Thiếu giáo viên là đang thách thức với nhiều địa phương khi năm học mới đang đến gần. Giải quyết bài toán này, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề xuất, cần có cơ chế thu hút và giữ chân giáo viên, nhất là với người giỏi và tâm huyết.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh): Cải tiến chính sách tiền lương và phụ cấp
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà. |
Một trong những giải pháp góp phần tích cực giữ chân và thu hút giáo viên là nâng mức phụ cấp ưu đãi. Theo đó, có thể tăng lên ngang với mức phụ cấp ưu đãi của y tế cơ sở, hoặc tối thiểu là tăng từ 35% lên 70%.
Tôi cũng là nhà giáo nên thấu hiểu, để có bài giảng hay, chất lượng, hiệu quả, giáo viên mất nhiều thời gian, tâm sức chuẩn bị; từ soạn giáo án, chọn ngữ liệu và lựa chọn thiết bị dạy học.
Sau đó là chấm bài, sửa bài cho học sinh. Thời gian làm việc của giáo viên không thể tính theo 8 tiếng/ngày mà số tiết dạy được tính trên hồ sơ, bài giảng; trong đó có cả thời gian trước và sau mỗi bài giảng trên lớp. Đấy là chưa kể đến công việc khác trong quản lý học sinh. Với những giáo viên làm công tác chủ nhiệm thì trách nhiệm càng lớn hơn khi “đầu việc không tên” không hề ít.
Không chỉ vậy, giáo viên thường xuyên phải thay đổi nội dung và phương pháp giảng dạy, chủ động tiếp cận cho phù hợp với từng học sinh. Chưa kể, hằng ngày họ phải cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, tham gia nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cũng như tự nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Với giáo viên mầm non còn vất vả hơn. Họ thường làm việc liên tục trong ngày, kể cả buổi trưa. Môi trường làm việc của giáo viên mầm non có tính đặc thù và nhiều áp lực từ phụ huynh và xã hội.
Từ những phân tích nêu trên, tôi cho rằng, tăng lương, phụ cấp là giải pháp thiết thực nhằm khích lệ giáo viên trong công tác, giúp họ yên tâm giảng dạy. Trên hết là giữ chân đội ngũ nhà giáo hiện có và thu hút giáo viên trẻ, những người tài giỏi vào ngành Giáo dục.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo (Nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục): Cần có cơ chế tôn vinh nhà giáo
PGS.TS Đặng Quốc Bảo. |
Tôi cho rằng, để giữ chân đội ngũ giáo viên và thu hút người giỏi vào ngành Giáo dục, cần có chính sách thiết thực và hiệu quả. Theo đó, Nhà nước có cơ chế tôn vinh nhà giáo, nhất là với thầy, cô giáo giỏi, tâm huyết.
Giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ cần sớm xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo. Qua đó, ghi nhận và quan tâm đúng mức công lao của nhà giáo với sự nghiệp “trồng người” nói riêng và phát triển đất nước nói chung.
Ngoài ra, cần tạo cơ chế, môi trường làm việc thuận lợi cho giáo viên, tránh những áp lực không đáng có. Làm sao để giáo viên được sáng tạo và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Trong phạm vi thẩm quyền, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm thu hút giáo viên về dạy học tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho nhà giáo trong quá trình công tác. Cùng với đó, khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Trong bối cảnh nhiều địa phương thừa thiếu giáo viên cục bộ, nên chăng áp dụng phương thức biệt phái giáo viên ở nơi thừa về nơi thiếu. Việc này vừa giúp cân bằng đội ngũ giáo viên, vừa tránh lãng phí nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng giáo dục.
Với những bộ môn còn thiếu giáo viên, các địa phương nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng hoặc ký hợp đồng với người đã nghỉ hưu để có đủ đội ngũ đứng lớp, thực hiện phương châm “ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên”. Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng “đặt hàng” đào tạo giáo viên. Giải pháp này sẽ tránh được tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.
Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TPHCM): Giảm tải chương trình, tăng chế độ đãi ngộ
Thầy Huỳnh Thanh Phú. |
So với các ngành nghề khác, thu nhập của giáo viên còn thấp, trong khi áp lực công việc ngày càng cao. Chương trình GDPT năm 2018 dù hay nhưng lại phức tạp khiến người thầy thêm căng thẳng.
Riêng với đội ngũ dạy trung học cơ sở, thầy cô gặp khó khăn khi dạy tích hợp do thiếu liên thông giữa soạn sách giáo khoa và áp dụng việc dạy tích hợp trên thực tiễn.
Điều này đôi khi làm nghẽn mạch cảm xúc và tính sáng tạo trong quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó, quy trình đào tạo và nhân sự để dạy môn học chưa có. Vậy nên phải tìm cách để giảm tải chương trình. Ngày nay, người thầy phải đối mặt với nhiều áp lực, trong đó có cả đồng lương. Như vậy, muốn giữ chân người thầy, không có cách nào khác là làm cho cuộc sống của nhà giáo yên ổn. Mà như vậy, lương phải đủ sống.
Cùng đó thực hiện đúng chế độ nhà công vụ, nhà ở xã hội, nhất là với giáo viên. Phải áp dụng đúng đối tượng được mua, chứ không phải bán cho người giàu. Nếu nói nhà công vụ là dành cho công chức thì tất cả giáo viên phải được ở. Phải có cư xá giáo viên. Vì là nhà công vụ nên chỉ cho ở chứ không nên tạo điều kiện cho việc mua và bán để lấy lời. Nếu giáo viên không ở thì trả lại nhà cho Nhà nước.
Để giữ chân người thầy, cần trao quyền nhiều hơn, nhất là trong giáo dục học sinh cá biệt, học sinh “cậu ấm, cô chiêu”. Với trường hợp này cần có cách giáo dục riêng, đủ sức ngăn ngừa những hành vi xấu, giúp các em hình thành tình yêu thương, đồng cảm với mọi người.
Ông Nguyễn Quang Thái (Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Long An): Bảo vệ danh dự nhà giáo
Ông Nguyễn Quang Thái. |
Ngành Giáo dục đang chịu áp lực rất lớn do đặc thù ngành nghề tác động trực tiếp đến mỗi người dân. Giáo viên ngày thì đứng lớp, tối lại soạn bài, giáo án, chấm bài.
Tuy vậy, cuộc sống chỉ dựa vào đồng lương và khoản phụ cấp ít ỏi. Với đồng lương như hiện nay rõ ràng là không đủ lo cho gia đình, con cái đi học, các chi phí sinh hoạt, ốm đau bệnh tật. Mặt khác, chế độ tăng lương chậm, khoản chênh lệch khi được nâng lương rất thấp.
Trong khi đó, yêu cầu xã hội đối với ngành Giáo dục rất cao. Toàn ngành đang thực hiện đổi mới, cần có sự thay đổi về phương pháp, nội dung. Điều này tạo nên nhiều áp lực đối với đội ngũ nhà giáo, làm sao phải dạy giỏi và cả làm hài lòng phụ huynh, học sinh.
Xã hội hiện cũng tạo ra một áp lực khác. Đó là tình trạng xúc phạm uy tín người thầy đã xảy ra ở nhiều địa phương làm cho vị thế của ngành Giáo dục bị sụt giảm. Ngoài ra, việc cạnh tranh giữa các ngành nghề rất lớn, nghề nhà giáo dường như yếu thế hơn so với ngành khác. Chính sách của Nhà nước chưa có sự khác biệt, thiếu sức hút để học sinh, sinh viên chọn vào trường sư phạm.
Hiện, ngành GD-ĐT tỉnh Long An triển khai các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên trường học như: Đào tạo, bồi dưỡng nâng trình độ chuẩn giáo viên; thực hiện nhiều đợt tuyển dụng mới giáo viên theo kế hoạch biên chế được duyệt. Điều chuyển, sắp xếp giáo viên dôi dư từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Năm 2021 và 2022 tỉnh đã đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116 là 447 giáo viên (mầm non 148, tiểu học 94, THCS và THPT 205). Chỉ tiêu năm 2023 là 1.994 giáo viên các cấp. Tỉnh cũng thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo theo Nghị định 71 của Chính phủ, đã cử đào tạo 376 giáo viên, kế hoạch năm 2023 đào tạo thêm 335 giáo viên; đào tạo giáo viên môn học mới cấp tiểu học, THCS là 1.046; đào tạo giáo viên bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật cho cấp tiểu học, THCS, THPT là 390 giáo viên.
Sở GD&ĐT cũng tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ giáo viên được tuyển dụng về công tác tại địa phương. Đồng thời, sớm ban hành Luật Nhà giáo để có hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng và khẳng định vị thế của người thầy trong xã hội hiện nay.
TS Nguyễn Hữu Long (Giảng viên ngành Tâm lý học, Trường ĐH Mở TPHCM): Giải quyết từ gốc
TS Nguyễn Hữu Long. |
Khi lựa chọn việc làm, mỗi chúng ta sẽ có động cơ khác nhau. Từ những động cơ này, mỗi người đặt ra mục tiêu để làm việc và lý do để gắn bó. Việc rời bỏ vị trí đang gắn bó cũng xuất phát từ nhiều lý do:
Lương thấp, môi trường làm việc không thuận lợi và không có cơ hội phát triển, giảm nhiệt huyết với nghề... Vì vậy, để giúp người lao động gắn bó với công việc đòi hỏi nhà quản trị phải thấu hiểu được lý do của từng cá nhân mới đưa ra biện pháp phù hợp.
Nghề giáo, một nghề “đặc biệt” nên việc rời bỏ nhiệm sở cũng có nhiều lý do khó giải thích hơn những ngành nghề khác. Tuy nhiên, một khi đã lựa chọn nghề giáo để gắn bó thì đa phần nhà giáo luôn chọn niềm vui, tình yêu thương học trò để làm động lực giúp mình sống còn với nghề đã chọn. Vì thế, việc nhà giáo rời bỏ nghề có thể xuất phát nhiều từ khía cạnh (áp lực thành tích, chuyên môn; áp lực từ công việc không tên hay đòi hỏi quá cao từ phía phụ huynh…).
Bên cạnh đó, Chương trình GDPT 2018 thể hiện rõ bước phát triển của giáo dục nhưng cách thức tổ chức thực hiện chưa ổn. Đơn cử, 1 giáo viên được đào tạo đơn môn nay phải dạy liên môn, rồi nhiều môn học mới nhưng lại thiếu đội ngũ nên giáo viên chia nhau gánh vác.
Chưa kể, nội dung trong sách giáo khoa của các môn mới cũng là những áp lực vô hình đè lên vai người thầy… Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển mạnh mẽ cũng thu hút một số lượng lớn giáo viên từ trường công sang trường tư ở tất cả bậc học...
Để giúp giáo viên gắn bó với nghề, chúng ta phải tìm được căn nguyên của vấn đề và phân cấp để giải quyết từng vấn đề một. Với nhà trường cần tạo môi trường thuận lợi tối đa để giáo viên phát huy năng lực nghề nghiệp, kiến tạo tinh thần tập thể - môi trường sư phạm lành mạnh, vui vẻ để làm phong phú đời sống tinh thần…
Ở cấp cao hơn thì nghiên cứu các giải pháp để ghi nhận, trả công xứng đáng qua chế độ lương, thưởng... Phải xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ giáo viên (tránh bị hành hung, mạt sát).
Mặt khác, nên xem lại chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm hay việc bồi dưỡng giáo viên dạy liên môn theo Chương trình GDPT 2018 cần bài bản, khoa học hơn. Việc biên soạn sách giáo khoa cần có sự tham gia nhiều hơn nữa đội ngũ trực tiếp đứng lớp chứ không chỉ là chuyên gia giáo dục.
Để ai đó gắn bó lâu dài với nghề nghiệp đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ từ nhiều cấp và phải tìm được căn nguyên của vấn đề chứ không phải cứ nhìn thấy lý do nào lập tức tìm cách tháo gỡ mà quên bất cập từ nội tại.
Cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ thực hiện đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương để có chính sách tuyển dụng ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp sư phạm được địa phương ký hợp đồng đào tạo. - Ông Nguyễn Quang Thái (Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Long An)