ChatGPT phá vỡ lối mòn trong giáo dục

GD&TĐ - Chỉ vài ngày sau khi ra mắt vào cuối tháng 11/2022, ChatGPT đã bị lên án rộng rãi và bị coi như hệ thống giúp học sinh, sinh viên gian lận.

ChatGPT có thể trả lời mọi thắc mắc của người dùng trong 2 - 5 giây.
ChatGPT có thể trả lời mọi thắc mắc của người dùng trong 2 - 5 giây.

Cách đây vài tháng, sự xuất hiện của ChatGPT đã tạo nên làn sóng tranh cãi về việc công cụ này có thể “phá hủy” hệ thống giáo dục bằng cách tạo điều kiện cho người học gian lận.

Tuy nhiên, quan điểm của các học giả về siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT đang dần thay đổi và theo hướng tích cực hơn.

Nỗi lo dễ hiểu

Chỉ vài ngày sau khi ra mắt vào cuối tháng 11/2022, ChatGPT đã bị lên án rộng rãi và bị coi như hệ thống giúp học sinh, sinh viên gian lận. Bởi lẽ, siêu trí tuệ nhân tạo này có thể viết bài luận hoặc trả lời các câu hỏi học thuật chỉ trong 2 - 5 giây, tuỳ theo độ khó của từng vấn đề mà người dùng đặt ra.

Phần lớn lo lắng ban đầu xoay quanh ChatGPT dựa vào việc công cụ này có thể hoàn thành tốt các bài kiểm tra và đạt điểm đỗ. Cả ChatGPT và GPT-4, mô hình ngôn ngữ nâng cấp của ChatGPT, có thể vượt qua kỳ thi chuẩn hóa quốc tế SAT; kỳ thi chuẩn hóa AP các môn Sinh học, Lịch sử nghệ thuật, Khoa học môi trường, Kinh tế vĩ mô, Tâm lý học, Lịch sử Hoa Kỳ...

Los Angeles Unified, khu học chánh lớn thứ 2 tại Mỹ, ngay lập tức thông báo chặn quyền truy cập vào trang web của OpenAI, công ty quản lý ChatGPT từ Internet trong các trường học.

Đến tháng 1, nhiều khu học chánh trên khắp thế giới sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính đã ra lệnh cấm phần mềm này từ Washington, New York, Alabama, Virginia tại Mỹ đến bang Queensland, New South Wales tại Australia...

Một số trường đại học hàng đầu Vương quốc Anh như Đại học Hoàng gia London, Đại học Cambridge... cũng đưa ra cảnh báo sinh viên không được phép sử dụng ChatGPT để gian lận.

Bà Jenna Lyle, phát ngôn viên của Sở Giáo dục thành phố New York, cho biết: “Mặc dù công nghệ này có thể đưa ra những câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng cho mọi câu hỏi, nhưng nó không giúp xây dựng các kỹ năng tư duy, phản biện, giải quyết vấn đề... Đây là những kỹ năng cần thiết cho học tập và tương lai của chúng ta”.

Theo TS Will Douglas Heaven, cựu Tổng biên tập Tạp chí khoa học New Scientist, sự hoang mang của ngành Giáo dục trong những ngày đầu là dễ hiểu. ChatGPT, luôn có sẵn cho người dùng Internet, có thể trả lời mọi câu hỏi; sản xuất các văn bản có cấu trúc chặt chẽ, ngôn từ bóng bẩy, đáp ứng mọi vấn đề từ vật lý cho đến văn học.

Đặc biệt, mỗi bài luận do ChatGPT tạo nên là duy nhất và không ai có thể kiểm tra chính xác những nguồn thông tin mà công cụ này trích dẫn. Do đó, nhìn chung, ChatGPT đã làm giảm khả năng đánh giá và kiểm tra trong học thuật.

Sau ba tháng, TS Will Douglas Heaven nhận thấy quan điểm về ChatGPT trong giáo dục đang dần thay đổi. Ông đã thảo luận với một số giáo viên, chuyên gia giáo dục.

Tất cả nhất trí rằng họ đang đánh giá lại ý nghĩa của các công cụ chatbot như ChatGPT đối với giáo dục. Không còn coi ChatGPT là cỗ máy của kẻ gian lận, nhiều học giả hiện nay tin rằng ChatGPT thực sự có thể giúp giáo dục tốt hơn.

ChatGPT có thể được sử dụng làm công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong lớp học, giúp giáo viên xây dựng các bài học có tính tương tác cao hơn và tiết kiệm thời gian quản trị. Học sinh được học sâu hơn về phương tiện truyền thông, xây dựng kế hoạch bài học và học tập cá nhân hóa.

Vào tháng 2 vừa qua, tổ chức Walton Family Foundation đã phỏng vấn hơn 1.000 giáo viên phổ thông và 1.000 học sinh từ 12 - 17 tuổi tại Mỹ. Kết quả cho thấy, 10% giáo viên được hỏi dùng ChatGPT hàng ngày nhưng có tới 30% học sinh được hỏi sử dụng công cụ này. 88% giáo viên và 79% học sinh đánh giá ChatGPT mang lại tác động tích cực.

Đa số giáo viên và học sinh được khảo sát cũng đồng ý với nhận định rằng: “ChatGPT là một ví dụ về việc ngành Giáo dục không thể tiếp tục đi theo lối cũ mà cần thay đổi cho phù hợp với xu hướng hiện đại”.

Giáo viên cần hướng dẫn học sinh sử dụng công cụ chatbot đúng cách để không gian lận.

Giáo viên cần hướng dẫn học sinh sử dụng công cụ chatbot đúng cách để không gian lận.

Thay đổi như thế nào?

Theo GS David Smith, Đại học Sheffield Hallam, Vương quốc Anh, thái độ của giáo viên đang thay đổi từ phản đối sang tìm cách tháo gỡ. Với ChatGPT, “đáp án” có ở khắp mọi nơi, nên giáo viên cần hướng dẫn người học tìm kiếm thông tin, đồng thời biết phân biệt thông tin chính xác và sai lệch.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS Helen Crompton, ngành Sư phạm Công nghệ, Đại học Old Dominion, bang Virginia, Mỹ, bày tỏ hy vọng các chatbot như ChatGPT sẽ giúp trường học cải thiện chất lượng. Từng giảng dạy tại các trường phổ thông trong hơn 15 năm, khi ChatGPT xuất hiện, PGS Crompton cho biết nhiều nhà giáo dục nghĩ rằng trường học đang bị mắc kẹt trong một lối mòn.

Đó là hệ thống tập trung quá nhiều vào việc chấm điểm học sinh thay vì kiến thức mà học sinh thu nạp được. ChatGPT đang phá vỡ tư duy này.

PGS Crompton đang nghiên cứu về những cách mà ChatGPT có thể cải thiện chất lượng giảng dạy như tạo câu hỏi kiểm tra, tóm tắt kiến thức cho từng đối tượng học sinh, trợ giúp công việc hành chính tốn thời gian như viết thư cho phụ huynh...

Một trong những phương pháp được nữ phó giáo sư sử dụng phổ biến trong lớp học của mình là đặt ra một vấn đề để tranh luận giữa sinh viên và ChatGPT. Bằng cách nêu ra những quan điểm đối lập, ChatGPT giúp người học phát hiện những điểm yếu trong suy nghĩ của mình.

PGS Crompton cũng lưu ý nếu tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của người học, ChatGPT có thể giúp ích trong việc cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ này, nhất là về ngữ pháp và viết lách.

Còn Emily Donahoe, giảng viên tại Đại học Mississippi, bang Mississippi, Mỹ, nhận thấy các cuộc thảo luận trong trường học về ChatGPT đang có sự chuyển biến. Bản thân Emily cũng vậy.

Ban đầu, cô nhắc nhở sinh viên, nhất là sinh viên đang làm khóa luận, không được phép sử dụng ChatGPT khi làm bài tập thầy cô giao trên lớp. Mỗi nguồn thông tin lấy từ ChatGPT phải ghi rõ trích dẫn hoặc phải hỏi ý kiến của giảng viên hướng dẫn trước khi đưa vào bài làm. Cô Emily coi việc nhắc nhở sinh viên là một nghĩa vụ.

Nhưng hiện tại, Emily nhận ra ChatGPT có thể giúp giáo viên thoát khỏi tâm lý “quan trọng hóa” điểm số. Thay vì yêu cầu sinh viên viết bài luận như robot, nữ giảng viên đang tìm cách đổi mới lớp học, bài giảng thông qua việc tổ chức thảo luận, giao bài tập dự án, thuyết trình...

Trước đây, cô Emily sẽ giao cho sinh viên viết bài luận về một vấn đề cụ thể và chấm điểm trình độ của sinh viên dựa trên kết quả bài luận. Nhưng học kỳ mùa Xuân này, cô yêu cầu học sinh sử dụng ChatGPT viết bài luận và tự phân tích, phản biện lại bài luận này. Sau đó, sinh viên viết lại bài luận dựa trên ý kiến trái chiều của mình.

Nữ giảng viên nhận thấy việc chia nhỏ bài tập theo cách này giúp sinh viên tập trung vào các kỹ năng cụ thể như logic, phản biện, lấy ví dụ... thay vì bị phân tâm vào con số.

Sinh viên cũng thích thú vì điểm số không còn phụ thuộc vào bài luận, mà còn cả ý kiến phản biện của các em. Vì vậy, các em cũng tích cực “phản bác” ChatGPT hơn là phụ thuộc vào công cụ này.

Là giảng viên Khoa học Sinh học, GS David Smith, Đại học Sheffield Hallam, Vương quốc Anh, cũng đang thử nghiệm giảng dạy với sự hỗ trợ của ChatGPT.

Điều này khiến anh nhớ lại nỗi lo lắng đã trải qua vài năm trước trong đại dịch Covid-19. Do học sinh học trực tuyến, giáo viên phải tìm cách giao bài tập không quá khó nhưng cũng không quá dễ để các em tra cứu Google.

Thầy Smith cho rằng, ChatGPT cũng tương tự. Nếu học sinh, sinh viên muốn sử dụng ChatGPT, và thực tế là giáo viên khó có thể cấm được điều này, thì thầy cô phải tìm cách hướng dẫn các em cách sử dụng ChatGPT sao cho hiệu quả và không mang tính gian lận.

“Giáo viên không còn là người gác cổng tri thức, mà là người hỗ trợ học sinh thu nạp tri thức”, GS David Smith nhận định.

Khởi đầu mới

ChatGPT giúp người học phát hiện điểm yếu trong suy nghĩ.

ChatGPT giúp người học phát hiện điểm yếu trong suy nghĩ.

Không chỉ trong quy mô trường học, nhiều quốc gia cũng có cách tiếp cận nới lỏng với ChatGPT. Singapore là một ví dụ.

Bộ Giáo dục nước này cho biết sẽ coi ChatGPT là công cụ học tập thay vì cấm đoán. Bộ sẽ hướng dẫn giáo viên các trường phổ thông, giảng viên học viện giáo dục, trường đại học cách sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT để nâng cao chất lượng học tập. Ngoài ra, Bộ Giáo dục sẽ xây dựng các nhóm thảo luận chuyên nghiệp giữa các nhà giáo dục để khám phá cách sử dụng AI.

Động thái trên được nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên nước này ủng hộ. PGS Brian Lee, giảng viên Chương trình Truyền thông tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS), cho biết ChatGPT có thể cung cấp cho giáo viên các tài liệu tham khảo theo cách hệ thống, chắt lọc hơn trước đây. Từ đó, giáo viên có thể tiết kiệm thời gian nghiên cứu và tìm kiếm tài liệu.

“Tôi tin rằng, công cụ này có thể giúp xây dựng ‘lớp học đảo ngược’, trong đó học sinh, sinh viên phải thảo luận về các chủ đề bài học thay vì nhồi nhét kiến thức”, PGS Brian Lee chia sẻ.

Các công ty công nghệ giáo dục ngôn ngữ như Duolingo và Quizlet gần đây đã tích hợp ChatGPT trong ứng dụng của họ để người học có thể đặt câu hỏi về vấn đề ngôn ngữ. Siêu trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ họ giải đáp các thắc mắc này.

Tuy nhiên, các học giả trên thế giới thừa nhận rằng ứng dụng ChatGPT vào trong học tập sẽ không đem lại hiệu quả ngay lập tức. Nhiều học sinh lười biếng, dễ bị tác động bởi công nghệ vẫn chưa thể tách bạch giữa việc tham khảo thông tin và sao chép thông tin trên ChatGPT. Không ít người vẫn sử dụng công cụ này để gian lận.

Nhưng nhìn chung, các học giả không sốt sắng trước vấn đề này như ban đầu. Gian lận không phải vấn đề mới. Các trường học luôn trang bị máy tính và Internet nên người học có thể dễ dàng truy cập vào Google, Wikipedia hay các trang web rao bán tiểu luận... ChatGPT chỉ là một phần trong số đó.

Vì vậy, điều này đặt ra bài toán cho người dạy là đi tìm giải pháp để vừa ứng dụng vừa kiểm soát ChatGPT có hiệu quả.

“Đó có thể là sự chung tay, vào cuộc của chính phủ, chính quyền trung ương, văn phòng giáo dục hay ban giám hiệu các nhà trường. Tuy nhiên, ChatGPT chắc chắn không phải dấu chấm hết của giáo dục, mà là một khởi đầu mới”, ông Will Douglas Heaven bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.