Sang năm học 2022 - 2023, toàn quốc tiếp tục có hơn 19.300 giáo viên nghỉ hưu và bỏ việc, trong đó số người bỏ việc lên tới gần 9.300. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này là, vì đâu lại có tình trạng giáo viên bỏ một nghề mà xã hội luôn vinh danh là… cao quý?
Bài toán thu nhập thấp vẫn chưa có lời giải
Chúng ta đang đề xuất và triển khai mô hình trường học hạnh phúc. Một mô hình thể hiện rõ tính nhân văn cho cả người dạy và người học. Ở đó, thầy cô và học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, hạnh phúc. Nhưng học sinh muốn hạnh phúc thì trước tiên giáo viên phải hạnh phúc.
Và liệu giáo viên đã thật sự hạnh phúc chưa? Giáo viên không thể vui, không thể tạo được niềm vui cho lớp học khi sau giờ lên lớp là những lo lắng, tính toán nan giải về cơm áo gạo tiền, học phí của con cái, viện phí… bên cạnh nỗi lo về chất lượng học tập và hạnh kiểm của học sinh.
Ngành nghề nào cũng có áp lực nhưng với ngành “bồi dưỡng tâm hồn” như nghề giáo thiết nghĩ cần hạn chế tối đa. Chúng ta muốn tạo ra môi trường giáo dục an toàn, hạnh phúc thì trước hết phải cởi bỏ những chiếc “vòng kim cô” trên đầu cho nhà giáo. Có như vậy, giáo viên mới tiếp tục yêu và gắn bó lâu dài với nghề nghiệp mình đã chọn.
Mặc dù tăng từ 1/7/2023 thì lương của một giáo viên mới nhận việc cũng chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Đó là mức lương quá thấp so với nhiều ngành nghề khác hiện nay.
Một đồng nghiệp đang dạy môn “phụ” trong trường THPT ở Hà Tĩnh chia sẻ rằng, ngoài thời gian lên lớp thầy còn mở thêm lớp dạy bơi để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Một đồng nghiệp khác mới đi dạy vài năm thì vừa buôn bán hàng online trên mạng vừa gom hàng hóa ở quê để đưa lên trường bán. Cô bảo rằng: “Em lấy nông sản dưới quê lên đây bán cho thầy cô trong trường để kiếm thêm tiền mua sữa cho con, chứ lương giáo viên mới ra trường thấp quá, chỉ khoảng hơn 4 triệu đồng, không đủ sống!”.
Chưa được trọng dụng
Đây không phải là hiện tượng phổ biến nhưng nếu nhìn thẳng vào thực tế thì vẫn còn tồn tại trong ngành Giáo dục. Lẽ thường tình “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, “giáo viên giỏi, yêu nghề là nguyên khí của một trường học” nên cần phải được trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng. Tuy nhiên, thực tế nhiều khi lại không phải như vậy…
Đợt đi chấm thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tôi có nghe được một câu chuyện buồn từ đồng nghiệp. Khi hỏi thăm về công việc của chồng cô ấy - là thầy giáo dạy môn Vật lý thì mới biết, anh đã bỏ nghề cao quý được hơn một năm nay. Tôi rất ngạc nhiên vì đó là thầy giáo giỏi, gần như đã đạt mọi thành tích cao trong quá trình giảng dạy (giáo viên dạy giỏi tỉnh, bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải cao, sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành…).
Và đặc biệt, đó là người yêu nghề, đã truyền cảm hứng yêu thích môn Vật lý đến nhiều thế hệ học trò. Khi được hỏi về nguyên nhân bỏ việc, bạn trầm ngâm một lúc rồi chia sẻ: Lương thấp không phải là nguyên nhân cơ bản, mà là năng lực bản thân không được động viên kịp thời. Mặt khác, những góp ý thẳng thắn mang tính xây dựng cho trường của thầy cũng không được lãnh đạo ghi nhận.
Sự việc trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là vì cơ chế chính sách đãi ngộ chưa rõ ràng. Mọi thứ vẫn mang tính cào bằng dẫn đến tình trạng giáo viên giỏi, cố gắng cũng như người thiếu nỗ lực, thậm chí ở một vài nơi, người giỏi còn bị chèn ép, không có điều kiện phát triển bản thân.
Ở một số nơi, tình trạng mất dân chủ làm tổn thương nặng nề những người có tự trọng, ý thức phẩm giá. Nó tất yếu dẫn đến việc những người “thẳng lưng” sẽ rời bỏ nhà trường.
Lớp học của cô giáo Pơloong Thị Nhun tại điểm trường thôn Atu (xã Ch’Ơm, Tây Giang, Quảng Nam). Ảnh: INT |
Nỗi sợ... không tên
Sau 3 năm thi đỗ vào biên chế, năm học 2022 - 2023, cô Trần Thị Tú Điển, công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) xin nghỉ việc. Cô Điển cho hay: “Để được vào biên chế, bản thân có một thời gian là giáo viên hợp đồng với mức lương chưa đến 4 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí sinh hoạt ở vùng cao khá đắt đỏ. Dù vẫn trong thời gian hưởng 70% phụ cấp thu hút nhưng tôi vẫn quyết định nghỉ việc để chuyển hướng công tác, về đồng bằng chọn công việc phù hợp hơn”.
Cô Điển chia sẻ, điều luyến tiếc nhất khi không còn công tác trong ngành Giáo dục chính là tình cảm của học trò. Trước khi nghỉ việc, cô Điển là giáo viên nòng cốt của Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập khi triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới ở khối lớp Một.
“Chương trình mới, giáo viên vừa dạy học, soạn giảng, tìm hiểu các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường và mức độ tiếp nhận của học sinh miền núi. Các em thường rụt rè, chưa quen với hoạt động học tập được tổ chức theo nhóm, lại không thông thạo tiếng Việt… Đây là những áp lực rất lớn của giáo viên khi dạy chương trình mới theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh”, cô Điển cho biết.
Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập có nhiều điểm trường lẻ. Ngoài phải về sinh hoạt chuyên môn ở điểm trường chính, cô Điển và giáo viên khối Một còn phải thường xuyên trao đổi online theo nhóm chat để thảo luận, thống nhất về phương pháp, hình thức dạy học phù hợp.
“Trong sinh hoạt chuyên môn, chúng tôi đã thống nhất thay thế một số nội dung trong sách giáo khoa có thể không phù hợp hoặc xa lạ để các em dễ tiếp thu. Nhiều ngữ liệu trong sách giáo khoa lớp Một chỉ giới thiệu các tỉnh phía Bắc, chưa thấy nói về phong cảnh ở vùng miền khác. Sách có sử dụng một số tên địa danh của Sa Pa như Tả Van, Tả Phìn, Sín Chải, học sinh rất khó đọc”, cô Điển nói.
Thầy Nguyễn Ngọc Bình, nguyên giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) cũng xin nghỉ việc trước khi bước vào năm học 2022 - 2023. “Triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới, nhà trường đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và hoạt động chuyên môn. Từ quản lý điểm, báo giảng, kế hoạch dạy học, thiết lập các theo dõi quản lý học sinh, mượn sách, mượn thiết bị thư viện..., giáo viên buộc phải thao tác trên phần mềm của hệ thống VnEdu. Tôi cảm thấy mình không thể “đuổi kịp” những thay đổi này, không đáp ứng được với yêu cầu công việc nên xin nghỉ”, thầy Bình bộc bạch.
Một đợt đi kiểm tra – sinh hoạt chuyên môn tại các điểm trường thôn của Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập. |
Áp lực không nằm ở… trang giáo án
Với những giáo viên trẻ đang trong giai đoạn tập sự như cô Nguyễn Lê Như Thủy, Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), áp lực nhất không phải là tổ chức hoạt động dạy học, mà là giao tiếp, trao đổi với phụ huynh. Năm đầu tiên dạy học, cô Thủy chủ nhiệm lớp 3.
“Qua học kỳ II của năm học này, có 15 học sinh được chọn để kết nạp Đội viên trong đợt đầu. Dù giáo viên chủ nhiệm đã phổ biến các tiêu chí bình xét nhưng nhiều phụ huynh vẫn gọi điện, nhắn tin thắc mắc sao con của họ có kết quả học tập tốt nhưng lại không được kết nạp trong đợt đầu tiên”, cô Thủy kể và bộc bạch: “Nếu trao đổi trực tiếp, giáo viên sẽ thuận lợi nhưng hầu hết phụ huynh chỉ nhắn tin, gọi điện nên bản thân phải chừng mực, điều tiết tốt âm lượng giọng nói khi giải thích để tránh gây hiểu nhầm về thái độ...”.
Từng đối diện tình huống trên, cô Lê Thị Minh Tâm, Trường Tiểu học Hải Vân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) chia sẻ, đôi khi, những quan tâm, lo lắng thái quá của phụ huynh cũng là áp lực đối với giáo viên. “Dù có nhiều quy định, hướng dẫn, giáo viên chủ nhiệm đã phổ biến trong buổi gặp mặt cha mẹ học sinh đầu năm học, nhưng gần như tối nào cũng có người gọi điện chỉ để... hỏi lại cho chắc chắn”, cô Tâm kể.
Trong 3 năm từ 2020 - 2022, Quảng Nam có 200 giáo viên nghỉ việc. Trong số này, cấp mầm non có 88 người, tiểu học 67 người, THCS 33 người và THPT 12 người. Năm 2020 có 41 người nghỉ việc, năm 2021 có 39 người và năm 2022 có 120 người.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nghỉ việc, theo phân tích của UBND tỉnh Quảng Nam là địa bàn rộng, nhiều huyện miền núi, nhiều giáo viên do điều kiện công tác xa nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nghỉ việc để tìm công việc thuận lợi hơn.
Đặc biệt trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trường hợp ra khỏi ngành tập trung chủ yếu ở cấp học mầm non và tiểu học. Trong số đó có một số trường hợp nghỉ việc ở địa phương này do đã trúng tuyển viên chức ở địa phương khác.
Trên thực tế, một số vị trí như giáo viên mầm non, tiểu học tuyển dụng được còn rất ít so với nhu cầu do người dự tuyển không đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.
Do đó, việc thiếu giáo viên giảng dạy đã phần nào gây áp lực công việc đối với thầy, cô giáo. Như Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập, số tiết tăng – thay của nhà trường vượt mức kinh phí được cấp để hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế. Vì vậy, số tiền thanh toán tăng – thay cho giáo viên thực tế không đủ theo quy định. Mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống phần nào là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nghỉ việc.
Dù đã có nhiều cải cách về tiền lương nhưng với nghề giáo vẫn chưa ghi nhận bước tiến mang tính đột phá. Và một khi bài toán về thu nhập thấp vẫn chưa tìm ra lời giải thì thực trạng giáo viên tìm đến ngành nghề khác thu nhập hấp dẫn hơn sẽ tiếp tục diễn ra.