PKK giải giáp, tương lai bất định cho người Kurd Syria

GD&TĐ - Đảng Công nhân người Kurd (PKK) chấp nhận giải giáp, tương lai của người Kurd Syria thuộc Đảng Liên minh dân chủ (PYD), trong SDF hết sức bấp bênh.

PKK giải giáp, tương lai bất định cho người Kurd Syria

Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vào ngày 11 tháng 7 đã bắt đầu quá trình giải trừ vũ khí, trong khuôn khổ thỏa thuận đã đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ vào hồi đầu năm nay.

Quá trình giải giáp vũ khí của PKK dự kiến sẽ diễn ra trong suốt mùa hè này, bắt đầu bằng một buổi lễ nhỏ được tổ chức tại khu vực bán tự trị người Kurd ở phía bắc Iraq (Kurdistan).

Tại buổi lễ mang tính biểu tượng có sự tham dự của hơn một trăm quan sát viên từ Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm các quan chức của Đảng Dân chủ và Bình đẳng Nhân dân (DEM) ủng hộ người Kurd, cũng như các nhà báo, 30 chiến binh PKK, gồm 15 phụ nữ và 15 nam giới, đã tập trung gần tỉnh Sulaimaniyah và đốt vũ khí của mình, thay vì giao nộp cho Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi đang tự nguyện tiêu hủy vũ khí của mình” - Bese Hozat, một quan chức cấp cao của PKK đã phát biểu trong buổi lễ và mô tả đây là “một bước đi thiện chí và cam kết hướng tới thành công thực tế của tiến trình hòa bình”.

Nhà lãnh đạo của PKK nhấn mạnh, người Kurd cũng hy vọng rằng bước đi này sẽ mang lại hòa bình và tự do cho toàn thể người Kurd, cũng như nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông, cùng với toàn thể nhân loại.

Trong gần nửa thế kỷ qua, Đảng Công nhân người Kurd bị Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, coi là một “tổ chức khủng bố”. Cuộc xung đột với nhóm này kéo dài hơn 46 năm ước tính cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người.

Trong thông báo mang tính lịch sử vào hồi tháng 5 vừa qua, PKK cho biết họ sẽ chấm dứt cuộc đấu tranh vũ trang chống lại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi thủ lĩnh bị cầm tù của họ là ông Abdullah Ocalan, ra lệnh cho nhóm này giải giáp vũ khí và giải tán, như một phần của các cuộc đàm phán hòa bình với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Ngược lại, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hoan nghênh bước đi đầu tiên của nhóm này hướng tới giải trừ vũ khí, tuyên bố đây là hành động thiện chí “hoàn toàn xé toạc và vứt bỏ xiềng xích đẫm máu đã trói buộc đất nước chúng ta”, đồng thời đem lại lợi ích cho toàn bộ khu vực.

Trong một video được phát sóng vào đầu tuần này được Hãng thông tấn Firat có liên hệ với PKK ghi lại vào tháng 6, ông Ocalan mô tả khoảnh khắc này là “một sự chuyển đổi tự nguyện từ giai đoạn xung đột vũ trang sang giai đoạn chính trị và luật pháp dân chủ” và gọi đó là “thắng lợi lịch sử” của người Kurd.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ quá trình giải trừ vũ khí sẽ tác động thế nào đến tương lai của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF - một liên minh chính trị quân sự, trong đó người Ả rập chiếm 60%, còn người Kurd chiếm 40%), được coi là có liên hệ với PKK, nhưng được Mỹ huấn luyện và cung cấp vũ khí.

Đại diện chính trị của người Kurd ở Syria là Đảng Liên minh dân chủ (PYD) và lực lượng quân sự của họ là Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), bị chính quyền Ankara coi là “chi nhánh của tổ chức khủng bố PKK” Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện nay, Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đang kiểm soát phần lớn vùng đông bắc của đất nước Syria, vẫn chưa được sáp nhập vào lực lượng của chính phủ mới theo thỏa thuận đột phá riêng biệt với Tổng thống Syria Ahmad al-Sharaa vào tháng 3 năm ngoái.

Trong khu vực mà người Kurd kiểm soát ở al-Hasakah, Raqqa, Deir er-Zor còn có rất nhiều căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, hiện cũng có vài nghìn binh sĩ Mỹ và khối lượng lớn trang bị, vũ khí đang đồn trú tại các căn cứ này và một số điểm chốt nhỏ tại các mỏ dầu quan trọng ở phía đông Syria.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tập huấn chuyên đề Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong trường học tại Trường THCS Nguyễn Huệ.

Giáo viên đi học... hè

GD&TĐ - Nhiều trường học đã chủ động tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp dạy học tích cực, tập huấn cho giáo viên cách sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học, kiểm tra, quản lý hồ sơ...