Châu Á: Thách thức khi đối phó với khủng hoảng giáo dục

GD&TĐ - Tương lai của 800 triệu trẻ em châu Á đang gặp rủi ro vì nền giáo dục khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Ít nhất 27 triệu học sinh châu Á mất khả năng học tập từ khi bắt đầu đại dịch.

Trẻ em châu Á phải nghỉ học và làm thêm phụ gia đình.
Trẻ em châu Á phải nghỉ học và làm thêm phụ gia đình.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Quỹ Nhĩ đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) mới đây đã công bố báo cáo “Phân tích tình hình về ảnh hưởng và ứng phó với Covid-19 trong lĩnh vực giáo dục tại châu Á”.

Cụ thể, hơn 800 triệu trẻ em, gồm 400 triệu em ở Nam Á, 260 triệu ở Đông Á và 140 triệu ở Đông Nam Á, đã bị gián đoạn học tập. Đối phó với sự xuất hiện của dịch từ năm 2020, các trường học ở châu Á trung bình đóng cửa hoàn toàn 50% ngày giảng dạy.

Ở một số quốc gia, như Philippines, trường học đóng cửa hoàn toàn từ tháng 3/2020, khiến khoảng 27 triệu học sinh từ mầm non đến trung học không được học trực tiếp hơn một năm. Ở Bangladesh, các trường đóng cửa đến ngày 12/9.

Dù hiện nay, khi thế giới bước vào quý cuối cùng của năm 2021, nhiều trẻ em vẫn phải đối mặt với việc trường học đóng cửa năm thứ hai liên tiếp. Các hậu quả bao gồm mất khả năng học tập; suy giảm tinh thần; bỏ bữa ăn, khám sức khoẻ, tiêm chủng định kỳ tại trường; tăng nguy cơ bỏ học; tăng lao động trẻ em và nạn tảo hôn. Những điều này đang và sẽ ảnh hưởng đến trẻ em trong những năm tới.

Ông Marcoluigi Corsi, Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Chúng ta không thể bỏ qua tác động từ gián đoạn học tập đối với trẻ em, đặc biệt những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Tương lai của cả một thế hệ đang bị đe dọa. Do đó, cần mọi nỗ lực để đảm bảo trường học mở cửa trở lại an toàn càng sớm càng tốt. Nếu không, sự mất mát trong học tập sẽ rất khó khắc phục “.

Trong khi các quốc gia trên khắp châu Á đang cung cấp chương trình dạy từ xa, ít nhất 28%, tương đương với 220 triệu học sinh từ cấp tiểu học đến THPT, không được tiếp cận. Ngoài thiếu thiết bị học và sự hỗ trợ tiếp cận công nghệ, các em phải đối mặt với những thách thức như môi trường học tập nghèo nàn, phải làm thêm hỗ trợ gia đình.

Do đó, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp chương trình đào tạo từ xa bình đẳng, hoà nhập trên quy mô lớn để tiếp cận tất cả trẻ em trong thời gian trường học đóng cửa.

Đồng thời, cung cấp gói hỗ trợ để đảm bảo sức khoẻ, dinh dưỡng và hạnh phúc của các em. Báo cáo kêu gọi các chính phủ và đối tác tăng cường hỗ trợ giảng dạy, đào tạo giáo viên giúp thu hẹp khoảng cách học tập hiện nay và duy trì tài trợ cho giáo dục.

Ông George Laryea-Adjei, Giám đốc UNICEF khu vực Nam Á, cho biết: “Các chính phủ, đối tác và tư nhân cần phải làm việc cùng nhau, không chỉ để có được chiến lược, mức đầu tư đúng đắn, mà còn để xây dựng hệ thống linh hoạt, hiệu quả, toàn diện về giáo dục”.

Ước tính 4% học sinh châu Á có nguy cơ bỏ học do đại dịch, làm đảo ngược tiến độ nhập học trong những thập kỷ gần đây. Theo Báo cáo, ngân sách giáo dục trong khu vực cần tăng trung bình 10% để xoa dịu những thiệt hại này.

“Bên cạnh nỗ lực bù đắp cho trẻ em khi trở lại trường học trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19, chúng ta cần nhớ rằng 128 triệu trẻ em phải nghỉ học khi đại dịch bùng phát. Con số này đại diện cho khoảng 1/2 số trẻ em không được đi học trên toàn cầu. Cuộc khủng hoảng học tập tại châu Á cần sớm được giải quyết”, ông Shigeru Aoyagi, Giám đốc UNESCO Bangkok, bày tỏ.

Theo Reliefweb

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trích đoạn kinh điển 'Lý trưởng - mẹ Đốp' trong vở chèo cổ 'Quan Âm Thị Kính' biểu diễn tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: BTC.

'Phi hề bất thành chèo'

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Mercury (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức talkshow và biểu diễn nghệ thuật 'Phi hề bất thành chèo' tại Nhà hát Chèo Việt Nam.