Chỉ tiêu nhiều, tuyển dụng giáo viên được bao nhiêu?

GD&TĐ - Còn hơn 74 nghìn chỉ tiêu biên chế giao cho các địa phương nhưng chưa sử dụng...

Giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (TP Long Khánh, Đồng Nai) thực hành Tin học trong môn Công nghệ lớp 3. Ảnh: C.Nghĩa
Giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (TP Long Khánh, Đồng Nai) thực hành Tin học trong môn Công nghệ lớp 3. Ảnh: C.Nghĩa

Theo thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển dụng thêm 17 nghìn giáo viên công lập. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 74 nghìn chỉ tiêu biên chế giao cho các địa phương nhưng chưa sử dụng.

Điệp khúc thiếu

Tại Đồng Nai, tổng số giáo viên đang công tác trong cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến THPT là hơn 25.500 người. Theo báo cáo của UBND tỉnh, giáo viên cần có theo định mức là gần 28 nghìn người. Hiện toàn tỉnh còn thiếu trên 2.400 giáo viên, nhiều nhất là cấp tiểu học: 929 người, tiếp đến là THCS: 657 người, mầm non: 595 người và THPT thiếu 227 người.

Riêng với cấp tiểu học, chủ yếu thiếu giáo viên Giáo dục thể chất, Tin học, trong khi cấp THCS thiếu giáo viên một số môn như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Tin học. Còn cấp THPT thiếu nhiều nhất vẫn là giáo viên Lịch sử và nhóm môn lựa chọn.

Năm học mới đang đến gần nhưng Đắk Lắk vẫn chưa có lời giải cho bài toán thiếu giáo viên. Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Phạm Đăng Khoa cho hay, toàn tỉnh hiện thiếu gần 1.200 giáo viên, nhân viên; nhiều nhất là giáo viên mầm non. Năm học 2023 - 2024, theo đề án tinh giản biên chế, ngành Giáo dục của tỉnh sẽ tinh giản hơn 620 biên chế. Trong khi đó, chỉ tiêu bổ sung năm 2022 là 272 biên chế, so với số tinh giản chỉ bù được 40%.

Theo thống kê, huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) còn thiếu hơn 200 giáo viên. Theo Trưởng phòng GD&ĐT, ông Nguyễn Anh Thủy, thiếu nhiều nhất là giáo viên tiếng Anh; thậm chí cấp tiểu học chưa có giáo viên giảng dạy bộ môn này. Thiếu giáo viên, cơ cấu mất cân đối nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Trên thực tế, thiếu giáo viên trước thềm năm học mới là tình trạng chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Theo ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT, tình trạng này chủ yếu do thiếu nguồn tuyển. Chẳng hạn, năm 2021 khi tổ chức thi tuyển đợt 1 chỉ tuyển được 298 giáo viên trong khi kế hoạch là 638 giáo viên (đạt 47%). Đến đợt 2 chỉ tiêu tuyển dụng là 743 giáo viên nhưng số lượng tuyển cũng chưa đạt.

Một lớp học của Trường THCS Hùng Vương (Krông Bông, Đắk Lắk). Ảnh: Website Sở GD&ĐT Đắk Lắk

Một lớp học của Trường THCS Hùng Vương (Krông Bông, Đắk Lắk). Ảnh: Website Sở GD&ĐT Đắk Lắk

Tuyển dụng được bao nhiêu?

Tháng 7/2022, Bộ Chính trị giao bổ sung gần 66 nghìn biên chế cho ngành Giáo dục; riêng năm học 2022 - 2023 là hơn 27.800 giáo viên. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển dụng thêm hơn 17 nghìn giáo viên công lập. Trong đó, giáo viên mầm non trên 4.500 người; tiểu học hơn 7.200; THCS gần 4.000 và THPT là trên 1.400 người.

Hiện còn trên 74 nghìn chỉ tiêu biên chế giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được; trong đó giáo viên mầm non là trên 24.400; tiểu học gần 28.700; THCS hơn 15.500 và THPT hơn 5.500 người.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là thiếu giáo viên dạy các môn học mới (các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục. Việc thực hiện yêu cầu tinh giản biên chế 10% cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên thêm trầm trọng.

Cũng theo thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, tình trạng thừa, thiếu theo định mức diễn ra ở nhiều cấp học. Cụ thể: Mầm non thiếu gần 52 nghìn giáo viên; tiểu học thiếu hơn 33 nghìn giáo viên nhưng thừa cục bộ trên 1.500 giáo viên. Cấp THCS thiếu hơn 19.300 giáo viên, thừa cục bộ trên 3.200 giáo viên. Cấp THPT thiếu hơn 13.800 giáo viên, thừa cục bộ trên 5 nghìn giáo viên.

Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nếu các địa phương tuyển hết chỉ tiêu nêu trên, cùng với việc thực hiện bổ sung giáo viên cho giai đoạn 2022 - 2026 theo quyết định của Bộ Chính trị thì cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên.

Trước thực trạng thiếu giáo viên, các địa phương đã triển khai giải pháp tình thế, đồng thời xây dựng kế hoạch, chiến lược dài hơi. UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo thực hiện việc biệt phái giáo viên giữa các địa phương. Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng giáo viên giảng dạy môn Tin học, Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý…

Đối với các môn học đang thiếu giáo viên nhiều như: Ngoại ngữ, Tin học sẽ ưu tiên không sắp xếp đội ngũ giáo viên dạy hai môn học này kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác, bố trí dạy liên cấp, liên trường. Tăng cường giáo viên tiếng Anh từ các huyện, thị xã, thành phố lên hỗ trợ cho huyện khó khăn.

Chia sẻ của ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái, địa phương đã xây dựng các phương án tìm nguồn tuyển dụng, đặt hàng đào tạo, xây dựng chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở vùng cao, vùng khó khăn của tỉnh. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai tuyển dụng giáo viên cho năm học mới. Về lâu dài, vẫn cần những giải pháp căn cơ trong việc thu hút giáo viên; nhất là nhà giáo công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết quyết định số lượng hợp đồng lao động giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm 2023 là 743 chỉ tiêu.

Trong số này, cấp THPT là 90 chỉ tiêu; THCS và THPT 20 người, THCS 69 người, tiểu học 279; tiểu học và THCS 39 người và mầm non 246 người. Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Ngọc Tuấn nhìn nhận, Nghị quyết được thông qua sẽ giải quyết bài toán thiếu giáo viên dạy học tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập; đồng thời góp phần giảm áp lực, nâng cao chất lượng dạy học trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cho năm học sắp tới, Sở GD&ĐT Đắk Lắk sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có quy mô nhỏ. Sở cũng đề xuất UBND tỉnh bổ sung chỉ tiêu hợp đồng lao động giảng dạy tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, đồng thời kêu gọi các địa phương quan tâm thực hiện xã hội hóa giáo dục.

“Đối với huyện được giao biên chế, cố gắng tuyển đủ chỉ tiêu. Ngoài ra điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu một cách phù hợp. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhằm giảm khó khăn, áp lực cho trường công lập và ngân sách Nhà nước”, Phạm Đăng Khoa trao đổi.

Giờ thể dục của các bé lớp ghép 3 - 5 tuổi tại điểm Trường Cáng Dông, Trường Mầm non Xéo Dì Hồ (Mù Cang Chải, Yên Bái). Ảnh: Báo Yên Bái

Giờ thể dục của các bé lớp ghép 3 - 5 tuổi tại điểm Trường Cáng Dông, Trường Mầm non Xéo Dì Hồ (Mù Cang Chải, Yên Bái). Ảnh: Báo Yên Bái

Quy trách nhiệm cho người đứng đầu

Tại buổi làm việc về tình trạng thiếu giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, trường nào thiếu giáo viên phải tuyển cho đủ. Nếu tuyển mà vẫn thiếu phải xem xét hợp đồng thêm, tăng giờ để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Biên chế đã giao cho các địa phương, địa bàn nào không tuyển đủ thì phó chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực phải chịu trách nhiệm. “Lãnh đạo các địa phương phải đến trường sư phạm tìm nguồn tuyển, đồng thời thường xuyên thăm hỏi, động viên bám trường, bám lớp”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh gợi mở.

Liên quan đến chế độ đãi ngộ cho nhà giáo, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai giao sở GD&ĐT, UBND tỉnh khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên, trình HĐND tỉnh xem xét thông qua trước khi khai giảng năm học 2023 - 2024 để giáo viên an tâm, phấn khởi.

Trong bối cảnh còn thiếu giáo viên, các ngành, địa phương không được lấy giáo viên sang công tác ở lĩnh vực khác trong hệ thống chính trị cho đến khi có đủ nhân sự. Cần tính toán đào tạo có địa chỉ, đào tạo tại chỗ. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tính toán, nếu thiếu thì cử con em là người địa phương đi đào tạo để phục vụ quê hương.

Nhấn mạnh một số giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên và thực hiện phát triển đội ngũ nhà giáo, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho hay, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến tuyển dụng, thu hút và chăm lo cho đội ngũ nhà giáo. Bộ sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành, sửa đổi Thông tư về vị trí việc làm và định mức giáo viên. Qua đó, các địa phương có cơ sở bố trí giáo viên sát với thực tế hơn.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có ở các địa phương để bổ sung cho năm học 2023 - 2024 trong tổng biên chế giao đến năm 2026; đồng thời tăng cường đôn đốc các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số lượng biên chế đã được giao.

Ông Vũ Minh Đức đề nghị, các địa phương xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, có chính sách hợp lý để thu hút giáo viên và rà soát, sắp xếp điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trong địa phương, nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Cùng với đó, địa phương cần tổ chức tuyển dụng hết số biên chế được giao, ưu tiên tuyển giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học còn thiếu. Đối với một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương có thể đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo ông Vũ Minh Đức, kinh nghiệm cho thấy, nếu các sở GD&ĐT bám sát và phối hợp chặt chẽ với ngành Nội vụ, việc tuyển dụng đủ chỉ tiêu biên chế được giao sẽ không khó. Bên cạnh đó, địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên. Đẩy mạnh việc tinh giản biên chế gắn với tổ chức trường lớp và cơ cấu lại đội ngũ viên chức.

Cùng với đó, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục nhằm giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Địa phương cũng cần nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác; thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Theo dự báo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, năm học 2023 - 2024, toàn ngành cần hơn 1,1 triệu giáo viên các cấp (trong các cơ sở giáo dục công lập). Cả nước, cần tuyển bổ sung hơn 81.500 giáo viên các cấp. Số lượng biên chế được giao chưa tuyển dụng ở các địa phương là hơn 74.100 giáo viên; trong đó, hơn 24.400 giáo viên tiểu học; trên 15.500 giáo viên THCS và hơn 5.500 giáo viên THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ