Chàng trai Quảng Ngãi giành học bổng du học Ấn Độ sau 1 năm luyện tiếng Anh

GD&TĐ - Chàng trai quê Quảng Ngãi - Lê Quang Vinh năm nay 20 tuổi, vừa nhận được tin vui giành được học bổng 100% học phí và 50% ký túc xá ngành Quản trị Kinh doanh của ĐH Bách khoa Punjab - Ấn Độ. Đây là thành quả của việc tự chọn cho mình một con đường riêng sau khi tốt nghiệp THPT của Quang Vinh.

Lê Quang Vinh - Chàng trai Quảng Ngãi giành học bổng du học Ấn Độ sau 1 năm luyện tiếng Anh
Lê Quang Vinh - Chàng trai Quảng Ngãi giành học bổng du học Ấn Độ sau 1 năm luyện tiếng Anh

Chia sẻ về lựa chọn sau tốt nghiệp THPT, Vinh cho biết:

- Sau kỳ thi THPT quốc gia và kỳ tuyển sinh ĐH, em rất may mắn gặp được cô giáo chuyên luyện tiếng Anh nổi tiếng Đào Thị Hằng. Cô giáo đã truyền cảm hứng cho em rất nhiều và em quyết định dành 1 năm để học tiếng Anh và phát triển bản thân tại làng Hama.

Học bổng của trường đại học Punjab này cũng là cô Hằng giới thiệu và hỗ trợ em apply. Em chọn nghành Quản trị Kinh doanh vì bản thân em rất hứng thú với việc kinh doanh, mong muốn được tiếp xúc và học hỏi thêm nhiều kiến thức mới.

* Người thân của bạn đón nhận tin bạn giành học bổng du học Ấn Độ như thế nào?

- Ba mẹ khi nghe em báo tin sẽ đi Ấn học 3 năm thì tỏ ra lo lắng vì khoảng thời gian 3 năm là khá lâu, rồi sợ em ăn uống không quen, đau ốm không có người thân bên cạnh. Bạn bè thì cũng có người trêu chọc. Nhưng em đã quyết tâm rồi, nên em thuyết phục ba mẹ và giải thích cho bạn bè hiểu những dự định của mình.

* Du học Ấn Độ hiện đã có “thương hiệu” trên thế giới bởi nền giáo dục có chất lượng quốc tế mà chi phí thấp. Tuy nhiên, không ít du học sinh e ngại bởi sự cách biệt về văn hóa (ăn uống, trang phục, lễ nghi tín ngưỡng...) Quang Vinh có tìm hiểu điều này không và bạn định vượt qua khó khăn này như thế nào?

- Về sự khác biệt văn hóa như cách ăn uống, trang phục, lễ nghi tín ngưỡng của người Ấn thì em cũng đã tìm hiểu và chuẩn bị sẵn tâm lý. Em sẽ cố gắng học thật tốt, bên cạnh đó thì em sẽ dành thời gian để tham gia vào các hoạt động của trường để có thể hòa nhập với mọi người.

Lê Quang Vinh và các bạn ở làng Hama
Lê Quang Vinh và các bạn ở làng Hama

* Một số du học sinh e ngại nếu du học ở Ấn Độ thì tiếng Anh của họ sẽ giống như người Ấn chứ không chuẩn chỉ như ở Anh, Mỹ. Bạn có e ngại điều này không?

- Một số du học sinh e ngại nếu du học ở Ấn thì tiếng Anh của họ sẽ giống người Ấn và không hay bằng giọng Anh hay giọng Mỹ. Em thì không lo ngại về việc đó vì em biết mỗi vùng thì sẽ có một giọng khác nhau và mục đích trong giao tiếp là người ta nói mình hiểu và mình nói người ta hiểu.

* Bạn nghĩ sao về tính cạnh tranh của tấm bằng tại Ấn Độ với các quốc gia khác trong thị trường việc làm tại Việt Nam và trên thế giới?

- Về tính cạnh tranh của tấm bằng đại học ở Ấn với các nước như Canada hay Úc hay các nước châu Âu ở thị trường việc làm tại Việt Nam thì Ấn sẽ không bằng. Tuy nhiên, với một xã hội hiện nay thì tấm bằng không phải là tất cả, em sẽ cố gắng trang bị cho mình những kĩ năng thật tốt, cải thiện kĩ năng tiếng Anh của mình và xây dựng một kiến thức vững vàng để có nhiều cơ hội tìm được việc làm hơn.

* Bạn có dự định làm thêm khi học tại Ấn Độ?

- Về việc làm thêm khi đi học bên Ấn thì em mong muốn có được một công việc phù hợp với thời gian rảnh và ngành học của mình. Bên cạnh những kinh nghiệm đã học được khi đi làm thì em cũng có được một ít thu nhập để trang trải cho các khoản sinh hoạt của mình bên Ấn.

* Trong quá trình học tập, bạn có định có những chuyến đi khám phá, trải  nghiệm tại đất nước Ấn Độ không?

- Ngoài hứng thú với việc kinh doanh em cũng rất thích du lịch và khám phá. Em thích cảm giác được trải nghiệm và học hỏi. Em muốn tìm hiểu về cách sống của người Ấn cũng như việc học thiền hay yoga.

* Dự định của bạn sau khi học xong tại Ấn Độ sẽ là gì?

- Hiện em chưa có dự định gì lớn sau khi học xong tại Ấn Độ. Ngay bây giờ thì em rất háo hức chờ đến ngày đi học để trải nghiệm những điều đặc biệt bên đất nước Ấn Độ. Em muốn làm thật tốt việc học của mình, cảm nhận tất cả mọi thứ, còn chuyện tương lai thì cứ để nó diễn ra tự nhiên.

* Cảm ơn em về cuộc trao đổi!

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ