Chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo: Một quyết định có ý nghĩa

Chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo: Một quyết định có ý nghĩa

Năm học mới 2011 - 2012 sắp bắt đầu. Nghị định về Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, có hiệu lực từ 1.9, là một quyết định thật ý nghĩa. Theo đó, giáo viên giảng dạy từ năm thứ 6 trở đi sẽ được hưởng thêm phần phụ cấp thâm niên.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Thu Thủy, giáo viên dạy giỏi nhiều năm của tỉnh Thái Nguyên - người đã có hơn 30 năm làm nghề dạy học, không giấu nổi niềm vui: chế độ phụ cấp này đối với những giáo viên ở nông thôn như tôi thật ý nghĩa. Càng có ý nghĩa hơn vì phần phụ cấp thâm niên được tính bảo hiểm xã hội, được thể hiện trong mức lương mà tôi sẽ nhận trong vài năm tới khi về hưu. Như vậy, “so với số rất ít nghề mà Nhà nước có ưu đãi hơn về lương như: lực lượng vũ trang, quân đội thì bà giáo này khi về già cũng không đến nỗi quá thua kém...” - cô Thủy nói vui.

Trên cương vị một nhà quản lý giáo dục, cô Thu Hà, Phó giám đốc Sở GD - ĐT Đồng Tháp, nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XII chia sẻ: Quốc hội Khóa XII đã xem xét và thấy cần thiết phải có chính sách ưu đãi này. Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo ban hành lúc này tuy hơi muộn nhưng cũng rất tốt. Nó cụ thể hóa chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, ghi nhận sự tôn vinh của toàn xã hội với nghề cao quý này, góp phần động viên, khích lệ các thầy cô yên tâm công tác, tập trung vào chuyên môn. Đây cũng là biểu hiện cho thấy sự tiếp thu và hiện thực hóa các ý nguyện của cử tri và quyết định của Quốc hội đã đi vào cuộc sống.

Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD - ĐT Trần Kim Tự cho biết: trước đây đã có chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo (từ tháng 9.1988). Việc thực hiện chính sách ưu đãi này đã góp phần chấm dứt tình trạng giáo viên bỏ nghề hàng loạt vào những năm cuối thập kỷ 1980. Thực tế, chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo đã được thực hiện từ năm 1993. Trong giai đoạn 1996 đến nay, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi, nhưng không phải tất cả những ai phục vụ trong ngành được hưởng phụ cấp này mà chỉ có nhà giáo đứng lớp. Chế độ phụ cấp ưu đãi sẽ không còn khi các giáo viên về hưu. Vì vậy, chế độ phụ cấp thâm niên nghề giáo tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Phó vụ trưởng Trần Kim Tự cũng cho biết: cả nước sẽ có hơn 900.000 thầy cô giáo được thụ hưởng chính sách ưu tiên này, bắt đầu từ năm học mới 2011 - 2012 với mức hưởng khoảng 465.000 đồng/tháng (tính trung bình). 

Đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên là nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội (gọi chung là cơ sở giáo dục công lập) đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ - CP. Điều kiện và mức tính hưởng: có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng; từ năm thứ 6 trở đi (đủ 12 tháng) mỗi năm được tính thêm 1%. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để đóng, hưởng BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp.


Để khôi phục chính sách trên là sự nỗ lực và bền bỉ vận động, thuyết trình... suốt 2 - 3 năm qua của người đứng đầu, các đơn vị chức năng thuộc Bộ GD - ĐT, sự ủng hộ của xã hội: từ chỗ tập hợp ý kiến của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý từ cơ sở trong toàn ngành đến vận động giải trình, thảo luận, xin ý kiến các bộ, ngành... và cuối cùng là soạn thảo Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 35 ngày 19.6.2009, trong đó phụ cấp thâm niên là một nội dung của Đề án. Sau đó, Quốc hội tiếp tục thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, với quy định: nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

“Một khi đã chọn nghề giáo, đa số giáo viên chúng tôi đã không mơ tưởng đến viễn cảnh giàu có về tiền bạc. Việc phải dạy thêm, làm thêm chẳng qua là việc chẳng đừng... Khi thu nhập được cải thiện, chúng tôi sẽ yên tâm công tác hơn, toàn tâm toàn ý hơn với công việc. Điều quan trọng hơn, cái nhìn của xã hội về nghề giáo cũng sẽ thay đổi, không còn coi nghề này “xanh như bảng, bạc như phấn”.  Đó là chia sẻ rất thật lòng như một lời cam kết mà cô giáo Thu Thủy đã nói thay gần một triệu giáo viên khi đáp lại chính sách mới được Chính phủ ban hành theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo Đại biểu nhân dân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ