Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp: Trải nghiệm lao động, học hỏi kỹ năng

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai Đề án 1665 của Chính phủ về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, hàng nghìn ý tưởng của SV được hình thành, không ít trong đó đã vượt ra khỏi cánh cổng nhà trường để đi vào thực tiễn.

Đề án 1665 của Chính phủ đã tạo động lực cho sinh viên khởi nghiệp. Ảnh: ITN
Đề án 1665 của Chính phủ đã tạo động lực cho sinh viên khởi nghiệp. Ảnh: ITN

Để dự án đi vào cuộc sống

5 sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với đam mê khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đem kiến thức được học và nghiên cứu ở nhà trường để bắt tay thiết kế xây dựng các thiết bị học tập ứng dụng công nghệ cao cho học sinh phổ thông. Dự án mang tên Hệ sinh thái giáo dục STEM.

Sau một năm hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, đến nay, nhóm đã thành lập được công ty riêng mang tên Công ty Cổ phần phát triển giáo dục toàn cầu BKTech với quy mô nhân sự lên tới 43 người. Dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn trang bị cho các bạn sinh viên kỹ năng, tạo hành trang lập nghiệp trong tương lai.

Dương Thế Long - thành viên của nhóm, đồng thời là Giám đốc kỹ thuật công ty chia sẻ: Quá trình thực hiện dự án, không chỉ được các thầy, cô trong trường tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn, thời gian, kinh phí, nhóm còn được nhà trường kết nối gặp gỡ, tiếp xúc với một số doanh nghiệp để biết được quy trình khởi nghiệp, tìm kiếm nhà đầu tư. Sau quá trình khởi nghiệp, em thấy mình trưởng thành hơn.

Dự án “Nước rửa chén Sapowash” của nhóm sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi hướng đến những khách hàng sống xanh, thân thiện với môi trường. Để thực hiện dự án này, nhóm đã tìm hiểu các kiến thức công nghệ mới nhất, liên tục cải tiến sản phẩm, phát triển theo chiều sâu.

Trưởng nhóm Nguyễn Thị Thúy Hòa cho biết: Sau thời gian nghiên cứu, phát triển sản phẩm, nhóm Organic Lab đã hoàn thiện sản phẩm Nước rửa chén Sapowash và đưa ra thị trường với giá bán: 79.000 đồng/chai 500ml. Trong tương lai, dự án sẽ tăng quy mô và tự động hóa ở các khâu sản xuất; xây dựng các kênh phân phối hàng hóa và phát triển mở rộng thị trường.

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), sau 3 năm triển khai, Đề án 1665 đã đạt được nhiều kết quả, nổi bật là 3 lần tổ chức ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên.

Điểm nhấn của ngày hội là cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Qua mỗi năm tổ chức, sức hút của cuộc thi tăng lên mạnh mẽ. Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên tổ chức mới đây, cuộc thi đã nhận được hơn 600 ý tưởng, dự án của các bạn trẻ, là môi trường quan trọng để kết nối 3 nhà: Nhà nước -nhà trường - nhà doanh nghiệp.

Dự án Hệ sinh thái giáo dục STEM của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG
Dự án Hệ sinh thái giáo dục STEM của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG

Bài học quý về kinh nghiệm, kỹ năng

Ông Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho rằng: Hỗ trợ khởi nghiệp đã tạo động lực lớn cho sinh viên, đồng thời nâng hiệu quả đào tạo của trường. Song, để thúc đẩy tinh thần sáng tạo, phải tạo cho sinh viên có tinh thần, khát vọng khởi nghiệp, từ đó có tư duy đổi mới, tạo ra được những dự án khởi nghiệp khả thi. Đặc biệt, phải có những quy định cụ thể nhằm huy động được các nguồn lực hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Theo ông Bùi Văn Linh, để tạo hành lang pháp lý, Bộ GD&ĐT đang xây dựng và hoàn thiện Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Thông tư quy định cụ thể nội dung, hình thức, biện pháp, nguồn lực triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, các nội dung phối hợp, hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, nhằm thúc đẩy sự quan tâm vào cuộc và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của HSSV đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với sinh viên các cơ sở đào tạo, về mặt tổng quan có thể nhận thấy, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay, việc xây dựng và hình thành chuẩn đầu ra đối với học sinh, sinh viên này càng được coi trọng. Chuẩn đầu ra về kiến thức đã được các nhà trường quan tâm triển khai đánh giá thông qua hệ thống khảo thí kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, cũng với kiến thức, chuẩn đầu ra đối với kỹ năng và thái độ làm việc được thị trường lao động và các doanh nghiệp quan tâm.

Tuy nhiên, công tác này đối với học sinh, sinh viên mới chỉ có hình thức đánh giá thông qua các môn học chính khóa về kỹ năng tiếp nhận kiến thức và không có nội dung, chương trình thống nhất, không có chuẩn để đánh giá, đo lường và không có sự tham gia phối hợp đánh giá của doanh nghiệp ngay từ quá trình học. Do đó, đa phần sinh viên không đạt yêu cầu về kỹ năng, thái độ dẫn đến tình trạng không đáp ứng được yêu cầu của công việc khi ra trường.

Từ thực tế trên đòi hỏi nhà trường ngoài trang bị kiến thức cần có hình thức bổ sung kỹ năng, thái độ làm việc cho người học phù hợp. Mô hình nhà trường - doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng giáo trình, giảng dạy, tăng cường thực hành tại doanh nghiệp và thúc đẩy, tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm thông qua dự án khởi nghiệp cần đều tay hơn nữa.

Sinh viên để có thể tự tin hội nhập với môi trường làm việc cần chủ động học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, kỹ năng. Bởi chỉ có thái độ làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng ứng phó tình huống tốt mới có thể bám trụ và thích ứng với áp lực công việc và yêu cầu ngày càng cao của đơn vị sử dụng lao động.

Bộ GD&ĐT sẽ luôn tạo điều kiện để các bạn sinh viên có môi trường học tập tốt, có việc làm phù hợp và thắp sáng ngọn lửa khởi nghiệp bằng những chính sách hữu hiệu, thiết thực, giúp sinh viên có cơ hội khởi nghiệp thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ