Phát biểu tại buổi họp báo về công tác tư pháp Quý III năm 2016 diễn ra sáng 17/10, ông Đỗ Đức Hiển, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp, cho biết Bộ đang xin ý kiến về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi).
Trong Quý III năm 2016, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường Nhà nước đã ban hành quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực hơn 40 trường hợp. Còn hơn 60 vụ việc đang được xem xét.
“Số tiền Nhà nước phải chi trả bồi thường trong các quyết định có hiệu lực pháp luật (tính từ tháng 10/2015 đến tháng 9/2016) là hơn 26 tỷ đồng”, người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết.
Ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp. Ảnh: Hoàng Lam.
Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi) gồm nhiều quy định được đề nghị thay đổi theo hướng có lợi cho người được bồi thường.
Vị Chánh văn phòng cho hay Luật sửa đổi quy định rõ hơn cơ quan nào sẽ giải quyết bồi thường trong các vụ án, gồm đơn vị quản lý hành chính, tố tụng hay thi hành án.
Đặc biệt, nếu người oan sai có yêu cầu xin được tạm ứng trước tiền bồi thường, cơ quan giải quyết có trách nhiệm tạm ứng kinh phí để chi trả một phần (nếu tính ngay được thiệt hại).
Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, việc ứng trước tiền bồi thường là một điểm mới trong dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi).
Cũng theo dự thảo Luật này, việc phục hồi danh dự cho người bị oan sai phải tổ chức trực tiếp, công khai và đăng báo xin lỗi một cách chi tiết. Điều này nhằm khắc phục tình trạng tổ chức xin lỗi, cải chính công khai qua loa, chiếu lệ.
“Trong mọi trường hợp, người thi hành công vụ gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường. Đồng thời, dự thảo đã quy định tăng mức hoàn trả của người gây thiệt hại”, ông Hiển thông tin.
Viện dẫn trường hợp “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén từng mang 2 án oan Giết người ở Bình Thuận. Sau khi được minh oan vào cuối năm 2015, ông cùng gia đình đã xin tạm ứng trước 1 tỷ đồng tiền bồi thường do hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Thuận từ chối việc tạm ứng do luật quy định chưa có tiền lệ.