Chế phẩm thảo dược bổ sung vào thức ăn chăn nuôi thay thế hoàn toàn kháng sinh, giúp đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học là sản phẩm của các nhà khoa học Trường Đại học Hùng Vương.
Khắc phục tình trạng tồn dư kháng sinh
Dự án “Sản xuất thử nghiệm chế phẩm thảo dược có hoạt tính kháng khuẩn sử dụng trong thức ăn chăn nuôi” vừa được các nhà khoa học hoàn thiện sau hơn 3 năm triển khai. Nhóm đã sản xuất thành công hai chế phẩm thảo dược cho gia cầm và gia súc, giúp chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng không sử dụng kháng sinh tổng hợp.
Thực trạng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi đang là một vấn đề “nóng”, được dư luận quan tâm. Việc cấm sử dụng kháng sinh bổ sung vào thức ăn chăn nuôi nhằm kích thích tăng trọng là một yêu cầu cấp thiết.
Để có thể ngừng sử dụng hoàn toàn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi ở nước ta kết hợp thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, nhiều giải pháp đã được đặt ra. Một trong những giải pháp được quan tâm cao là sử dụng các loại thảo dược có tính kháng khuẩn để tận dụng và phát huy nguồn tài nguyên cây thuốc rất phong phú tại Việt Nam.
Theo Danh mục cây thuốc Việt Nam của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), hiện nay cả nước có 5.117 loài và dưới loài, thuộc 1.823 chi, 360 họ của 8 ngành thực vật bậc cao có mạch, cùng với một số taxon thuộc nhóm rêu, tảo và nấm có công dụng làm thuốc.
Trong đó, khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm. Đây là nguồn tài nguyên lớn, góp phần tạo ra sản phẩm thảo dược sản xuất trong nước có khả năng cạnh tranh cao so với các chế phẩm thảo dược nhập ngoại.
Thảo dược có tính kháng khuẩn bổ sung vào thức ăn chăn nuôi giúp hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, hỗ trợ kháng viêm, chống oxy hóa, nâng cao năng suất của vật nuôi. Ngoài ra, thảo dược còn làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi, giúp bổ sung hỗn hợp cinnamaldelhyde, capsicum oleoresim và carvacrol kích thích sự phát triển của vi khuẩn Lactobacilli có lợi cho hệ tiêu hóa.
Nhóm nghiên cứu thực hiện dự án đã sử dụng cao chiết dược liệu bằng dung môi nước để sản xuất chế phẩm thảo dược; đánh giá đặc tính sinh học và khả năng kháng khuẩn của các loại thảo dược; xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu. Qua đó, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được các cây dược liệu phù hợp nhất là: Riềng, rẻ quạt, cỏ xước, cỏ sữa để sản xuất cao chiết và chế phẩm.
Về quy trình sản xuất chế phẩm thảo dược cho gia cầm (HP02), nhóm nghiên cứu đã trộn tổng hợp 3 thành phần gồm cao riềng, rẻ quạt, cỏ sữa. Sau khi phối trộn, hỗn hợp đi qua máy trộn cao tốc trong 30 phút trước khi qua máy sấy để sấy khô, sát hạt (sấy 50 phút).
Cuối cùng sấy thêm lần 2 trong 15 phút, kiểm tra độ mịn, để nguội 15 - 20 độ C và đóng gói chế phẩm. Quy trình sản xuất chế phẩm thảo dược cho gia súc HS02 tương tự như quy trình sản xuất chế phẩm thảo dược cho gia cầm HP02, chỉ thay thành phần rẻ quạt bằng cỏ xước.
Giảm chi phí
Sau khi tạo ra thành phẩm, nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm tra chất lượng của chế phẩm qua các chỉ tiêu vật lý, hóa học, sinh học. Khi bổ sung chế phẩm ở mức 0,1% hầu như không ảnh hưởng đến kết cấu công thức dinh dưỡng của khẩu phần trong sản xuất thức ăn công nghiệp.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm mô hình sử dụng thức ăn bổ sung chế phẩm thảo dược thay thế kháng sinh tại một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
Thử nghiệm việc sử dụng thức ăn bổ sung chế phẩm thảo dược HP02 ở 2 mô hình nuôi gà thịt (quy mô 10.000 con/mô hình) cho thấy: Chi phí thức ăn/kg tăng trọng giảm, hệ số chuyển hóa thức ăn của gà thịt giảm từ 0,15 - 0,31 kg thức ăn/kg tăng trọng; tỷ lệ gà mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp và chết do các bệnh này giảm từ 0,7 - 2,22%; số ngày điều trị các bệnh về tiêu hóa hô hấp giảm từ 0,5 - 1,5 ngày so với không sử dụng; chi phí thuốc thú y, chi phí thức ăn/kg tăng trọng rút ngắn từ 313 - 2.203 đồng/kg tăng trọng.
Kết quả thử nghiệm HS02 ở mô hình ứng dụng chăn nuôi lợn thịt quy mô 1.000 con/mô hình cho thấy: Tỷ lệ mắc bệnh về tiêu hóa hô hấp ở toàn đàn lợn khi sử dụng chế phẩm thảo dược là 6,2 - 10,6%; chi phí thú y cho điều trị các bệnh về tiêu hóa hô hấp giảm từ 17.314 - 21.119 đồng/con so với thức ăn thông thường.
Khi sử dụng chế phẩm thảo dược không làm thay đổi năng suất thịt nhưng đã làm giảm tỷ lệ mất nước trong quá trình bảo quản và chế biến thịt từ 11,5 - 25%. Chi phí thức ăn khi sử dụng chế phẩm thảo dược cao hơn sử dụng thức ăn thông thường hiện nay khoảng 1.000 - 3.000 đồng/kg tăng trọng, chi phí thuốc thú y giảm từ 600 - 1.000 đồng/kg tăng trọng.
Như vậy, chế phẩm thảo dược có hoạt tính kháng khuẩn có thể thay thế hoàn toàn kháng sinh tổng hợp trong thức ăn chăn nuôi, tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng thịt ngon, không tồn dư kháng sinh, đảm bảo sức khỏe con người và thân thiện với môi trường.
Quy trình sản xuất chế phẩm đơn giản, dễ dàng thực hiện, không đòi hỏi trang thiết bị phức tạp, nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước nên hoàn toàn chủ động trong sản xuất với chi phí hợp lý.
Thành công của dự án là một minh chứng quan trọng, giúp các cơ quan quản lý trong nước xây dựng nền tảng khoa học để hoàn toàn cấm việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi; giúp các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và các đơn vị chăn nuôi có thêm cơ sở khoa học và thực tế để dần dần chuyển đổi sang hoạt động sản xuất kinh doanh không sử dụng kháng sinh tổng hợp, từng bước hội nhập với xu thế chăn nuôi của thế giới.