Chắp cánh cho tiếng Việt bay xa

GD&TĐ - Dẫu khó khăn về khoảng cách địa lý, công việc nhưng nhiều người Việt ở nước ngoài vẫn đau đáu muốn gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ cháu con.

Chị Phạm Thị Tuyết, thông dịch viên người Việt Nam sống ở Tiểu bang Sabah, Malaysia tham gia buổi tập huấn. Ảnh: Ngô Chuyên
Chị Phạm Thị Tuyết, thông dịch viên người Việt Nam sống ở Tiểu bang Sabah, Malaysia tham gia buổi tập huấn. Ảnh: Ngô Chuyên

Mở lớp dạy trực tuyến hoặc hỗ trợ phiên dịch, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài khi họ có nhu cầu học là cách được không ít người lựa chọn để giữ gìn và lan tỏa tiếng mẹ đẻ.

Lớp học Líu lo cho người yêu tiếng Việt

Sau khi cùng chồng sang Nhật Bản sinh sống, cô Phạm Phi Hải Yến, (giảng viên môn Việt Nam ngôn ngữ và Văn hóa, Trường CĐ Tổng hợp về trẻ em TP Kobe, tỉnh Hyogo, Nhật Bản) lo lắng con đi học sẽ không hiểu được tiếng Nhật; không thể giao tiếp với bạn bè, thầy cô. Thời gian đầu, cô Yến tập trung dạy tiếng Nhật và đọc sách cho con nghe.

Khi con lên 4 tuổi, trong quá trình giao tiếp hằng ngày với bố mẹ, cô Yến phát hiện con chỉ nói tiếng Nhật, không sử dụng tiếng Việt. “Lúc đó, mình nhận thấy cứ kéo dài như vậy con sẽ mất hết gốc nên quyết định dạy cho con tiếng Việt, để luôn nhớ về cội nguồn, văn hóa dân tộc”, cô Yến chia sẻ.

Cô cũng nhận ra tại khu vực mình sinh sống có nhiều gia đình là người Việt Nam nhưng trẻ nhỏ đều sử dụng ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Nhật, khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ rất hạn chế. Trước thực tế đó, cô đã tổ chức lớp học tiếng Việt bằng hình trực tuyến với tên gọi Líu lo, mỗi tuần 2 buổi.

“Cộng đồng người Việt ở Nhật Bản trải dài ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau nên việc tổ chức lớp học trực tiếp khiến nhiều học sinh ở xa không thể tham gia sẽ thiệt thòi. Do đó, tôi quyết định mở lớp trực tuyến để ai có nhu cầu và yêu tiếng Việt đều được vào học”, cô Yến chia sẻ.

Lớp học có 30 em đến từ khu vực khác nhau ở Nhật Bản. Để dạy học hiệu quả, cô Yến phân học sinh thành hai nhóm. Nhóm 1 là những em chưa biết tiếng Việt. Nhóm 2 gồm trẻ biết nói và giao tiếp tiếng mẹ đẻ ở mức cơ bản.

Đối với nhóm chưa biết tiếng Việt, cô sẽ sử dụng tiếng Nhật để giới thiệu cho các em về văn hóa, đất nước Việt Nam; chuẩn bị cho học sinh những kiến thức, hiểu biết cơ bản nhất. “Các em hiểu về cội nguồn của mình sẽ kích thích được tính tò mò, muốn tìm hiểu như vậy sẽ có tâm thế sẵn sàng học, đón nhận kiến thức nhẹ nhàng, thoải mái và không bị áp lực hay cảm thấy khó khăn trong quá trình học”, cô Yến nói.

Đối với học sinh có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, nữ nhà giáo chia môn học thành bốn kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. “Tôi dạy về cách viết, ghép vần để tập đọc. Trong quá trình học sẽ lựa chọn những nội dung phù hợp với năng lực nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh”, cô Yến chia sẻ cho thông tin thêm: Học sinh khi đi học có tâm lý muốn nói về những điều bản thân biết và thích. Vì vậy trước mỗi buổi học, cô dành thời gian để cả lớp cùng nhau chia sẻ những hiểu biết về chủ đề học hôm đó, đồng thời so sánh sự khác nhau giữa hai quốc gia Nhật Bản và Việt Nam.

“Kết hợp như vậy, các em sẽ hăng say phát biểu ý kiến. Đối với những nội dung khó, tôi cho phép các em dùng tiếng Nhật để nói. Nhờ vậy, học sinh của lớp Líu lo sau 4 tháng có thể nói được tiếng Việt trôi chảy”, cô Yến nói.

Cô Phạm Phi Hải Yến chia sẻ về cách dạy tiếng Việt của mình ở Nhật Bản. Ảnh: Ngô Chuyên

Cô Phạm Phi Hải Yến chia sẻ về cách dạy tiếng Việt của mình ở Nhật Bản. Ảnh: Ngô Chuyên

Lan tỏa tiếng Việt với bạn bè quốc tế

Chị Phạm Thị Tuyết là thông dịch viên người Việt Nam sống ở Tiểu bang Sabah, Malaysia. Tiểu bang Sabah dù nhỏ, có ít người Việt Nam sinh sống nhưng nhu cầu học tiếng Việt của những người dân, đặc biệt là công chức trong ngành Tòa án và Cảnh sát biển rất lớn. Bởi công việc của họ phải tiếp xúc và làm việc với nhiều người Việt Nam nên việc hiểu và giao tiếp được tiếng Việt là cần thiết.

Chị Tuyết kể lại: “Lần đầu tiên, tôi hỗ trợ phiên dịch tiếng Việt sang tiếng Malaysia cho Cảnh sát biển là khi tàu cá của ngư dân đi lạc vào vùng biển của Malaysia. Quá trình đó, bản thân cũng hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân làm các thủ tục pháp lý. Nhiều lần như vậy, Cảnh sát biển nước bạn đặt vấn đề muốn mình dạy tiếng Việt và con đường mình giới thiệu tiếng Việt ra bạn bè quốc tế bắt đầu từ đó”.

Một lý do nữa mà chị Tuyết muốn dạy tiếng Việt khi chồng chị là người gốc Hoa nhưng rất thích học tiếng Việt. Do đó, trong giao tiếp hằng ngày hay mỗi khi có thời gian rảnh, chị lại thu xếp để cả nhà cùng học. “Tôi muốn các thành viên trong gia đìn h hiểu dù đi đâu, sống ở đâu nhưng tiếng mẹ đẻ là sợi dây giữ hồn quê hương, cội nguồn trong mỗi con người”, chị Tuyết tâm niệm.

Trước những nhu cầu thực tế, khi Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia đăng lên nhóm cộng đồng người Việt về khóa tập huấn dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, chị Tuyết mạnh dạn đăng ký tham dự để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng giảng dạy tiếng Việt tốt hơn. “Bản thân cũng dự định mở lớp học tiếng Việt miễn phí cho những ai muốn học ở tiểu bang mình đang sinh sống, do đó những khóa tập huấn như thế này sẽ đem lại nhiều lợi ích”, chị Tuyết nói.

“Ở Nhật, chúng ta có khoảng 20 nghìn “tài nguyên” học tiếng Việt. Trước nhu cầu lớn như vậy, tôi mong rằng khi tham gia khóa tập huấn dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài sẽ không chỉ được nâng cao kỹ năng sư phạm, kiến thức ngôn ngữ, nắm bắt tư tưởng, chính sách của Nhà nước... mà còn được kết nối thêm với những người có cùng tâm nguyện được dạy tiếng Việt, tuyên truyền văn hóa, ngôn ngữ của Việt Nam đến với trẻ em kiều bào để hiểu hơn về cội nguồn của mình”, cô Phạm Phi Hải Yến tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ