Hơi thở thời đại của chuyện tình vượt lễ giáo trong chèo Thiên duyên huyền tích

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vở chèo 'Thiên duyên huyền tích' được dàn dựng từ kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện viết cách đây nhiều năm nhưng vẫn mang hơi thở của hôm nay.

Vở chèo 'Thiên duyên huyền tích' vừa được Đoàn Nghệ thuật I, Nhà hát Chèo Thái Bình công diễn. Ảnh: Bình Thanh.
Vở chèo 'Thiên duyên huyền tích' vừa được Đoàn Nghệ thuật I, Nhà hát Chèo Thái Bình công diễn. Ảnh: Bình Thanh.

Mối duyên kỳ ngộ giữa chàng Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung vừa được tái hiện đầy xúc động trên sân khấu chèo qua vở diễn “Thiên duyên huyền tích” với sự trình diễn của các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật I, Nhà hát Chèo Thái Bình.

Vượt qua lễ giáo

Huyền tích về mối tình của Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung vốn rất quen thuộc từ xưa đến nay với mỗi người dân đất Việt. Đó là cuộc gặp gỡ như duyên trời định giữa chàng trai nghèo không có manh khố che thân Chử Đồng Tử với người con gái được vua Hùng rất mực yêu thương – công chúa Tiên Dung.

Và, khi được kể bằng ngôn ngữ của nghệ thuật chèo trong vở chèo “Thiên duyên huyền tích” thì huyền tích ấy thật xúc động cùng không ít điều tươi mới. Đó là cuộc gặp gỡ nơi bến sông làng Chử Xá được tái hiện, từ đó làm nổi bật hình tượng nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp, dịu hiền nhưng rất mạnh mẽ, không phân biệt sang hèn, dám vượt qua lễ giáo xưa để chủ động đón nhận duyên trời định của mình.

Thậm chí, công chúa Tiên Dung còn cả gan không làm theo ý vua cha trở về chốn lầu son gác tía mà nàng chấp nhận trở thành một thường dân để mãi mãi được sánh đôi cùng Chử Đồng Tử, sớm hôm cùng chồng sum vầy, vui cùng niềm vui, buồn cùng nỗi buồn của dân làng.

Từ đó, nàng chăm chỉ dạy bà con trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, vun vén cuộc sống lúc gian khó; dạy dân làng hát những câu dân ca ngợi ca giang sơn, gấm vóc, ngợi ca tình nghĩa thủy chung.

Từ việc khắc họa sâu đậm tâm hồn, tính cách ấy của công chúa Tiên Dung, thêm một lần vở chèo “Thiên duyên huyền tích” góp phần ngợi ca, tôn vinh vẻ đẹp công - dung - ngôn - hạnh mà cũng rất dũng cảm dám đấu tranh cho tình yêu, cho ước mơ của phụ nữ Việt Nam.

Mối duyên kỳ ngộ của chàng Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung được tái hiện xúc động. Ảnh: Bình Thanh.

Mối duyên kỳ ngộ của chàng Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung được tái hiện xúc động. Ảnh: Bình Thanh.

Cùng với công chúa Tiên Dung, nhân vật Chử Đồng Tử cũng đem đến cho khán giả hôm nay nhiều điều thú vị qua những tình tiết được vở diễn khai thác khá kỹ như: Chử Đồng Tử sử dụng cây gậy thần như thế nào để chữa bệnh cho dân lành; chàng đã dạy dân cách làm ăn, buôn bán ra sao để giúp cho đời sống nhân dân được ấm no; ý chí của chàng vững vàng như thế nào trước sự áp bức của cường quyền…

Bên cạnh đó còn là hình ảnh một Chử Đồng Tử cũng rất dũng cảm khi dám vượt qua mặc cảm gia cảnh nghèo khó để kết duyên và trở thành đức lang quân xứng đáng với niềm mong đợi cùng tình yêu son sắt của công chúa Tiên Dung.

Từ tình yêu cao đẹp ấy và bằng tấm lòng nhân hậu, sống chan hòa yêu thương, chàng Chử Đồng Tử cùng nàng công chúa Tiên Dung đã trở thành sợi dây kết nối tình đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi giữa mọi người để cùng nhau vượt qua mọi tai ương, dịch bệnh, dựng xây kinh tế bang giao.

Bởi vậy, họ đã trở thành biểu tượng của một tình yêu hạnh phúc, vĩnh hằng khi dám đấu tranh và vượt qua lễ giáo hà khắc thời Hùng Vương cách đây hàng ngàn năm trước.

Mang hơi thở hôm nay

“Câu chuyện được các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Thái Bình kể bằng những làn điệu chèo truyền thống, trong đó có cả làn điệu chèo làng Khuốc nên rất lãng mạn và ngọt ngào. Tuy nhiên, nếu như tên của vở diễn vẫn được giữ nguyên theo kịch bản gốc thì trọn vẹn hơn vì không phải ngẫu nhiên mà cha tôi lại đặt tên cho vở diễn là “Cây gậy thần”. Theo như tôi được biết, ông đặt tên “Cây gậy thần” để gửi gắm thông điệp: Vật quý phải được “chọn mặt gửi vàng” thì mới mang lại những điều tốt đẹp cho con người, cho cuộc sống”, thạc sĩ Xuân Hồng.

Có thể thấy, mối tình Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung được tái hiện rõ nét trong vở chèo “Thiên duyên huyền tích” không chỉ dừng lại ở một thiên diễm tình lãng mạn, mà qua đó còn gửi gắm những thông điệp chưa bao giờ cũ.

Đó là lời phê phán hủ tục môn đăng hộ đối, mẹ cha ép gả duyên con; phê phán những kẻ tham vọng cường quyền sống mưu mô, thủ ác sẽ bị trừng trị thích đáng.

Đó còn là lời cảnh tỉnh với những người cầm quyền, đứng đầu đất nước nếu cứ bảo thủ và thích nghe vào lời xu nịnh, bỏ ngoài tai những lời can gián chân thực thì sẽ có ngày phải trả giá đắt.

Và đó còn là những minh chứng sâu sắc về sức mạnh của tình đoàn kết trong cộng đồng, xã hội sẽ luôn chiến thắng mọi tai ương, dịch bệnh, cường quyền, ác bá. Hay lời ngợi ca những con người sống biết hy sinh và dấn thân vì cộng đồng; ngợi ca tình làng nghĩa xóm, luôn đùm bọc, chia sẻ ngọt bùi, giúp đỡ nhau khi gặp gian khó, nguy nan…

Bên cạnh đó, trong vở diễn có nhiều câu hát, lời thoại đáng để người đời nay cùng suy ngẫm. Ví như khi gặp cảnh dân chúng đói khổ, nàng Tiên Dung đã tự trách mình và trách cha mình: “Người có tội là ta, à cha ta mới phải”; và nàng bày tỏ nỗi lòng mình với Chử Đồng Tử: “Gác tía lầu vàng quyền cao muôn trượng/ Cũng không sánh được với chữ hiếu, chữ tình…”.

Hay như, câu thành ngữ “chọn mặt gửi vàng” quen thuộc cũng được nhắc đến trong lời thoại khi Chử Đồng Tử quyết định sử dụng cây gậy thần để cứu giúp dân lành. Và lời chàng dám can gián với Lạc vương: “Dân ấm dân no vương quốc mới thịnh hưng/ Dân đói khổ bần hàn là vận nước sẽ suy vi đó ạ”.

Hoặc nỗi xót xa khi Lạc vương nhận ra cái sai của mình: “Tiên Dung ơi, ta đã sai rồi/ Chử Đồng Tử ơi, hãy tha lỗi cho ta/ Hỡi lạc dân, hãy thứ tha cho những lỗi lầm sai trái. Ta phải trả giá cho những điều mình làm…”.

Vì thế, vở chèo “Thiên duyên huyền tích” dù được dàn dựng từ kịch bản văn học mà cố tác giả Hoàng Luyện viết cách đây mấy mươi năm nhưng vẫn mang hơi thở của hôm nay.

Theo thạc sĩ Xuân Hồng, con gái cố tác giả Hoàng Luyện (Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật), sau bản dựng cho sân khấu cải lương từ những năm sau giải phóng (1975) và bản dựng mấy năm trước có sự kết hợp khá thú vị giữa hai loại hình nghệ thuật cải lương và xiếc, chị cảm thấy rất hạnh phúc khi kịch bản văn học “Cây gậy thần” của cha mình tiếp tục có đời sống mới trên sân khấu chèo qua vở diễn “Thiên duyên huyền tích” (chuyển thể chèo: Thạc sĩ, tác giả Lê Thế Song, đạo diễn: NSƯT Lê Thanh Tùng).

Còn tác giả Lê Thế Song thì cho biết, việc chuyển thể từ kịch bản văn học vở “Cây gậy thần” sang kịch bản chèo vở diễn “Thiên duyên huyền tích” khá thuận lợi. Cũng vì cố tác giả Hoàng Luyện luôn trau chuốt, cẩn thận về câu chữ và văn ông viết giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, phù hợp với lối văn vần, hát thơ của chèo.

“Cùng với những giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật cần đạt được, vở chèo “Thiên duyên huyền tích” còn được ban lãnh đạo Nhà hát Chèo Thái Bình giao “nhiệm vụ” cho ê-kíp sáng tạo là phải có cả yếu tố giải trí và thực sự hấp dẫn để tới đây có thể biểu diễn phục vụ khán giả yêu mến nghệ thuật chèo. Thực hiện nhiệm vụ này không dễ nhưng chúng tôi cũng luôn nỗ lực sáng tạo hướng đến khán giả”, tác giả Lê Thế Song nói.

Vở chèo “Thiên duyên huyền tích” sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2022. Ảnh: Bình Thanh.

Vở chèo “Thiên duyên huyền tích” sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2022. Ảnh: Bình Thanh.

Được biết, vở chèo “Thiên duyên huyền tích” là tác phẩm tham dự Liên hoan Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022 sẽ diễn ra khoảng giữa tháng 10/2022, tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Mong rằng, trong ngày hội nghề nghiệp này, vở diễn sẽ được ê-kíp sáng tạo và các nghệ sĩ chỉnh sửa, hoàn thiện.

Có thể thấy, vở diễn rất cần sự đầu tư hơn nữa của nghệ sĩ về vai diễn, không chỉ hát ngọt, mà còn phải diễn giỏi, biểu đạt cảm xúc, tâm trạng của nhân vật một cách chân thực, tránh sự khiên cưỡng.

Rất cần sự biên tập gọn ghẽ những bối cảnh, những tình tiết dư thừa và việc khai thác yếu tố hài trong chèo sao cho khéo, cho ý nhị chứ không nên là cách nói tầm phào, dung tục. Rất cần những mảng miếng dàn dựng mới lạ, bất ngờ và cuốn hút hơn.

Rất cần bổ sung những màn hát nói đủ sức chuyển tải tình huống kịch để tránh sa đôi chỗ của vở diễn bị thoại còn nhiều, giảm sự thú vị của loại hình sân khấu kịch hát dân tộc đặc sắc như chèo.

Nhất là, rất cần một không gian sân khấu thực sự lãng mạn và đậm dấu ấn thần thoại, huyền tích qua việc khéo léo sắp đặt về cảnh trí cũng như sử dụng hiệu quả âm thanh, ánh sáng để không gian vở diễn thực sự bay bổng, lãng mạn cùng mối tình tuyệt đẹp của chàng Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.