Báo động Tình trạng lạm dụng chất gây nghiện
Hiện nay trên toàn thế giới có hơn 255 triệu người phụ thuộc vào chất gây nghiện. Mỗi ngày người nghiện đều phải vật vã tìm đến “cái chết trắng” để có cuộc sống sinh hoạt bình thường. Riêng tại Việt Nam, hơn 210.000 hồ sơ nghiện ma túy đang được các cấp chính quyền quản lý. Trong số đó, khoảng 70% người nghiện dưới 35 tuổi, 85% người nghiện từng có tiền án, tiền sự. Quy mô buôn bán, sản xuất, vận chuyển ma túy ngày càng lớn, đặc biệt là việc mua bán và sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Đi tìm Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân mang tính chất quyết định dẫn tới tình trạng thanh thiếu niên nghiện ma túy. Vì độ tuổi còn khá trẻ nên người sử dụng ma túy thường không có nhiều hiểu biết, dẫn đến việc bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ dùng thử ma túy. Sau đó vì tính lệ thuộc mà nhiều trường hợp bước chân vào con đường sử dụng chất gây nghiện.
Bên cạnh đó, lứa tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn có nhiều sự thay đổi về mặt tâm sinh lý, sự thiếu hiểu biết về ma túy cộng với tính hiếu kỳ, tò mò, thích chơi trội thể hiện mình ở các nhà hàng, vũ trường dẫn tới tự nguyện sử dụng ma túy rồi trở thành người nghiện. Ngoài ra, gia đình không hạnh phúc cũng là một trong những nguyên nhân khiến con cái sa vào “cái chết trắng”. Mâu thẫn gia đình (bố mẹ ly dị, ly thân) khiến nhiều người thấy thiếu thốn sự quan tâm, dẫn đến buồn chán, bỏ học và bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường hút chích ma túy, dần dần những đối tượng này dễ lâm vào con đường vận chuyển trái phép các chất ma túy.
Hệ quả nghiêm trọng
Bản thân người nghiện khi không còn khả năng kiểm soát hành vi và phụ thuộc vào ma túy rất dễ dẫn tới các hành vi phạm tội. Nhiều người để có tiền thỏa mãn cơn nghiện đã giết người cướp của, bản thân phải vào tù, gia đình thiếu thốn vật chất, tình cảm gia đình chia lìa, con cái có thể bị đẩy vào con đường lang thang, dễ bị lạm dụng hoặc đi vào vết xe đổ của cha hoặc mẹ.
Bên cạnh đó, sức khỏe suy giảm là một trong những mối lo ngại hàng đầu với người nghiện. Đa số người nghiện bị suy sụp sức khỏe, giảm trí nhớ, có vấn đề về thần kinh, mất hoặc giảm khả năng lao động và nguy hiểm nhất là mắc các bệnh lây nhiễm như HIV/AIDS. Lúc này, việc nghiện không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người sử dụng mà còn có khả năng lây lan bệnh sang người khác, gây ảnh hưởng lớn tới những người xung quanh.
Ma túy không chỉ hủy hoại lý trí, tâm hồn và thể xác, mà còn hủy hoại tương lai, sự nghiệp và hạnh phúc của mỗi cá nhân cũng như gia đình người nghiện… Để ngăn chặn tình trạng người trẻ sa vào con đường nghiện ngập ma túy, luôn cần sự chung tay, góp sức của các tổ chức đoàn thể, nhà trường, gia đình. Đặc biệt, chính mỗi gia đình hãy lắng nghe thế hệ trẻ để xây dựng cho họ một môi trường sống an toàn và lành mạnh nhất.