Chàng trai tuổi 20 giành giải Nhất thi “Sinh viên khởi nghiệp”

GD&TĐ - Sau 6 tháng thực hiện, với sự hỗ trợ của thầy cô, ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động” của sinh viên Lê Ngọc Bích (Trường ĐH Hồng Đức) đã giành giải Nhất tại cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp”.

Lê Ngọc Bích giành giải Nhất cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” của Trường Đại học Hồng Đức năm 2021.
Lê Ngọc Bích giành giải Nhất cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” của Trường Đại học Hồng Đức năm 2021.

Vượt qua nhiều ý tưởng, đoạt giải Nhất chung cuộc

Ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động” của chàng sinh viên Lê Ngọc Bích (20 tuổi) vừa đoạt giải Nhất tại cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” của Trường ĐH Hồng Đức, được tổ chức hồi đầu tháng 11 vừa qua.

Bích là sinh viên năm thứ 3, lớp K22, Đại học Kỹ thuật Điện, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa).

Cảm xúc vẫn còn phấn chấn, nam sinh chia sẻ: “Đây là lần đầu em tham dự cuộc thi, em cũng không ngờ ý tưởng của mình lại được ban giám khảo đánh giá cao. Đến bây giờ, em vẫn cảm thấy sung sướng bởi ý tưởng của mình đã được mọi người đón nhận”.

Bích cho biết, lúc đầu muốn dành ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động” để làm đề tài nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, được thầy cô và bạn bè động viên, em đã mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi.

Là sinh viên ngành kỹ thuật, Lê Ngọc Bích thường xuyên được tiếp xúc với nhiều loại máy móc, công nghệ. Khi nhận thấy các loại máy lột vỏ trứng chim cút hiện nay tồn tại nhiều hạn chế, Bích đã nảy sinh ý tưởng sáng chế loại máy mang “thương hiệu” của mình.

Lê Ngọc Bích cảm thấy hạnh phúc vì ý tưởng máy lột vỏ trứng chim cút tự động được ban giám khảo đánh giá cao.
Lê Ngọc Bích cảm thấy hạnh phúc vì ý tưởng máy lột vỏ trứng chim cút tự động được ban giám khảo đánh giá cao.

“Em muốn chế tạo ra loại máy lột vỏ trứng chim cút có thể khắc phục hạn chế của các loại máy cũ. Đồng thời, làm tăng năng suất và giảm thiểu chi phí sản xuất, thời gian… Đặc biệt, em muốn đưa công nghệ tự động hóa đến gần hơn với người tiêu dùng”, Bích chia sẻ.

Vừa nảy ý tưởng, nam sinh đã bắt tay vào nghiên cứu, với mong muốn hiện thực hóa ý tưởng thật nhanh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chàng sinh viên lại vấp phải không ít những khó khăn.

“Khó khăn lớn nhất khi thực hiện ý tưởng là tìm hiểu thị trường, cách tiếp cận và khả năng thống kê các thông số… Thật may là em được các thầy, cô Khoa Quản trị kinh doanh của trường hỗ trợ kịp thời”, nam sinh bộc bạch.

Sau 6 tháng triển khai, chàng trai Lê Ngọc Bích đã hoàn thành được ý tưởng. Nam sinh cho biết, điểm khác biệt của chiếc máy lột vỏ trứng chim cút tự động là tiết kiệm gấp đôi thời gian so với cách làm thủ công.

Trung bình, trong một giờ có thể bóc được 100 – 200 trứng (tương đương với trọng lượng khoảng 5kg). Bên cạnh đó, chất lượng thành phẩm cũng được đảm bảo, ít bị dập, nát.

Ngoài ra, máy được trang bị hệ thống nước tuần hoàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không dính tạp chất. Vật liệu hoàn toàn bằng inox có khả năng chống gỉ sét, mối mọt.

Lê Ngọc Bích và người bạn cùng tiến Nguyễn Văn Đức.
Lê Ngọc Bích và người bạn cùng tiến Nguyễn Văn Đức.

Theo Lê Ngọc Bích, hiện ý tưởng đã được một số doanh nghiệp trẻ tại Thanh Hóa quan tâm. Đồng thời, có ngỏ ý muốn hỗ trợ để đưa sản phẩm ra thị trường. Thời gian dự kiến khoảng 3 tháng tới.

“Từ ý tưởng này, em muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng, hãy vươn lên đừng sợ thất bại. Bởi vì thành quả ngọt ngào đang chờ đón sau những thất bại, vấp ngã”, Bích nói.

Muốn mang điều tích cực đến gia đình, cộng đồng

Lê Ngọc Bích là con thứ hai trong gia đình ba chị em ở xã Thiệu Công (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Bố, mẹ nam sinh làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình cũng không mấy khá giả.

Trước khi quyết định theo học ngành Kỹ thuật – Công nghệ, Bích từng xét tuyển vào trường Quân đội nhưng không đỗ.

“Đến bây giờ, sau ba năm theo học tại Đại học Hồng Đức, em cảm thấy sự lựa chọn này là đúng đắn. Những năm qua, em được thầy, cô và bạn bè hỗ trợ rất nhiều”, Bích tâm sự.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, Bích cho biết trước mắt sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt chương trình đại học. Sau khi tốt nghiệp, em muốn nộp hồ sơ làm việc tại các khu kinh tế để học hỏi kinh nghiệm, trau dồi thêm kỹ năng.

“Trong tương lai, em muốn thành lập một doanh nghiệp nhỏ ở quê nhà. Có thể giúp đỡ gia đình và mang đến những điều tốt đẹp, ý nghĩa cho cộng đồng”, Ngọc Bích chia sẻ.

Hình ảnh 3D mô phỏng máy lột vỏ trứng chim cút tự động của Lê Ngọc Bích.
Hình ảnh 3D mô phỏng máy lột vỏ trứng chim cút tự động của Lê Ngọc Bích.

Thầy Lê Đức Đạt – Bí thư Đoàn Thanh niên, Trường ĐH Hồng Đức, cho biết cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” là hoạt động thường niên của nhà trường. Cuộc thi có sự đồng hành của Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa.

Theo thầy Đạt, cuộc thi năm nay thu hút khoảng 200 sinh viên dự thi. Đáng chú ý, ngoài những ý tưởng của sinh viên khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật – Công nghệ còn có ý tưởng của sinh viên khối ngành Khoa học Xã hội.

Theo thể lệ, mỗi ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên phải trải qua 2 vòng, và chỉ có 7 ý tưởng tốt nhất được chọn để tham dự vòng chung kết. Ban giám khảo cuộc thi gồm lãnh đạo trường và những doanh nhân trẻ tiêu biểu tại Thanh Hóa.

Về cơ cấu giải thưởng, mỗi sinh viên đoạt giải sẽ được nhận Bằng khen và phần thưởng khích lệ tương ứng. Trong đó, giải Nhất là 5 triệu đồng, Nhì: 3 triệu đồng và giải Ba là 2 triệu đồng. 

Lê Ngọc Bích (áo màu kem) trong một buổi học tại lớp.
Lê Ngọc Bích (áo màu kem) trong một buổi học tại lớp.

“Ý nghĩa của cuộc thì là nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đồng thời tìm kiếm những ý tưởng xuất sắc để tham dự các cuộc thi có quy mô lớn hơn. Đặc biệt, với những ý tưởng có tiềm năng phát triển, các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ, thậm chí rót vốn đầu tư”, thầy Đạt nói.

Theo thầy Đạt, ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động” của sinh viên Lê Ngọc Bích đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc. Bích hiện cũng là Ủy viên BCH Hội sinh viên Trường ĐH Hồng Đức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ