Chắc chắn ai cũng từng rơi vào tính huống chảy nước dãi khi ngủ. Nhưng chúng ta luôn nghĩ đó là hiện tượng bình thường và không mảy may đặt câu hỏi vì sao lại bị thế hoặc có nguy hiểm gì tới sức khỏe hay không.
Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị chảy nước miếng lại là một căn bệnh nội khoa, có thể gây nguy hiểm cho bạn.
Chảy nước dãi khi ngủ cảnh báo một số bệnh
Viêm miệng
Nước dãi chảy khi ngủ, có vị, và lưu lại màu vàng nhạt trên gối, có thể là do khoang miệng vệ sinh chưa sạch sẽ. Tình trạng viêm miệng sẽ kích thích sản xuất nước bọt, gây đau, dẫn đến chảy nước dãi.
Nếu vậy, bạn nên giữ vệ sinh và uống thuốc để các lợi và niêm mạc hết viêm, khỏe mạnh, tình trạng chảy nước dãi sẽ thuyên giảm.
Căng thẳng, mệt mỏi
Theo các chuyên gia, sự bài tiết của tuyến nước bọt hoàn toàn có tính phản xạ thần kinh. Cụ thể, khi bị stress, việc điều tiết thần kinh bị cản trở cũng sẽ gây hiện tượng chảy nước miếng khi ngủ.
Trong lúc ngủ, hệ thống thần kinh bị rối loạn sẽ gây ra hiện tượng giao cảm thần kinh bị kích động bất thường, khiến việc tiết nước bọt diễn ra khó kiểm soát.
Do đó, việc thường xuyên chảy nước miếng khi ngủ là dấu hiệu cho thấy hệ thống thần kinh của bạn đang có vấn đề.
Trong trường hợp này, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, điều chỉnh hợp lý các hoạt động thể chất và tinh thần để tránh làm giảm khả năng miễn dịch.
Răng trước bất thường (răng hô)
Răng mọc bất thường là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chảy nước miếng khi ngủ, đặc biệt là răng hô.
Bởi khi ngủ, miệng thường mở, môi dưới thường mở ra tự nhiên, nên dễ bị chảy nước miếng. Nếu có thể, bạn nên sớm chỉnh lại răng để làm thẳng răng.
Nguy cơ đột quỵ
Bỗng nhiên một ngày vừa ngủ dậy, bạn thấy nước dãi dính gối, soi gương thấy lệch miệng hoặc đau đầu cùng một số triệu chứng khác, nghĩa là bạn đang đối diện với nguy cơ đột quỵ.
Do đó, đừng chủ quan, hãy đi khám ở bệnh viện ngay lập tức.
Xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ não và cơ bắp, thiếu oxy, dẫn đến giãn cơ mặt dẫn đến chảy dãi khi ngủ. Tình trạng này ở người già thường kèm theo suy yếu khả năng nuốt.
Do vậy nếu thấy người cao tuổi thường chảy nước dãi khi ngủ, dù không lệch miệng, lác mắt hoặc các triệu chứng khác nên tới bệnh viện khám càng sớm càng tốt.
Hạn chế việc chảy nước miếng khi ngủ
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi ngủ sẽ là làm mất cơ hội khiến cho vi khuẩn trong miệng, từ đó tránh việc kích thích việc tăng tiết nước bọt.
- Nằm ngủ đúng tư thế
Tư thế ngủ cũng góp phần hạn chế việc chảy nước dãi. Hãy nằm ngửa, thẳng người. Nếu bạn nằm nghiêng hay nằm sấp - nghĩa là bạn đang tự tạo tư thế hoàn hảo cho việc nước dãi chảy ra ngoài.
Ngoài ra, việc kê gối cao đầu sẽ khiến nước bọt khó có thể tràn ra ngoài do đã trôi dạt về phía đáy hàm.
- Thông mũi
Một trong số những lý do khiến ta hay bị chảy nước miếng là khi ngủ là do bạn thở bằng miệng chứ không phải bằng mũi như thông lệ.
Do đó, để tránh hiện tượng này, bạn cần luôn đảm bảo mũi luôn khô thoáng, sạch sẽ. Nên tập cách thở qua mũi một cách tự nhiên.
- Giảm căng thẳng
Việc suy nghĩ quá căng thẳng trước khi ngủ sẽ khiến chức năng thần kinh thực vật bị rối loạn. Qua đó, chúng sẽ khiến não phát ra tín hiệu sai, gây chảy nước miếng.
- Chế độ dinh dưỡng
Theo Đông y, chảy nước dãi khi ngủ là biểu hiện của tì suy. Vì vậy, hãy bổ sung các thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa, có tác dụng tỉnh tì khai vị như hạt dẻ, sơn dược, nho, mã thầy, nấm hương, cà rốt, táo tàu, đậu ván…
Ngoài ra, bạn nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm tính hàn mát, dễ gây tổn thương cho tì như mướp đắng, dưa chuột, bí đao, cà, hồng, chuối tiêu, lê, dưa hấu…
* Tổng hợp