Theo Hindustan Times, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã sẵn sàng cho sự phát triển của mạng di động thế hệ mới trong tương lai. Nước này đã lên kế hoạch cho 6G và đã thành lập hai nhóm chuyên giám sát, nghiên cứu mạng 6G.
Nhóm thứ nhất là các chuyên gia hàng đầu trong các bộ ngành, chịu trách nhiệm giám sát nhóm thứ hai là 37 chuyên gia từ các đại học, viện nghiên cứu và công ty công nghệ tại Trung Quốc và thế giới.
Tất nhiên, 6G không chỉ dùng để xem phim, mà còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, thậm chí cách mạng hóa mối quan hệ của con người với công nghệ.
Theo tiến sĩ Mahyar Shirvanimoghaddam, giáo sư thuộc Đại học Sydney, kỷ nguyên 6G có thể hình thành khái niệm mới gọi là "giao diện máy tính dựa trên não bộ", cho phép con người sử dụng các thiết bị thông qua sóng não.
Theo lý thuyết, mạng 6G sẽ đạt tốc độ một terabyte mỗi giây. Hiện nay, để phát nội dung Netflix ở độ phân giải cao nhất cần đến 56 gigabit dữ liệu mỗi giờ. Với tốc độ của 6G, trung bình mỗi giây, người dùng có thể tải hơn 142 giờ nội dung ở độ phân giải tương tự.
Tuy vậy, ông Shirvanimoghaddam cho rằng người dùng chưa nên quá phấn khích về 6G vì để hỗ trợ tốc độ cực cao, thiết bị truyền tải nó phải cải tiến đáng kể, cả về vật liệu, kiến trúc máy tính, thiết kế chip lẫn năng lượng mà chúng sử dụng.
Dự kiến, Trung Quốc bắt đầu triển khai 6G từ năm 2030. Nhật Bản cũng được cho là đang phát triển mạng di động thế hệ thứ sáu.
Hiện công nghệ 5G vẫn còn ở mức sơ khai khi chỉ có một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc... bắt đầu khai thác thương mại. Trước đó, hệ thống 5G của Huawei và đối tác Sunrise (Thụy Sĩ) đạt tốc độ tải xuống 3,67 Gb/giây, cao nhất trong mạng di động.