Cho thuê mặt nước không đúng thẩm quyền
Lý giải về tình trạng đang có hàng trăm ha mặt nước đang bị chiếm dụng trái phép để nuôi hàu (Báo GD&TĐ số 59, phát hành ngày 10/03) đã đăng tải, ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Quảng Yên cho biết, khu vực sông Rút và sông Bạch Đằng không nằm trong vùng quy hoạch nuôi hàu.
“Hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 60 hộ nuôi hàu với diện tích khoảng 600 ha tại Hoàng Tân và Liên Hòa. Ở Quảng Yên nuôi giống hàu cửa sông, nó đòi hỏi độ mặn ở mức độ giới hạn.
Hiện nay khu vực nuôi hàu chính của thị xã là ở Hoàng Tân. Vùng nuôi là khu vực ngoài biển, khi mà có nước mặn người ta sẽ kéo vào khu vực các sông để giảm độ mặn, nếu không hàu sẽ chết. Vì vậy chúng tôi tạo điều kiện cho bà con kéo vào”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, gần chục năm nay, năm nào các chủ nuôi hàu cũng kéo bè từ Hoàng Tân vào khu vực sông Rút để tránh nước mặn. Từ cuối năm kéo vào và cho đến đầu tháng 4 năm sau lại kéo đi. Đặc thù hàu Quảng Yên không giống như giống hàu sữa ở Vân Đồn là hàu nuôi cố định trên biển.
Tại khu vực sông Rút, ông Thắng cho rằng không có tàu thuyền qua lại, chủ yếu là phục vụ địa phương. Ông Thắng cũng cho rằng các bè hàu không làm ảnh hưởng đến nuôi trồng của bà con ở khu đầm nhà Mạc.
“Một số bè đỗ ngay cửa cống của các đầm và nó chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại. Nội dung này cũng đã chỉ đạo đến các xã, phường và các anh ấy cũng xử lý rồi”, ông Thắng nói.
Đại diện thị xã Quảng Yên cho biết, khu vực sông Bạch Đằng là luồng hàng hải, nếu bè hàu của các hộ ra quá ngoài sẽ ảnh hưởng đến giao thông. Trong chỉ đạo của thị xã đối với địa phương là phải kiểm soát nội dung đấy.
Theo ông Thắng, việc lãnh đạo phường Yên Hải trả lời không biết bè của ai là không đúng. Kể cả nhiều bè không có người nhưng vẫn có chỗ để người ta trông coi, quan sát.
Liên quan việc một số phường, xã tự ý cho thuê mặt nước để nuôi hàu trái phép. Ông Thắng thừa nhận “việc này là có”.
“Thật ra trước đây mình cũng ở địa phương, cũng biết các xã, phường có cho thầu mặt nước hàng năm để thu ngân sách. Việc các địa phương cho thầu mặt nước hàng năm là không có thẩm quyền.
Nhưng bắt đầu từ năm nay, liên quan đến thẩm quyền, UBND thị xã đã yêu cầu dừng toàn bộ để chờ quy hoạch tỉnh để sắp xếp lại việc giao mặt nước và cấp phép. Nếu sau này mà thu, thẩm quyền sẽ là thị xã chứ không phải các phường, xã”, ông Thắng giải thích.
Trái với lý giải của đại diện thị xã Quảng Yên. Trước đó, Báo Giáo dục và Thời đại đã có bài viết phản ánh tình trạng trên. Theo đó hơn 10 chủ đầm ở phường Yên Hải phản ánh, khu vực đầm nhà Mạc rộng hàng nghìn ha được bao quanh bởi sông Rút và sông Bạch Đằng, chính vì vậy việc nuôi thủy sản ở đây thường xuyên lấy nước ra vào.
Việc xuất hiện những bè nuôi hàu này gây ô nhiễm nguồn nước, gây dịch bệnh cho con giống. Hiện nay đang vào mùa thả tôm giống, nhưng nhiều chủ đầm chưa thể xuống giống vì lo ngại tôm sẽ chết hàng loạt. Bên cạnh đó còn gây mất an toàn giao thông đường thủy và hàng hải.
Theo ghi nhận của phóng viên, việc nuôi hàu trái phép trên sông Rút và sông Bạch Đằng không chỉ xuất hiện tại địa phận phường Yên Hải mà nó kéo dài từ xã Liên Vị đến các phường Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải và Nam Hòa.
Khu vực sông Rút là đường thủy nội địa, tuy nhiên các bè nuôi hàu này được đặt kín hai bên sông, nhiều vị trí kín ra giữa lòng sông, chỉ đủ một lối nhỏ cho tàu thuyền qua lại.
Các bè hàu nuôi trái phép ở dọc hai bên sông Rút. Ảnh: Minh Cương |
Lập lại trật tự, không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm
Trước đó, ngày 6/3, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh họp giao ban tuần để nghe và cho ý kiến về tình hình thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển.
Theo báo cáo tại cuộc họp, hiện trên địa bàn Quảng Ninh có hơn 60.000 ha mặt nước có tiềm năng phát triển, nuôi trồng thủy sản. Trong đó có hơn 5.000 ha diện tích mặt nước biển đang được sử dụng để nuôi trồng thủy sản.
Qua rà soát, cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương còn chưa quyết liệt; tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép vẫn còn; mô hình quản lý của cơ quan chuyên ngành chưa hợp lý, dẫn đến công tác quản lý, thống kê chưa kịp thời…
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu cơ quan hữu trách tỉnh này kiên quyết chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và thống nhất trong toàn tỉnh lập lại trật tự, kỷ cương đối với nghề nuôi biển; không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm, kể cả cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu chậm nhất đến ngày 31/3, tất cả các địa phương có biển phải hoàn thành đánh giá hiện trạng, làm rõ diện tích, vị trí, tọa độ những trường hợp nuôi trồng thủy sản trên biển mới phát sinh, nuôi biển sau ngày có Chỉ thị 13-CT/TU. Để từ đó, xác định rõ trách nhiệm và nguyên nhân, kiến nghị biện pháp xử lý. Trong quá trình triển khai, cần xác định rõ tiến độ thực hiện.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu siết chặt kỷ luật kỷ cương, ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cấp xã, cấp huyện, người đứng đầu ngành NN&PTNT từ tỉnh xuống cơ sở trong việc tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện. Trong đó, cần phát hiện, xử lý nghiêm minh mọi trường hợp vi phạm, sai phạm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tỉnh ủy Quảng Ninh giao UBND tỉnh chỉ đạo lập đoàn kiểm tra liên ngành do công an tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan quản lý Nhà nước khác, tiến hành kiểm tra toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, tổng hợp báo cáo về tỉnh chậm nhất trước ngày 30/4. Trong quá trình kiểm tra, cần tiến hành ngay các biện pháp xử lý theo quy định.