Đêm nhạc “Hiện đại và cổ điển” sẽ diễn ra tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào ngày 12/11 tới đây. Bản “Vũ điệu chèo và lên đồng” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc diễn ra dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Ba Lan - Maestro Wojciech Czepie.
Phối kết lạ lùng
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. |
Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 13 vào năm 2001, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc giành cả hai giải Âm nhạc xuất sắc nhất cho phim nhựa “Mùa ổi” và “Nắng chiều”. Ông còn giành giải “Kim Tước” cho nhạc phim xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 8 (tháng 6/2005) cùng một số giải thưởng khác ở trong nước. Đặng Hữu Phúc vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2012.
Đêm nhạc “Hiện đại và cổ điển” được xem là một sự kiện đặc biệt chưa từng có. Đặc biệt ở chỗ, sau khi nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc ra mắt tác phẩm cho “Hợp xướng Acappella Thính phòng và Giao hưởng”, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội sẽ chơi các tác phẩm trong cuốn sách này.
Tất cả các tác phẩm in trong sách cuốn sách mới xuất bản đã được biểu diễn ở trong và ngoài nước nhiều lần (trừ tác phẩm “Vũ điệu chèo và lên đồng” - tác giả viết xong thì xảy ra đại dịch Covid-19 nên chưa có điều kiện ra mắt công chúng).
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho biết, tại đêm nhạc này, lần đầu tiên trống đế của nghệ thuật chèo được chơi như 1 soloist trong dàn nhạc giao hưởng gồm 80 người với chỉ huy là nhạc trưởng Maestro Wojciech Czepiel đến từ Ba Lan, đây thực sự là niềm tự hào.
Với bản “Vũ điệu chèo và lên đồng”, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sử dụng các làn điệu chèo: Con gà rừng, Xẩm xoan, Cách cú, Hề mồi, Bình thảo, Lưu không - với chầu văn là Dọc Cờn Xá.
Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam. Chèo phát triển mạnh miền Bắc với trọng tâm là vùng Đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc.
Chèo mang tính quần chúng và được coi là loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh thì đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là chèo.
Còn lên đồng là nghi thức không thể thiếu trong tín ngưỡng Mẫu ở Việt Nam. Âm nhạc trong lên đồng gọi là chầu văn có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của thần thánh và vẻ đẹp tiên giới.
“Việc đưa hai loại hình nghệ thuật chèo và chầu văn vào dàn nhạc giao hưởng là sự nỗ lực rất lớn của những người làm nghệ thuật trong việc bảo tồn, phát huy và quảng bá nghệ thuật truyền thống tới giới trẻ cũng như bạn bè thế giới. Tác phẩm này tôi đã hoàn thành trong thời gian đại dịch và đến nay mới có dịp biểu diễn trước công chúng”, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chia sẻ.
Bên cạnh tác phẩm “Vũ điệu chèo và lên đồng”, đêm nhạc còn có phần biểu diễn độc tấu của tài năng Nguyễn Việt Trung với bản piano concerto số 23, các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội biểu diễn bản giao hưởng số 7 của Beethoven, bản “Restored torch”.
Cốt lõi là tinh thần dân tộc
Tác phẩm cho 'Hợp xướng Acappella Thính phòng và Giao hưởng' sẽ được ra mắt trong đêm nhạc sắp tới. |
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sinh năm 1953 tại Phú Thọ. Năm 10 tuổi đã được tiếp cận âm nhạc và dần trở thành nhạc sĩ được đào tạo chính quy cả hai chuyên ngành Sáng tác và Biểu diễn piano tại Nhạc viện Hà Nội, đã từng đi tu nghiệp ở Nhạc viện Quốc gia Paris (Pháp).
Trong thời gian là sinh viên piano, ông học với Tào Hữu Huệ (Trung Quốc), Issac Katz và Ghenxler (chuyên gia Liên Xô). Ông đã chơi nhiều tác phẩm lớn viết cho piano như: Concerto No.1 của P.Tchaikovsky, Concerto No.2 của S.Rachmaninoff.
Một số tác phẩm viết cho piano của ông (như Suite và Sonate polyphonique) đã được Đặng Thái Sơn biểu diễn ở trong và ngoài nước. Ông đã thể hiện nhiều phong cách khác nhau trong sáng tác, từ cổ điển tới nhạc tiền phong (Avant-Garde).
Ngoài mảng viết cho nhạc giao hưởng - thính phòng, ông còn viết hàng trăm ca khúc và romances, đặc biệt là tập “Tuyển chọn 60 romances và ca khúc cho giọng hát và piano” - một tuyển tập viết cho thanh nhạc có đầy đủ cả phần piano (trong đó có những bài đã được phổ biến rộng rãi trong công chúng như “Trăng chiều”, “Ru con mùa đông”, “Tôi vẫn hát”).
Ông cũng đã viết nhạc cho nhiều phim truyện và nhiều vở diễn sân khấu như các phim nhựa: Ngõ hẹp, Người đàn bà nghịch cát, Tướng về hưu, Người đàn bà bị săn đuổi, Dòng sông hoa trắng, Đêm Bến Tre.
Sáng tác những tác phẩm đỉnh cao khi còn trẻ tuổi, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc thừa nhận một phần do năng khiếu trời cho – còn lại là sự cố gắng. “Suốt 4 năm đi sơ tán, tôi sống với piano, thuộc làu làu những tác phẩm kinh điển viết cho piano từ thời đấy. Âm nhạc cứ thế ngấm vào mình”, nhạc sĩ chia sẻ.
Trong âm nhạc của Đặng Hữu Phúc luôn mang điểm nhấn của nghệ thuật truyền thống. Ông cho rằng, là người Việt Nam thì sáng tác phải bám lấy hồn của người Việt mới tồn tại được. Trên thế giới, nhiều nhạc sĩ trẻ đi học về âm nhạc tiền phong, nhưng cần nhận ra cái gì đó riêng không trộn lẫn.
Nói là vậy, nhưng để thực hành nghệ thuật theo phong cách riêng lại không hề dễ. Bám vào dân ca nhưng khai thác, sáng tạo thế nào mới là khó. Tất cả những cái khó ấy, đã và đang được nhạc sĩ chuyển tải trong sự phối kết của chèo và chầu văn.
Giao hưởng sẽ thế nào - khi âm nhạc của nghệ thuật truyền thống vang lên? Hiện đại của thế giới sẽ ra sao khi kết hợp với âm nhạc dân tộc? Tất cả sẽ được giải mã trong đêm nhạc “Hiện đại và cổ điển” sắp tới.