Trong những năm gần đây, mô hình này đã lan rộng sang các quốc gia khác như Nhật Bản, Indonesia…
Trung tâm dạy thêm (cram schools) là mô hình luyện thi nhằm giúp học sinh phổ thông đạt được những mục tiêu cụ thể như đỗ trường THPT hoặc đại học. Thuật ngữ “cramming” (nhồi nhét) là tiếng lóng ngụ ý “học tập chăm chỉ” hoặc “nghiên cứu tài liệu trong thời gian ngắn”. Phổ biến tại các quốc gia châu Á, trung tâm dạy thêm có chung mục tiêu là tăng cường ôn luyện và chuẩn bị cho các kỳ thi có tính cạnh tranh cao.
Trung Quốc
Trung tâm dạy thêm và luyện thi đại học là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực giáo dục tại Trung Quốc. Các lớp học này nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, còn gọi là gaokao, nổi tiếng khốc liệt nhất thế giới.
Hầu hết người dân Trung Quốc tin rằng, trúng tuyển trường đại học chất lượng là con đường duy nhất dẫn đến thành công trong tương lai nên áp lực cạnh tranh của học sinh nước này là rất lớn. Nhiều trẻ em Trung Quốc học thêm trước khi vào tiểu học. Do đó, các trung tâm dạy thêm, được điều hành bởi các tổ chức tư nhân, tại Trung Quốc đã bùng nổ trong thập kỷ qua.
Từ năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định để hạn chế sức ảnh hưởng của các trung tâm dạy thêm. Trong đó, phải kể đến lệnh cấm dạy thêm vào buổi tối, các ngày cuối tuần và trong kỳ nghỉ. Không giao nhiều bài tập về nhà hoặc bài tập quá khó so với trình độ của học sinh…
Những cải cách trên hy vọng giúp học sinh Trung Quốc thoát khỏi áp lực cạnh tranh khốc liệt, tăng tỷ lệ sinh trong các gia đình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá, trung tâm dạy thêm không phải là nguyên nhân gây nên tình trạng trên. Kỳ thi tuyển sinh đại học gaokao mới là áp lực lớn nhất mà học sinh, phụ huynh Trung Quốc phải đối mặt.
Hàn Quốc
Được thành lập từ năm 1885, các trung tâm dạy thêm (hagwon) được đánh giá rất quan trọng đối với hệ thống giáo dục Hàn Quốc. Không chỉ dành 15 tiếng mỗi ngày ở trường, nhiều học sinh Hàn Quốc đến trung tâm học thêm vào 10 giờ tối, đi ngủ lúc 1 - 2 giờ sáng.
Kết quả khảo sát của Cục Thống kê Hàn Quốc vào năm 2019 cho thấy, 3/4 học sinh phổ thông đăng ký học thêm tư nhân. Học thêm là phương tiện giúp đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi đại học quốc gia, còn gọi là Su-neung, thường diễn ra vào tháng 11. Với đất nước coi kỳ thi đại học là yếu tố sống còn của giáo dục công lập, học sinh không ngần ngại đăng ký vào các lò luyện thi và miệt mài học ngày đêm.
Phụ huynh Hàn Quốc cũng đầu tư rất nhiều tiền bạc cho các trung tâm dạy thêm. Ước tính năm 2017, cha mẹ chi hơn 15 tỷ USD cho trung tâm dạy thêm tư nhân, cao hơn gấp 3 lần chi tiêu trung bình của OECD cho giáo dục tư nhân và nhiều hơn các quốc gia khác trên thế giới. Chính phủ Hàn Quốc đã nhiều lần ra lệnh cấm, lệnh giới nghiêm đối với hagwon nhưng chưa thành công do tầng lớp giàu có liên tục tìm cách lách luật.
Nhật Bản
Tại xứ sở hoa anh đào, trung tâm luyện thi do tư nhân quản lý, thường trang bị thêm kiến thức sau bài học ở trường nhằm giúp học sinh chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp và thi đại học. Ước tính 1/3 trẻ em Nhật đăng ký học thêm sau giờ học, được tổ chức vào chiều muộn hoặc buổi tối và các ngày cuối tuần.
Hầu hết trung tâm luyện thi tại Nhật Bản mở cửa quanh năm nhưng luôn bận rộn trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông. Hơn 70% trung tâm luyện thi ngày nay được thành lập từ năm 1976 và gần 50% xây dựng từ năm 1981. Theo thống kê mới đây của Bộ Giáo dục Nhật Bản, số trường luyện thi hiện nay là khoảng 35 nghìn.
Tại Nhật Bản có hai hình thức luyện thi. Một là “shingaku juku”, nơi đào tạo học sinh cho các kỳ thi tuyển sinh như THCS, THPT hoặc đại học. Thứ hai là “hoshuu juku”, trung tâm bổ túc dành cho học sinh học kém, không theo kịp chương trình phổ thông tại trường học.
Indonesia
Xuất hiện từ những năm 1970, trung tâm luyện thi tại Indonesia giúp học sinh chuẩn bị cho các kỳ thi quốc gia. Mỗi lớp học được tổ chức 2 - 3 lần một tuần với tối đa 20 học viên.
Sự phổ biến của các trung tâm luyện thi phản ánh thực trạng đáng buồn về giáo dục Indonesia. Cụ thể, nhiều học sinh phản ánh giáo viên trên trường chỉ tập trung dạy lý thuyết, không ôn luyện cho các kỳ thi.
Tính đến năm 2017, 25% trong số 3,5 triệu giáo viên phổ thông tại quốc gia này không đạt đủ tiêu chuẩn giảng dạy. 52% giáo viên không đạt chứng nhận sư phạm.
Bộ Giáo dục Indonesia cho biết, cả nước thiếu hơn 750 nghìn giáo viên. Vì không đủ giáo viên, các trường buộc phải thuê giáo viên hợp đồng chưa đạt tiêu chuẩn.
Do đó, sau giờ học, phần lớn học sinh Indonesia sẽ tập trung tại trung tâm luyện thi. Các em cũng đánh giá việc học thêm mang lại điểm số tích cực hơn. Chất lượng giáo viên tại các trung tâm được đánh giá tương đối cao.