Cùng với đó tôn trọng mọi khả năng, nhu cầu riêng biệt của mỗi đứa trẻ...
Tạo môi trường cho trẻ
Giáo dục hòa nhập là cơ hội để trẻ không tự kỷ và trẻ tự kỷ hiểu đúng giá trị của nhau, xóa bỏ sự cách biệt mặc cảm, xa lánh để trẻ có trách nhiệm với nhau hơn. Giúp trẻ tự kỷ được học tại nơi sinh sống cùng gia đình, không có sự tách biệt môi trường sống vì trường hòa nhập có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ trẻ em của địa phương không kể trẻ tự kỷ hay không tự kỷ vào học. Đây cũng là cơ hội giúp trẻ tự kỷ học được nhiều hơn ở bạn, giáo viên và nhà trường.
Thông qua lớp học hòa nhập giúp cho mọi trẻ, trong đó kể cả trẻ không tự kỷ và trẻ tự kỷ được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ và hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách và chuẩn bị hành trang cho tương lai.
Ngoài ra, cần có những mô hình hoạt động cộng đồng thân thiện mà mọi trẻ em có thể tham gia, như thể thao, văn nghệ, nghệ thuật, các lớp kỹ năng… Trong đó có tính đến những khó khăn của người tự kỷ và chấp nhận những khác biệt. Trẻ em tự kỷ tiến bộ nhanh khi có cơ hội thực hành giao tiếp, và được tham gia trong các hoạt động thân thiện ở cộng đồng.
Giáo dục hòa nhập còn đóng vai trò giúp trẻ khuyết tật được can thiệp sớm và hỗ trợ gia đình trẻ tự kỷ trong công tác can thiệp sớm. Do đó, cần thiết lập các mô hình giáo dục hòa nhập hiệu quả cho trẻ tự kỷ. Hiện nay trẻ em tự kỷ vẫn được học hòa nhập phổ thông, nhưng chưa có đủ các giáo viên giáo dục đặc biệt hỗ trợ, nên vẫn gặp khó khăn.
Chung tay hỗ trợ
Muốn đạt được những mục tiêu giáo dục giúp trẻ tự kỷ hoà nhập, cần lưu ý một số điểm. Ngay từ đầu năm học, khi nắm bắt được trường, lớp có trẻ tự kỷ học hòa nhập, Ban giám hiệu cần xây dựng kế hoạch sát với điều kiện của nhà trường. Bố trí cho trẻ học ở lớp phù hợp với sự phát triển độ tuổi theo trí tuệ của trẻ hơn là độ tuổi sinh học.
Lớp học có tỉ lệ học sinh hợp lý, không quá đông, mỗi lớp chỉ nên xếp từ 1 - 2 trẻ tự kỷ học hòa nhập. Khi lớp nhận 1 - 2 trẻ tự kỷ, sĩ số lớp cần được giảm 5 - 10 trẻ để giáo viên có điều kiện giảng dạy và chăm sóc trẻ.
Nhà trường có trách nhiệm tổ chức nhóm chuyên môn hỗ trợ giáo viên dạy lớp hòa nhập trong công tác tìm hiểu, xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ tự kỷ. Hiệu trưởng và Ban giám hiệu là người đóng vai trò lãnh đạo tích cực mang tính hỗ trợ cao trong giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật. Nhà trường cần có sổ theo dõi học sinh chung của trường và học sinh tự kỷ theo đúng yêu cầu.
Nhà trường cần bố trí đồ dùng trang thiết bị phù hợp hỗ trợ trong giáo dục trẻ tự kỷ và đề xuất tăng cường sự hỗ trợ của gia đình và xã hội về điều kiện cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cho trẻ tự kỷ. Có sự cộng tác chặt chẽ với gia đình, cộng đồng và các ban ngành đoàn thể địa phương để huy động nguồn lực hỗ trợ.
Giáo viên dạy hoà nhập cần có kế hoạch giáo dục và các biện pháp thực hiện phải cụ thể để giúp trẻ đạt được mục tiêu đã đề ra và có sự trao đổi, thảo luận với cha mẹ trẻ và nhóm lớp, cán bộ chuyên môn về khuyết tật của trường. Giáo viên có sự điều chỉnh phương pháp dạy và đánh giá phù hợp với trẻ tự kỷ, thực sự yêu thương, gần gũi và tận tình đối với trẻ khuyết tật. Nắm được những đặc điểm của trẻ tự kỷ hòa nhập trong lớp, xây dựng kế hoạch, mục tiêu và phương pháp giáo dục phù hợp cho trẻ.
Giáo viên cần nghiên cứu kỹ đặc điểm, nhu cầu của trẻ khuyết tật học tại lớp, nắm vững kỹ năng đánh giá trẻ tự kỷ để cùng nhóm hỗ trợ giáo dục hòa nhập của trường xây dựng bản kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ tự kỷ của lớp. Lập sổ theo dõi, ghi nhật ký về sự phát triển, tiến bộ riêng của trẻ khuyết tật tại nhóm, lớp, định kỳ đánh giá và xây dựng kế hoạch giáo dục, chăm sóc riêng cho từng trẻ khuyết tật trong lớp.
Giáo viên dạy lớp hòa nhập cần hiểu biết cách chăm sóc và xử lý một số diễn biến bất thường đối với trẻ khuyết tật của lớp, liên hệ trao đổi thống nhất với gia đình trong cách đánh giá mục tiêu, phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật. Công tác chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật rất vất vả nhưng với lòng yêu nghề mến trẻ thương các bé chịu nhiều thiệt thòi mà các cô hết lòng chăm sóc trẻ.
Hàng năm nhà trường thường gặp những đối tượng trẻ tự kỷ như tăng động, ngôn ngữ, khóc, không chịu ăn, thu mình ngồi một chỗ, bố mẹ không chấp nhận. Hàng ngày, các thầy cô phải quan tâm gần gũi với trẻ để hiểu được các ký hiệu mà trẻ muốn vì trẻ không nghe không nói được….
Công tác phối kết hợp với cha mẹ trẻ: Giáo viên cần hợp tác tốt với cha mẹ trẻ nhằm đáp ứng các nhu cầu cá nhân của từng bé. Các biện pháp bao gồm hiểu gia đình trẻ, duy trì giao tiếp thường xuyên với cha mẹ trẻ, tăng cường sự tham gia của cha mẹ vào các hoạt động ở trường mầm non, cung cấp thông tin về chăm sóc - giáo dục trẻ cho cha mẹ. Sự cộng tác của gia đình, là sự kiên trì, nỗ lực không ngừng của các bậc cha mẹ và những người thân của trẻ.
Trường mầm non muốn thực hiện mục tiêu chăm sóc và giáo dục trẻ phát triển toàn diện cần phải dựa vào gia đình, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ. Tuy nhiên nhiều gia đình vì không muốn con bị gọi là trẻ tự kỷ nên vẫn không chấp nhận đi khám hoặc làm hồ sơ trẻ tự kỷ cho con. Do đó, nhà trường phải tuyên truyền và vận động gia đình đi khám để có biện pháp chăm sóc và giáo dục phù hợp.