ lại bỏ bê vì không còn sức để tiếp tục chăm sóc trẻ nữa”, ông Lê Khanh cho biết. Theo chuyên gia này, chính thái độ lúc quá chăm chút, khi lại thờ ơ của phụ huynh sẽ khiến trẻ dễ rơi vào những rối nhiễu tâm lý hoặc có những hành vi không kiểm soát được.

Thực tế, phụ huynh cần chấp nhận là đối với các tình trạng khuyết tật về trí tuệ, sẽ không có biện pháp nào giúp trẻ trở lại tình trạng bình thường. Tuy nhiên, việc giáo dục các kỹ năng theo những phương pháp chuyên biệt sẽ giúp trẻ có khả năng thích nghi với môi trường bên ngoài.

Khi đó, trẻ có thể tham gia những hoạt động đơn giản trong gia đình, cũng như ngoài xã hội. Điều này không những giúp trẻ phát triển các kỹ năng ngày một tốt hơn mặc dù rất chậm chạp, mà còn giúp các em không rơi vào rối nhiễu tâm lý. Theo chuyên gia này, đây mới thực sự là một thách thức.

“Ngoài ra, phụ huynh cũng không nên nghĩ rằng, các biện pháp giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật là công việc của giáo viên và chỉ được thực hiện tại nhà trường”, ông nhấn mạnh. Thực tế, những hoạt động trong gia đình, thái độ quan tâm hợp lý và kế hoạch làm việc cụ thể tại gia đình dành cho trẻ khuyết tật sẽ giúp trẻ có những tiến bộ cần thiết. Trong những hoạt động này, phụ huynh là người hướng dẫn và giám sát. Đó là những điều kiện cần thiết, hỗ trợ cho các phương pháp giáo dục ở trường.

“Khi đứng trước một trẻ khuyết tật, ta thường chỉ thấy những khuyết điểm, mặt yếu kém và hạn chế. Thay vào đó, ta không tìm ra được, hoặc không nhìn nhận những ưu điểm, khả năng dù rất ít ỏi, nhỏ bé của trẻ. Chúng ta không nên vì lòng thương yêu mà ở đây được xem là thương hại để làm thay mọi hoạt động cho trẻ, cũng như phục vụ một cách đầy đủ những nhu cầu của các em”, ông Lê Khanh chia sẻ.

Phụ huynh cần xem xét những khả năng dù rất ít, yếu ớt của trẻ. Sau đó, tìm cách hỗ trợ và nâng cao các khả năng đó lên. Đồng thời, tìm cách giúp trẻ biết tự phục vụ và nhất là xây dựng cho các em một tinh thần lạc quan, vui vẻ và tự tin. Chính những yếu tố này mới là điều cần thiết và đem lại hiệu quả tốt đẹp trong việc hướng dẫn những kỹ năng cho trẻ. Những kỹ năng này sẽ đem lại sự tự tin và từ đó giúp hình thành khả năng hội nhập của trẻ. Khi đó, trẻ sẽ vượt qua được những mặc cảm và hạn chế do tình trạng khuyết tật đem lại.

Trong cuốn “Vẻ đẹp trong mảnh vỡ của những giấc mơ: Cẩm nang cho những năm tháng đầu tiên của các bậc phụ huynh có con khuyết tật”, nữ tác giả Kathy McClelland chia sẻ, con trai thứ hai của cô sinh ra với chứng rối loạn nhiễm sắc thể hiếm. Vốn làm trong lĩnh vực marketing, giờ đây, cô dành tâm huyết cho việc truyền cảm hứng và trở thành động lực cho những người mẹ có hoàn cảnh tương tự. Cô tin rằng, ai cũng có thể tìm thấy vẻ đẹp trong mảnh vỡ những giấc mơ của mình.

Cha mẹ nào cũng sẽ trải qua nỗi đau khi chứng kiến điều gì đó xảy đến với con mình, có thể là tật chậm nói, bị bắt nạt, tự ti về ngoại hình hay khó khăn trong việc kết bạn. Đôi khi, nỗi đau lòng này xảy đến ngay khi con ra đời. Tuy nhiên, cũng có thể đến khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ mới trải qua cảm giác đó.

Theo nữ tác giả này, sống với khiếm khuyết cơ thể không phải điều tệ nhất có thể xảy đến với một người. Đôi khi, nỗi sợ hãi khó khăn khiến chúng ta quên đi sức mạnh của tình yêu và tình yêu thật sự sẽ chiến thắng những nỗi sợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ