Hàng trăm ha mặt nước bị chiếm dụng trái phép tại Quảng Ninh

GD&TĐ - Hàng trăm ha mặt nước hai bên sông Rút và sông Bạch Đằng (kéo dài hơn 10km ở TX Quảng Yên, Quảng Ninh) bị chiếm dụng thành nơi nuôi hàu trái phép.

Khu vực sông Rút dày đặc các bè nuôi hàu trái phép. Ảnh: Minh Cương
Khu vực sông Rút dày đặc các bè nuôi hàu trái phép. Ảnh: Minh Cương

Tình trạng này làm ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông đường thủy và hàng hải.

Các chủ đầm nuôi thủy sản ở đầm nhà Mạc kêu cứu

Khu đầm nhà Mạc, TX Quảng Yên là nơi nuôi trồng thủy sản tập trung gồm tôm, cua. Ngoài những đầm tư nhân đóng thuế hàng trăm triệu đồng mỗi năm còn có đầm của HTX Hải Yến, phường Yên Hải cho các cá nhân đấu thầu để nuôi thủy sản. Hàng năm HTX thu về khoảng 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những ngày qua, hơn 10 chủ đầm ở phường Yên Hải phản ánh về việc từ cuối năm 2022 xuất hiện hàng nghìn chiếc bè nuôi hàu được làm bằng tre và phao xốp kéo từ nơi khác về đặt dọc hai bên sông Rút và sông Bạch Đằng. Sau khi được kéo về đây, những chiếc bè này được ghép vào nhau thành những bè lớn.

Khu vực đầm nhà Mạc rộng hàng nghìn ha được bao quanh bởi sông Rút và sông Bạch Đằng, chính vì vậy việc nuôi thủy sản ở đây thường xuyên lấy nước ra vào.

Việc xuất hiện những bè nuôi hàu này gây ô nhiễm nguồn nước, gây dịch bệnh cho con giống. Hiện nay đang vào mùa thả tôm giống, nhưng nhiều chủ đầm chưa thể xuống giống vì lo ngại tôm sẽ chết hàng loạt. Bên cạnh đó còn gây mất an toàn giao thông đường thủy và hàng hải.

Anh Nguyễn Văn Côn, chủ đầm nuôi tôm ở phường Yên Hải cho biết, các đầm ở đây thường xuyên lấy nước ra vào, trong khi các bè nuôi hàu đặt ngay khu vực gần cửa cống.

“Con hàu sẽ ăn hết kiềm và ma giê có trong nước. Đây là những khoáng chất có lợi cho nuôi tôm, cua. Kèm theo việc con hàu đang được nuôi cố định ở nơi khác và lúc kéo về đây sẽ xảy ra bị chết. Nước của con hàu chết gây ô nhiễm và chảy vào đầm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôm, cua”, anh Côn nói.

Các chủ đầm ở đây đã nhiều lần kiến nghị lên lãnh đạo phường Yên Hải, nhưng chỉ nhận được giải thích chung chung rằng không gặp được chủ bè và hứa sẽ giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

“Gia đình tôi đấu thầu một đầm của HTX Hải Yến có diện tích 65 ha với giá 950 triệu đồng/năm. Nếu tình trạng này không được giải quyết, việc nuôi thủy sản của gia đình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ vỡ nợ”, chủ đầm Bùi Huy Ngọc phản ánh.

Anh Vũ Văn Phước, một chủ đầm cạnh sông Bạch Đằng cho biết, các bè nuôi hàu này đặt ngay trước cửa cống lấy nước ra vào. Đến nay gia đình chưa dám thả tôm giống vì lo ngại tôm sẽ sẽ chết, nhưng nếu xuống giống muộn sẽ nhỡ vụ.

“Khu vực này còn là luồng hàng hải nên thường xuyên có tàu thuyền qua lại. Nhiều bè còn nằm sát phao báo hiệu luồng. Nhiều đêm hai vợ chồng chở hàng sang Thủy Nguyên, Hải Phòng để giao cho khách suýt bị lật tàu vì chạm vào dây chằng của bè nuôi hàu”, anh Phước nói.

Có dấu hiệu buông lỏng quản lý

Nhiều bè hàu nằm cạnh các phao báo hiệu luồng hàng hải tại sông Bạch Đằng, đoạn địa phận phường Yên Hải. Ảnh: Minh Cương

Nhiều bè hàu nằm cạnh các phao báo hiệu luồng hàng hải tại sông Bạch Đằng, đoạn địa phận phường Yên Hải. Ảnh: Minh Cương

Theo ghi nhận của phóng viên, việc nuôi hàu trái phép trên sông Rút và sông Bạch Đằng không chỉ xuất hiện tại địa phận phường Yên Hải mà nó kéo dài từ xã Liên Vị đến các phường Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải và Nam Hòa.

Khu vực sông Rút là đường thủy nội địa, tuy nhiên các bè nuôi hàu này được đặt kín hai bên sông, nhiều vị trí kín ra giữa lòng sông, chỉ đủ một lối nhỏ cho tàu thuyền qua lại.

Tại khu vực sông Bạch Đằng giáp ranh giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Tại phía Hải Phòng không xuất hiện một chiếc bè nuôi hàu nào.

Mặc cho đây là luồng hàng hải, nơi mật độ tàu lớn qua lại rất nhiều nhưng phía địa phận thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) chi chít những chiếc bè nuôi hàu chạy dài nhiều cây số.

Nhiều vị trí, các bè hàu này còn nằm cạnh các phao báo hiệu luồng hàng hải. Các dây chằng của các bè chằng chịt bên dưới ra giữa lòng sông, gây mất an toàn giao cho các tàu, thuyền qua lại.

Để xảy ra tình trạng trên, nhiều người dân cho rằng chủ của những bè hàu này đều là những người có “máu mặt”. Người dân cũng đặt nghi vấn, liệu có sự “làm luật” giữa những người nuôi hàu với chính quyền địa phương hay không?

Ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Yên Hải thừa nhận khu vực nuôi hàu này là trái phép, nhưng thực trạng này đã có từ nhiều năm nay.

“Các hộ nuôi trồng thủy sản ở đầm nhà Mạc cũng có ý kiến, và anh em cũng có ra kiểm tra. Khi ra kiểm tra thì không gặp được chủ bè nuôi hàu. Người ta cứ để chó trên bè nên không thể vào tiếp cận được. Khi ra kiểm tra, có cầm theo cả thông báo yêu cầu di dời, nhưng khi ra lại không gặp ai, lại cầm thông báo về. Chúng tôi chỉ biết có một trường hợp và trao đổi qua điện thoại, còn những trường hợp khác không gặp được”, ông Trung nói.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Yên Hải cho biết các bè này nối liền với nhau, số lượng quá nhiều nên không thể kiểm đếm được hết. Những bè này được kéo ở khu nuôi trồng Hoàng Tân về đây và người kéo về ban đêm.

“Trong các cuộc họp, tôi cũng đã báo cáo thực trạng này lên thị xã và thị xã cũng giao cho địa phương làm sao đảm bảo công tác an ninh trật tự, đảm bảo đời sống dân sinh. Nếu làm ngay từ khi họ kéo vào là mình phải ngăn chặn ngay. Mà cái này chỉ có công an giao thông mới làm được, chứ phường sao làm được”, ông Trung nói.

Tương tự, ông Lê Văn Hướng, Bí thư, Chủ tịch UBND phường Nam Hòa cho biết, năm nay thực hiện chỉ đạo của thị xã, phường cũng đã ra quân ngăn chặn ngay từ đầu, nhưng lực lượng cán bộ của phường mỏng lại đang tập trung công tác giải phóng mặt bằng, vì vậy không thường xuyên ra ngoài biển kiểm tra được.

“Chúng tôi cũng đã lập biên bản một số trường hợp và yêu cầu di dời, nhưng họ vẫn chưa di dời theo yêu cầu của chính quyền”, ông Hướng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ