Tốt nghiệp đại học năm 24 tuổi, thay vì như bao người khác kiếm một công việc ổn định, lương cao và lập gia đình, Stephan Behringer (35 tuổi, người Đức) chọn mục tiêu nghe qua rất điên rồ: đặt chân đến 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nói được 10 ngôn ngữ trong vòng 10 năm.
Dòng hashtag luôn theo anh trong suốt hành trình vừa qua là #100countries10years (100 quốc gia trong 10 năm). Và mới đây, Việt Nam trở thành đất nước hoàn thành mục tiêu của Stephan Behringer. Đồng thời, anh cũng đã có thể nói hiểu 10 thứ tiếng một cách lưu loát.
Đối với Stephan, việc xê dịch đến nhiều vùng đất khác nhau là cách để anh hiểu hơn những giá trị văn hóa, giảm đi định kiến bản thân và khiến cho cuộc sống xung quanh tốt đẹp hơn.
Việt Nam - vùng đất thân thiện, an toàn
Ngồi trong quán nhỏ giữa lòng Sài Gòn, bên ngoài là cơn mưa rả rích, Stephan vẫn giấu được sự phấn khích với đất nước có con người và bề dày lịch sử cuốn hút. Khi được hỏi vì sao lại chọn Việt Nam cho điểm dừng chân đánh dấu cột mốc, Stephan cho biết cái tên Việt Nam đã ở trong tâm trí anh từ nhiều năm trước.
“Vài người bạn của tôi đã đến thăm Việt Nam, và khi trở về, họ kể cho tôi nghe những điều tích cực, tươi đẹp về đất nước này. Tôi quyết định đến đây và không hề thất vọng vì lựa chọn của mình. Mặc dù chỉ trải nghiệm hai tuần, tôi sẽ không bao giờ quên sự nhiệt tình, thân thiện của người dân”, Stephan nói.
Trước khi đến Việt Nam, Stephan hầu như chưa có khái niệm về tiếng Việt. Anh có vài người bạn Việt ở châu Âu, trong đó có một cô gái tên My mà anh gặp trên chuyến tàu ở Đức. Cô dạy cho anh ba từ tiếng Việt “Xin chào”, “Cảm ơn” và “Tạm biệt”, và mỗi khi gặp người Việt Nam, Stephan lại sử dụng ba từ này.
Stephan Behringer tại TP.HCM.
Stephan hiện chưa có kế hoạch học tiếng Việt vì cho rằng khoảng cách giữa Đức và Việt Nam khá xa, anh sẽ không có nhiều cơ hội để thực hành hàng ngày. “Tôi thấy tiếng Việt có ký tự chữ cái nên dễ học hơn ngôn ngữ khác như Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc phát âm rất quan trọng nên chắc cần nhiều thời gian nếu muốn học tiếng Việt”, anh nhận xét.
Đặt chân đến Việt Nam, mặc dù người dân không nói tiếng Anh nhiều, nhưng Stephan hầu như không gặp khó khăn gì trong việc giao tiếp. Anh thường thích thú với những cuộc trò chuyện ngắn với người lớn tuổi trên xe buýt, đường phố hoặc khi dùng bữa ăn.
Vài du khách nước ngoài khi đến Việt Nam cho biết họ nghe nhiều lời kể về sự thiếu an toàn, nhưng Stephan lại nghĩ khác Anh nói: “Tôi cảm thấy an toàn hơn bao giờ hết khi ở đất nước này. Tôi không thấy lo sợ như bao người khác”.
Stephan cho rằng Việt Nam là một quốc gia an toàn và thân thiện.
Tình trạng giao thông lộn xộn ở Việt Nam cũng trở thành đề tài thú vị đối với Stephan. Được người bạn tên Dũng couchsurfing (một dạng trao đổi nơi ở trên thế giới dành cho dân du lịch) chở đi chơi ở TP.HCM, Stephan tỏ ra phấn khích với những chiếc xe máy dày đặc. “Dũng nói với tôi rằng giao thông ở Việt Nam có một quy luật duy nhất, đó là không tuân theo luật nào cả!”, anh hài hước kể lại.
Ngày ăn 4 bữa hải sản, 2 chầu sinh tố
Stephan Behringer không ăn thịt, nhưng anh đã yêu ẩm thực Việt Nam. Trong suốt 2 tuần du lịch ở Việt Nam, đặt chân đến Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Mũi Né…, Stephan cho biết anh đã nghiện các món ngon.
“Người Việt Nam thật may mắn khi có những món hải sản, rau củ thật tươi ngon. Thế nên khi qua đây, tôi luôn tranh thủ ăn nhiều nhất có thể. Suốt 2 tuần lễ qua, mỗi ngày tôi đều ăn 4 chầu hải sản và 2 chầu sinh tốt. Chính tôi cũng không thể tin được”, Stephan khoe chiến tích ẩm thực của mình.
Món ăn anh thích nhất của Việt Nam là món hủ tiếu mực. Stephan thích món này đến nỗi anh đi bất cứ quán nào cũng hỏi có mực hoặc hủ tiếu mực hay không. Đối với Stephan, một phần tiếc nuối khi phải rời khỏi đây chính là chia tay thực đơn ăn uống phong phú của người Việt.
Hủ tiếu mực, món ăn ưa thích của Staphan.
Stephan cho biết anh sẽ trở lại Việt Nam trong năm nay hoặc năm sau để có thể khám phá nhiều hơn các vùng đất mới như Đà Lạt, Sa Pa, sông Mekong và đảo Phú Quốc. Anh cũng sẽ tiếp tục hành trình của mình tới những đất nước láng giềng như Lào, Campuchia.