Chắp cánh ước mơ sáng tạo

GD&TĐ - Đó chỉ là những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chưa phải là những nhà nghiên cứu khoa học, nhưng những sáng tạo của các em đã được ghi nhận và đoạt giải trong các cuộc thi cấp tỉnh và cấp quốc gia. 

Chắp cánh ước mơ sáng tạo

Phong trào phát huy ý tưởng sáng tạo ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường trên địa bàn và càng có ý nghĩa hơn đối với một tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn, trong đó có cả lĩnh vực GD&ĐT, như Lào Cai.

Ý tưởng xuất phát từ thực tiễn

Cách đây hơn 3 năm, tôi có dịp về thăm Trường THPT số 1 Bảo Yên, cũng là thời điểm thầy và trò nhà trường lần đầu tiên được đón nhận niềm vui đặc biệt là có học sinh đoạt giải trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng lần thứ 7 năm 2011 - 2012. 

Năm 2015 này, niềm vui được nhân lên khi trong “bộ sưu tập” giải thưởng của trường có thêm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Khuyến khích cấp tỉnh và 1 giải Ba, 2 giải Khuyến khích cấp Quốc gia. 

Đó là sản phẩm “Máy nạo vét cống đa năng” của nhóm học sinh Hoàng Trung Hiếu, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Gia Tân và sản phẩm “Máy lau sàn đa năng” của nhóm học sinh Lại Thế Duy, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Khánh Linh.

Trò chuyện với tôi, em Hoàng Trung Hiếu chia sẻ: Ý tưởng sáng chế “Máy nạo vét cống đa năng” của các em xuất phát từ một lần đi học về giữa trưa nắng gắt, thấy cảnh các cô chú công nhân phải lao động rất vất vả, xúc từng xẻng bùn dưới cống lên để khơi thông đoạn cống bị tắc. 

Trong cuộc thi ý tưởng sáng tạo do nhà trường phát động, ý tưởng chế tạo chiếc máy nạo vét cống đa năng của nhóm được thầy, cô giáo trong trường ủng hộ. Tuy nhiên, để làm được sản phẩm này, thầy và trò phải mất gần 1 tháng.

Thầy Hoàng Trung Kiên - Giáo viên môn Công nghệ, Bí thư Đoàn trường, người trực tiếp hướng dẫn cả nhóm biến ý tưởng thành hiện thực - bổ sung: 

“Các chi tiết trong sản phẩm này hầu hết không có sẵn mà phải chế tạo mới hoàn toàn. Khó nhất là khi làm 28 chiếc gầu xúc, 4 thầy, trò phải cùng nhau tìm vật liệu, cắt sắt, hàn ghép… mất đúng 18 ngày mới xong. 

Các em học sinh có ý tưởng hay, nhưng thiếu một số kỹ năng chế tạo, nên mất nhiều thời gian. Qua công việc, các em học được nhiều điều và tình cảm thầy, trò càng thêm gắn bó”.

Từ năm học 2011 - 2012 đến nay, trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng, các học sinh Trường THPT số 1 Bảo Yên đã đoạt được 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba cấp tỉnh và 1 giải Nhất, 2 giải Ba, 2 giải Khuyến khích toàn quốc. 

Đặc biệt, có sản phẩm “Máy xử lý rác thông minh” của nhóm học sinh: Đỗ Thanh Tùng, Nguyễn Trọng Hiếu, Nguyễn Văn Long đã đoạt Huy chương Bạc tại Triển lãm Quốc tế về sáng tạo Khoa học kỹ thuật - công nghệ trẻ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, trong cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học toàn quốc, năm học vừa qua, trường cũng đoạt 1 giải Ba toàn cuộc và 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba, 2 giải Khuyến khích ở các lĩnh vực. Kết quả đó đã giúp nhà trường trở thành “lá cờ đầu” toàn tỉnh về phong trào phát huy ý tưởng sáng tạo của học sinh.

Thành công đến từ đam mê

Đó thật sự là những thành tích đáng nể đối với không chỉ ngành GD&ĐT Lào Cai - một tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn hiện nay. 

Nhưng điều đặc biệt hơn, những thành tích nghiên cứu khoa học của thầy và trò Trường THPT số 1 Bảo Yên lại không phải là hiếm hoi ở Lào Cai. 

Ngay tại huyện Bảo Thắng, chúng tôi cũng ghi nhận được những thành tích rất đáng tự hào trong nghiên cứu khoa học của thầy và trò Trường THPT số 3 Bảo Thắng. 

Theo kết quả mới công bố của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng tỉnh Lào Cai lần thứ IX - năm 2014, Trường THPT số 3 Bảo Thắng có 1 sản phẩm đoạt giải Nhất, 1 sản phẩm đoạt giải Nhì cấp tỉnh. 

Thêm một niềm vui nữa đến với nhà trường là tại Cuộc thi Sáng tạo thanh - thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 11 (năm 2014 - 2015), “Mô hình tự động cảnh báo nguy hiểm tại đập tràn” của hai học sinh Nguyễn Văn Quyết - Trần Trung Hiếu đã đoạt giả Ba toàn quốc. 

Có lẽ, thành tích đó chưa được “dày dặn” như Trường THPT số 1 Bảo Yên, nhưng đây năm đầu tiên nhà trường có sản phẩm dự thi và đoạt giải cao.

Em Bùi Phong Trần, lớp 11A1 tự tin giới thiệu cho tôi về sản phẩm “Thiết bị cảnh báo khói thuốc và đưa ra thông điệp bằng âm thanh tích hợp trong bộ đèn bàn”, sản phẩm được đánh giá cao và giành giải Nhất lĩnh vực Sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Trần thấy hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe người hút và những người xung quanh nhưng hiện nay, trong gia đình em và ngay cả ở nhiều trường học vẫn còn khói thuốc lá. 

Nếu có một chiếc máy thay thế người thân thường xuyên nhắc nhở người nghiện thuốc lá để họ dần dần bỏ thuốc lá thì thật tốt. Trần cho biết: 

“Trước đó, nhóm chúng em đã sáng tạo một sản phẩm khác để dự thi là “Thiết bị báo, chữa cháy đa năng”, nên có thể tách riêng phần thiết bị cảnh báo khói để làm thành sản phẩm mới này. 

Khi chiếc đèn bàn được bật lên, nếu có khói thuốc lá, thiết bị cảm biến sẽ tiếp nhận và chiếc máy sẽ đưa ra lời cảnh báo đã được ghi âm sẵn. 

Ví dụ: Đấy! Bố lại hút thuốc lá rồi. Bố đã hứa với chúng con là sẽ bỏ thuốc cơ mà. Bố hãy dập thuốc lá đi!. Thiết bị này cũng có thể sử dụng tốt ở nơi công cộng như nhà ga, bến xe, công viên, trường học… với việc ghi âm lời cảnh báo phù hợp, giúp người nghiện bỏ dần thuốc lá”.

Điều khá đặc biệt là người hướng dẫn em Trần và nhóm học sinh hoàn thiện cả 2 sản phẩm không phải là giáo viên Công nghệ, Vật lý, Hóa học… mà là một giáo viên dạy môn Ngữ văn - thầy Phạm Thanh Dương.

Thầy Dương tâm sự: “Mình là giáo viên Văn, nhưng lại đam mê sáng tạo, thích tìm hiểu về các loại máy móc. Mình chỉ hướng dẫn các em chế tạo mạch điện bởi đó là phần khó nhất, còn những phần khác các em tự mày mò, vận dụng kiến thức đã học để làm. 

Để hoàn thiện cả 2 sản phẩm, 4 thầy, trò mất hơn 2 tháng. Công việc vất vả nhưng rất vui, không ngờ cả hai sản phẩm lần đầu tiên dự thi đều đoạt giải cao...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.