Những yêu cầu chung
Để chuẩn bị tốt cho kì thi THPT quốc gia năm 2017, cô Trần Thị Giang cho rằng, giáo viên cần lưu ý một số vấn đề sau:
Cần làm tốt công tác tư tưởng với học sinh về những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Thường xuyên cập nhật đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT và vận dụng đề thi thử theo cấu trúc đề thi mới.
Phân hóa đối tượng học sinh để có phương pháp ôn thi cho phù hợp. Cần chú ý đến hoạt động của học sinh (học sinh chủ động chuẩn bị nội dung, kiến thức của từng bài học cụ thể theo chuẩn kiến thức kĩ năng).
Tăng cường thời gian chấm chữa bài cụ thể cho học sinh, động viên, khuyến khích sự tiến bộ để các em có động cơ và hứng thú trong học tập môn Ngữ văn.
Ngoài các yêu cầu chung, theo cô Trần Thị Giang, muốn làm tốt bài Văn thi THPT quốc gia năm 2017, học sinh cần phải có phương pháp học tập và ôn luyện cụ thể cho từng phần như sau:
Nắm vững cấu trúc, yêu cầu của đề thi
Kỳ thi THPT quốc gia 2017, học sinh cần nắm vững cấu trúc và yêu cầu của đề thi.
Cụ thể, năm nay, thời gian làm bài thi giảm từ 180 phút còn 120 phút. Cấu trúc đề thi gồm 2 phần, cần chia thời gian cho từng phần hợp lí:
Phần Đọc hiểu (3 điểm), có thể dành 30 phút cho phần này; phần Làm văn (7 điểm) gồm Nghị luận xã hội (2 điểm) - có thể làm trong 30 phút; nghị luận văn học (5 điểm) - có thể làm trong phút.
Giáo viên, học sinh cũng cần nắm rõ yêu cầu của đề là đánh giá năng lực của học sinh và phân hóa đối tượng.
Kiến thức, phương pháp ôn tập phần Đọc hiểu
Với phần Đọc hiểu, cô Trần Thị Giang cho rằng, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản để hình thành phương pháp, phát triển năng lực, cụ thể:
Nhận biết 6 phong cách ngôn ngữ văn bản: Học sinh dựa ngay vào các xuất xứ ghi dưới phần trích của đề bài để chọn (Báo chí, nghệ thuật, khoa học, chính luận, hành chính, sinh hoạt).
Xác định 5 phương thức biểu đạt: Dựa vào các từ ngữ hay cách trình bày. Đoạn trích có sự việc diễn biến (Tự sự); nhiều từ biểu lộ cảm xúc (Biểu cảm); nhiều từ khen chê, bộc lộ thái độ (Nghị luận); nhiều từ thuyết trình, giới thiệu về đối tượng (Thuyết minh); nhiều từ láy, từ gợi tả sự việc, sự vật (Miêu tả).
Nhận biết các phép tu từ từ vựng: So sánh, ẩn dụ, hoán dụ, lặp từ, nói giảm…; tu từ cú pháp (lặp cấu trúc câu, câu hỏi tu từ, liệt kê…), Tác dụng là làm rõ đối tượng, gợi hình ảnh, âm thanh,…
Đặt nhan đề, nêu nội dung chính, xác định thể thơ, cảm xúc hay điều tâm đắc nhất trong đoạn trích (viết đoạn văn 5-7 dòng): Với nội dung này, học sinh lưu ý: Viết đoạn văn phải đúng và trúng yêu cầu của đề bài (tránh dài dòng, lan man). Làm trọn vẹn từng câu, không bỏ ý, cố gắng để giành chắc chắn từ 0,25 điểm.
Kiến thức, phương pháp ôn tập phần Nghị luận xã hội
Với phần nghị luận xã hội, cô Trần Thị Giang lưu ý, nội dung kiến thức phải căn cứ vào phần đọc hiểu để viết đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ.
Như vậy, so với trước, từ một bài văn thành một đoạn văn, nhưng vẫn phải đảm bảo cấu trúc 3 phần: câu mở đoạn - thân đoạn – câu kết đoạn; nêu ý kiến của cá nhân về một quan điểm/ý kiến/vấn đề được trích dẫn. Yêu cầu viết ngăn gọn, chắt lọc kiến thức, diến đạt logic, trong sáng...
Với số điểm giảm đi (từ 3 điểm xuống còn 2 điểm), dung lượng giảm nên cần chia thời gian cho hợp lí và lựa chọn dẫn chứng thật tiêu biểu, vận dụng linh hoạt thao tác lập luận...
Kiến thức, phương pháp ôn tập phần Nghị luận văn học
Với phần Nghị luận văn học, cô Trần Thị Giang lưu ý 2 nội dung, đó là kĩ năng đổi mới dạy và học môn Ngữ văn và kĩ năng đổi mới ôn tập, ôn thi môn Ngữ văn.
Kĩ năng đổi mới dạy và học môn Ngữ Văn: Giáo viên giáo nhiệm vụ cho học sinh thông qua phiếu học tập, yêu cầu cụ thể, ngắn ngọn theo nội dung bài học, những vẫn đề liên hệ thực tế hoặc nội dung tích hợp với các môn học khác.
Quá trình lên lớp nên tổ chức các hoạt động để học sinh chủ động tiếp thu nội dung bài học. Giáo viên định hướng, điều chỉnh những vấn đề chưa đúng về kiến thức hoặc kĩ năng.
Sau khi kết thúc hoạt động học tập trên lớp, cần giao bài tập cụ thể. Có ít nhất ba dạng đề cho các đối tượng học sinh khác nhau: Yếu, trung bình, khá- giỏi đề học sinh cảm thấy vừa sức, có hứng thú trong quá trình vận dụng bài học.
Kĩ năng đổi mới ôn tập, ôn thi môn Ngữ Văn: Yêu cầu học sinh nắm chắc kiến thức, kĩ năng cơ bản. Trong từng bài, giáo viên nên chốt những kiến thức cơ bản để học sinh nắm vững nội dung bài học; có thể củng cố kiến thức cơ bản bằng các sơ đồ tư duy.
Giao các đề cụ thể của từng dạng bài, yêu cầu học sinh lập dàn ý chi tiết theo kĩ năng của từng kiểu bài.
Linh hoạt trong kiểm tra kiến thức, kĩ năng của học sinh; gom các nội dung vào thành các chuyên đề để các em có hiểu biết tổng hợp, có thể vận dụng, so sánh khi làm bài.
Khi luyện đề cần bám sát cấu trúc của đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm của Bộ GD&ĐT năm 2017.
Giáo viên hướng dẫn học sinh kĩ năng và kinh nghiệm làm bài thi môn Ngữ văn để đạt điểm cao và tránh điểm liệt trong quá trình ôn thi THPT quốc gia năm 2017" - cô Trần Thị Giang.