Châu Âu mạnh tay chống “sát thủ vô hình“

Ủy ban châu Âu lên kế hoạch chống lại "sát thủ vô hình" đang cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người mỗi năm.

Trong năm 2010, ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có hơn 400.000 người chết sớm vì ô nhiễm không khí. (Ảnh: Getty Images)
Trong năm 2010, ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có hơn 400.000 người chết sớm vì ô nhiễm không khí. (Ảnh: Getty Images)
Thống kê của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong năm 2010 đã có hơn 400.000 người chết sớm vì ô nhiễm không khí. Ngoài số trường hợp tử vong này, liên minh cũng đã mất 100 triệu ngày công lao động mỗi năm vì các căn bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, chẳng hạn như hen suyễn.
Bên cạnh những ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, môi trường tự nhiên cũng chịu tổn hại do ô nhiễm nitơ quá mức và mưa axit. Tổn thất tài chính trực tiếp do ô nhiễm không khí gây ra cho xã hội, kể cả sự hủy hoại mùa màng và nhà cửa, ước tính lên tới 23 tỉ Euro/năm.
Janez Potocnik, cố vấn EU về môi trường, tuyên bố, các biện pháp mới đề xuất sẽ mang lại những lợi ích to lớn. Quan chức này nói: "Ô nhiễm không khí vẫn là một "sát thủ vô hình"... Các hành động chúng tôi đề xuất sẽ giảm một nửa số ca tử vong vì ô nhiễm không khí. Chúng cũng là điều tốt lành đối với tự nhiên và các hệ sinh thái dễ đổ vỡ".
Dự thảo đề xuất của EC đã phác họa một chương trình bảo đảm không khí sạch mới, trong đó mức trần xả thải quốc gia đối với 6 chất gây ô nhiễm chủ yếu sẽ hạ xuống và sẽ có giới hạn về ô nhiễm đối với các cơ sở đốt nhiên liệu từ quy mô trung bình, chẳng hạn như những nhà máy năng lượng quy mô nhỏ.
Nội dung văn bản trên sẽ gia tăng áp lực, buộc các nước thành viên phải tuân thủ những luật hiện hành. Hiện tại 17 quốc gia đã vi phạm các quy định về ô nhiễm không khí và đang bị các tòa án của EU xét xử.
Theo EC, các giải pháp mới nhằm giảm 20% lượng chất ô nhiễm so với mức hiện nay vào năm 2030. Chúng được cho là sẽ giúp ngăn chặn 58.000 ca tử vong sớm mỗi năm và giúp các nước thành viên EU tiết kiệm 40 tỉ Euro, hơn gấp 12 lần phí tổn thực thi giải pháp mới.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cáo buộc, việc EU trì hoãn hành động cho tới năm 2030 là nhằm nhượng bộ các thế lực trong ngành công nghiệp và một số nước bất hợp tác trong liên minh.
Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ