Cụ thể, gần đây sau hơn nửa tháng thông báo tạm dừng thực hiện chi trả phụ cấp thâm niên cho 22.000 nhà giáo, tỉnh Lâm Đồng lại quyết định tiếp tục chi trả cho đến khi có quy định và hướng dẫn mới.
Vì sao lại có hiện tượng này và giải pháp ra sao? Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng (Công ty Luật TNHH Kim Phụng và cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT).
- Sau một thời gian tạm dừng việc trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo, vừa qua tỉnh Lâm Đồng lại quyết định tiếp tục chi trả. Vì sao lại có hiện tượng này, thưa bà?
- Không riêng tỉnh Lâm Đồng, vừa qua, tôi được biết có một số tỉnh cũng tạm dừng, không trả trợ cấp thâm niên giáo viên để chờ hướng dẫn mới.
Việc này, chủ yếu được căn cứ vào Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) quy định “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ” (Điều 76). Như vậy, quy định “Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ” theo Điều 81 của Luật Giáo dục cũ đã không còn được tiếp tục quy định trong Luật Giáo dục năm 2019.
Đồng thời, Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; trong đó quy định: “Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức)”, “từ năm 2021 thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới”.
Căn cứ vào các quy định trên, nhiều địa phương đã hiểu là khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thì chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo hết hiệu lực, không được thực hiện nữa.
Tuy nhiên, trong điều chỉnh pháp luật của hầu hết các nước thường tồn tại một nguyên tắc (có thể không cần được quy định, “bất thành văn”) là nhìn ở tổng thể thì các quyền lợi của người lao động/của công dân khi đã được quy định trong giai đoạn trước thì thường sẽ không bị cắt giảm trong giai đoạn sau.
Có thể nó sẽ được chuyển đổi sang hình thức, tên gọi khác, thuộc hệ thống mới… cho hợp lý và công bằng hơn, phù hợp và đồng bộ với những đổi mới khác của cả hệ thống. Ngay trong Nghị quyết 27-NQ/TW nêu trên cũng đã quy định: Từ năm 2021 thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Thực hiện đúng Nghị quyết này thì việc“bãi bỏ phụ cấp thâm niên” không có nghĩa là giảm thu nhập giáo viên, xét trên bình diện chung.
- Vậy, để việc chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo được thuận lợi, các địa phương nên làm thế nào?
- Theo thông tin mà chúng tôi được biết, hiện nay, hầu hết các địa phương đều chi trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên theo các văn bản đã được áp dụng từ trước đến giờ, kể cả một số địa phương đã từng có quyết định tạm dừng chi trả.
Thực tế, mặc dù có hiệu lực từ 1/7/2020 nhưng quy định “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ” của Luật Giáo dục năm 2019 cũng chưa được thực hiện; tiền lương giáo viên vẫn theo ngạch bậc và mức lương tối thiểu, chưa xếp theo vị trí việc làm; chưa có quy định về phụ cấp đặc thù nghề theo luật mới do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong hai năm qua.
Để tập trung thời gian và nguồn lực phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ đã có Tờ trình số 34/TTr-CP ngày 14/10/2020 trình Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhằm hỗ trợ nhà giáo ổn định đời sống, yên tâm công tác trong thời gian chính sách tiền lương mới chưa được áp dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề nghị này (Thông báo số 4078/TB-TTKQH, ngày 11/11/2020 của Tổng Thư ký Quốc hội).
Cũng với lý do trên, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (tháng 10/2020) về lùi thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới với cán bộ, công chức, viên chức… đến ngày 1/7/2022. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã đồng ý lùi thời điểm cải cách tiền lương đến 1/7/2022, chậm hơn 1 năm so với quy định trong Nghị quyết 27.
Bộ GD&ĐT cũng đã có Công văn 460/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 2/2/2021 gửi Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo; đồng thời, Bộ cũng đang thực hiện các thủ tục để trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 54/2011/NĐ-CP để tiếp tục thực hiện chính sách phụ cấp thâm niên này cho dến khi thực hiện chính sách tiền lương mới.
Như vậy, đã khá rõ việc hiện nay, tạm thời, các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn. Dự kiến, chính sách này sẽ được tiếp tục thực hiện khi Chính phủ ban hành Nghị định mới, thay thế Nghị định số 54 nêu trên cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương và phụ cấp đặc thù nghề theo quy định mới (thực hiện Nghị quyết số 27/NQ/TW.
Do đó, sự không đồng bộ trong việc thực hiện phụ cấp thâm niên nêu trên là có tính thời điểm, có nguyên nhân chủ quan về sự thống nhất chưa kịp thời trong chỉ đạo nhưng phần lớn do nguyên nhân khách quan trong bối cảnh cả nước phải tập trung nguồn lực ứng phó phòng chống dịch Covid-19 nên chủ trương cải cách chính sách tiền lương và triển khai thực hiện Điều 76 của Luật Giáo dục bị chậm lại.
- Vậy, theo bà giải pháp căn cơ cho vấn đề này là gì?
- Giải pháp cho vấn đề trên đã được nêu khá rõ tại Nghị quyết số 27/NQ/TW. Trong Nghị quyết, mặc dù không có lý giải việc bãi bỏ chế độ phụ cấp thâm niên (như đã lý giải việc bãi bỏ các chế độ phụ cấp khác) nhưng không có nghĩa là cắt phụ cấp thâm niên một cách cơ học, làm giảm thu nhập của giáo viên vô căn cứ mà giáo viên vẫn được thực hiện chủ trương đã được quy định đồng thời trong Nghị quyết này: Thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Việc bỏ phụ cấp thâm niên để trả lương/thu nhập theo vị trí việc làm, theo năng lực, số lượng, chất lượng và hiệu quả công việc… sẽ đảm bảo công bằng, tạo động lực khuyến khích cả hệ thống giáo viên ở mọi lứa tuổi cạnh tranh và phát triển, nâng cao chất lượng toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, quyết định này cũng sẽ góp phần đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo trong việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, trả lương và quản lý đối với viên chức để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc; góp phần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục đào tạo trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (đối với cơ sở đã tự chủ chi thường xuyên); thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với khoán quỹ lương, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động, tinh giản biên chế, khoán kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ trong các cơ sở giáo dục.
- Xin trân trọng cám ơn bà!