Sứ mệnh phổ biến công nghệ hứa hẹn tốc độ Internet nhanh hơn gấp 20 lần so với hiện nay có thể rất quan trọng đối với việc lục địa này phục hồi như thế nào sau những đại dịch Covid-19. Vậy nên, Liên minh châu Âu (EU) hiện đang sử dụng 1/5 quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (914 tỷ USD) để cải thiện năng lực kỹ thuật số của các quốc gia trong khối.
Các nhà điều hành di động châu Âu từ lâu đã miễn cưỡng với việc bắt đầu đầu tư vào mạng 5G, vốn có thể hỗ trợ các nhà máy thông minh và ô tô tự lái, vì thiếu sự rõ ràng về chính trị trong việc liệu họ có phải tuân theo yêu cầu của Mỹ là tẩy chay nhà cung cấp thiết bị hàng đầu Huawei và các nhà cung cấp khác của Trung Quốc hay không.
Nhưng được khuyến khích bởi cam kết tài chính của EU đối với công nghệ trong lĩnh vực này, vào thời điểm chính quyền Hoa Kỳ đang thay đổi và lo sợ sẽ tụt hậu hơn nữa trên toàn cầu, ngành công nghiệp đang chuẩn bị có bước đi lớn vào năm 2021.
Pekka Lundmark, Giám đốc điều hành của Hãng sản xuất thiết bị mạng Phần Lan Nokia, nói với Reuters: “Châu Âu đang bị tụt hậu. Nhưng việc triển khai đang được tăng tốc vào năm 2021”.
Nhà sản xuất thiết bị Thụy Điển Ericsson dự báo vùng phủ sóng 5G của châu Âu sẽ tăng từ khoảng 1% số thuê bao di động trên toàn châu lục vào năm 2020 lên 55% ở các nước Tây Âu và 27% ở các nước Trung Âu và Đông Âu trong 5 năm tới, tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế được mong đợi.
Tuy nhiên, chính các nhà điều hành di động phải trả cho các công ty như Ericsson, Nokia và Huawei hàng tỷ USD cho thiết bị 5G.
Jose Maria Alvarez-Pallete - Giám đốc điều hành Telefonica của Tây Ban Nha, cho biết: “Chúng tôi đã dành cả mùa hè làm việc kể từ khi thông báo này được đưa ra để thiết lập các dự án hữu hình”. Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho biết các khoản thanh toán đầu tiên có thể được thực hiện vào mùa hè năm 2021.
Trong số các dự án kỹ thuật số khác nhau, Telefonica tính toán số tiền cứu trợ có thể giúp bao phủ toàn bộ Tây Ban Nha với Internet cáp quang và mở rộng mạng 5G độc lập - có khả năng mang lại hiệu suất cao nhất - cho khoảng 85% đất nước vào năm 2025.
Mặc dù người tiêu dùng cá nhân có thể sử dụng 5G để thực hiện cuộc gọi và duyệt Internet, nhưng lợi ích chính của công nghệ này nằm ở việc tạo ra các doanh nghiệp mới, tự động hóa các nhà máy và vận hành các cơ sở hạ tầng quan trọng như lưới điện.
Ericsson cho biết trong một báo cáo tháng trước rằng thuê bao di động 5G toàn cầu sẽ đạt con số 220 triệu vào cuối năm nay, trong đó Trung Quốc chiếm gần 80% tổng số thuê bao. Bắc Mỹ dự kiến sẽ chiếm 4% trong tổng con số này.
Các nhà điều hành viễn thông đã lên kế hoạch sử dụng cơ sở hạ tầng 4G hiện có của họ như là cách rẻ nhất và nhanh nhất để bắt đầu nâng cấp lên 5G. Nhưng gần một nửa phần cứng hiện có này là từ Huawei, buộc các nhà khai thác phải tìm kiếm nhà cung cấp khác.
Nokia và Ericsson đã thu lợi rất lớn từ sự thay đổi này, giành được các hợp đồng từ các khách hàng cũ của Huawei, một số người trong số họ đang thảo luận về hợp đồng với Samsung, công ty mới gia nhập thị trường châu Âu. Bản thân Huawei thừa nhận những khó khăn mà khách hàng phải đối mặt, những người phải thay đổi trước tranh chấp Mỹ - Trung.
Kenneth Fredriksen, Phó Chủ tịch điều hành của Huawei khu vực Trung Đông Âu và Bắc Âu, cho biết: “Bạn không thể đưa ra quyết định đầu tư từ 7 - 10 năm trừ khi bạn biết rằng những khoản đầu tư sẽ được bảo vệ trong thời gian đó”.
Sự chậm trễ trong việc đấu giá phổ tần 5G - sóng cần thiết để các nhà khai thác bắt đầu cung cấp 5G thương mại - là một trong những trở ngại chính đối với việc triển khai. Các nhà điều hành trong năm nay đã bị thất vọng khi các cuộc đấu giá theo kế hoạch thất bại khi các chính phủ tập trung vào cuộc chiến với đại dịch Covid-19.