Chế phẩm thảo dược vừa giúp thư giãn vừa đuổi côn trùng hiệu quả

Chế phẩm thảo dược vừa giúp thư giãn vừa đuổi côn trùng hiệu quả

Tác hại của thuốc hóa học

Theo PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế có những quy định rất nghiêm ngặt về phun hoá chất diệt côn trùng.

Nhưng thị trường có rất nhiều loại hoá chất được bày bán tràn lan, người dân mua và tự phun, rất khó để kiểm soát mức độ nguy hiểm. Do dùng thuốc tuỳ tiện, không đúng liều lượng, dùng trong một thời gian quá dài dẫn tới tình trạng côn trùng thì kháng thuốc, “trơ” hoá chất, còn người thì nhiễm độc.

Khi được hỏi về độc tố trong các loại thuốc xịt muỗi, TS Khoa khẳng định: Hoá chất nào cũng có chất độc, tuy độ độc không nhiều. Tùy thuộc vào phản ứng của mỗi người (trẻ em thường rất nhạy cảm với các loại hoá chất này) nhưng nếu tiếp xúc với một lượng thuốc đáng kể trong thời gian ngắn thì có khả năng gây ngộ độc cấp tính.

Vì thế, TS Khoa khuyên các gia đình nên hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ muỗi trong gia đình mà nên sử dụng các biện pháp giữ gìn vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng đãng.

Nếu tình trạng quá phức tạp thì cần đến các cơ sở có uy tín để được tư vấn về loại thuốc, liều lượng phun. Nếu nhất thiết phải phun thì phun xa nguồn nước, không nên phun vào bếp ăn, phun từ 2m trở xuống và dọn dẹp sạch sẽ trước khi phun.

“Để phòng tránh ngộ độc, người tiêu dùng phải lựa chọn hãng thuốc có uy tín, nguồn gốc và thời gian sử dụng rõ ràng, sử dụng đúng theo hướng dẫn, liều lượng ghi trên bình thuốc. Không để thuốc gần tầm với của trẻ em, thức ăn hay vật nuôi.

Không dốc ngược bình. Rửa tay kỹ sau mỗi lần cầm bình xịt, không đập vỡ bình hay ném bình vào lửa ngay cả khi bình đã hết, không ném bình xuống sông suối, nguồn nước công cộng”, TS Phạm Thị Khoa nhấn mạnh.

Nguyên liệu trong vườn nhà

Vốn là nhà khoa học tâm huyết chuyên nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật vào đời sống, mới đây PGS.TS Phạm Thị Khoa đã nghiên cứu thành công chế phẩm dạng xịt có tác dụng xua, diệt muỗi hoàn toàn từ thảo dược.

PGS.TS Phạm Thị Khoa cho hay, mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp, côn trùng nói chung và muỗi nói riêng không sinh sản, phát triển nhiều.

Tuy nhiên, vào mùa xuân, nhiệt độ tầm 20 – 25 độ C rất thích hợp cho côn trùng và muỗi sinh sôi phát triển. Hiện nay có rất nhiều cách dùng để diệt muỗi, tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là dùng thuốc hóa học bởi chúng có khả năng “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”.

Việc sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng hóa học vô cùng độc hại cho sức khỏe con người, đó là chưa kể không diệt được hoàn toàn mà nguy cơ côn trùng quay trở lại là rất cao.

PGS.TS Phạm Thị Khoa cho biết, nhờ hóa chất, muỗi chết nhanh, nhưng muỗi chết nhanh bao nhiêu thì nguy cơ độc hại đến con người cũng lớn bấy nhiêu. Lo lắng đến những ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng vì hóa chất, muốn an toàn cho người dân, PGS.TS Phạm Thị Khoa đã bắt tay vào nghiên cứu chế phẩm xua, diệt muỗi từ thảo dược.

Bằng các kiến thức, kinh nghiệm của mình, bà đã tiến hành những nghiên cứu để tạo ra sản phẩm từ các loài thảo dược rất gần gũi với người dân nhưng có hiệu quả xua muỗi cao như sả, hoa cúc, mần tưới…

Đây đều là những loại thảo dược rất sẵn có trong cuộc sống hàng ngày, chúng đều dễ trồng, có mặt ở nhiều nơi và giá thành rẻ. Ngoài ra, từ lâu những loài cây này đã được biết tới là có khả năng khiến muỗi kinh sợ… Chính vì thế, nhà khoa học bắt tay tinh chế thành chế phẩm sinh học với nồng độ đủ để xua và diệt muỗi một cách hiệu quả.

Các sản phẩm đuổi muỗi
 Các sản phẩm đuổi muỗi

Kết hợp 2 trong 1

PGS.TS Phạm Thị Khoa cho biết, sản phẩm được thiết kế ở dạng xịt nên rất dễ sử dụng. Khi xịt, mùi thơm của của sả, cúc, mần tưới… có tác dụng xua đuổi khiến muỗi phải bay khỏi phạm vi mà chúng ta xịt. Đặc biệt, các tinh chất của sả, cúc, mần tưới… còn có khả năng làm tê liệt thần kinh của muỗi.

Khi ngửi phải, muỗi sẽ nhanh chóng bị ngất và rơi xuống sàn nhà. Lúc này người dân chỉ cần lấy chổi quét, gom lại để diệt trừ. Các kết quả thử nghiệm cho thấy, người dân chỉ cần xịt liên tục trong khoảng 1 - 2 tuần, trong nhà sẽ không còn muỗi.

Đặc biệt, tuy mùi thơm của sả, cúc, mần tưới… khiến muỗi sợ, thậm chí làm tê liệt thần kinh muỗi khiến chúng bị choáng, ngất, xong, với con người, mùi thơm này lại rất dễ chịu. Vì thế, sản phẩm có mùi thơm nhẹ của cỏ cây, nên người dân có thể xịt trong văn phòng, nhà ở, phòng ngủ cả ban ngày lẫn đêm.

Hơn nữa, sản phẩm an toàn với cả người lớn tuổi, trẻ em hay với phụ nữ có thai. Khi xịt chế phẩm không cần phải di dời ra khỏi phòng vì trong đó hoàn toàn không có hóa chất gây độc hại.

“Quá trình nghiên cứu chế phẩm tôi không gặp nhiều khó khăn do mình nắm vững các tính chất của các loại thảo dược và thảo dược nào có hiệu quả, ức chế ra sao với muỗi.

Điểm khác biệt là tôi phải dành thời gian chiết xuất để cho ra tinh chất phù hợp. Sau khi ra sản phẩm, tôi lại thử nghiệm trong hộp nuôi muỗi rồi mới ra khu vực nhà ở, các điểm nhiều muỗi để theo dõi khả năng xua, diệt. Tiếp đến là theo dõi các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như khả năng dị ứng, kích ứng hay tác động khác...

Qua các thử nghiệm đều thấy sản phẩm an toàn, hiệu quả”, PGS.TS Phạm Thị Khoa khẳng định.

“Điều đáng tiếc nhất là hiện nay Bộ Y tế chưa có quy trình đăng ký chế phẩm sinh học nên sản phẩm dù đã hoàn thiện khâu nghiên cứu, thử nghiệm, song lại không thể thương mại hóa ở quy mô công nghiệp. Để “tạo đất sống” cho sản phẩm, tôi phải tự mình đem đi sản xuất, tặng lại hoặc bán cho những người thân quen, hoặc ai biết thông tin thì tự tìm đến mua”, PGS.TS Phạm Thị Khoa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.