Chàng trai bại liệt gieo hạt giống tâm hồn

Mồng 1 Tết 2014, Mai Tư Khoa (33 tuổi, ở đội 6, xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) viết vào cuốn nhật ký con số “15 năm 7 tháng 28 ngày”

Mai Tư Khoa với nụ cười lạc quan - Ảnh: Q.Anh
Mai Tư Khoa với nụ cười lạc quan - Ảnh: Q.Anh

 Đó là thời gian anh bị liệt phải nằm một chỗ trên giường, kể từ vụ tai nạn lao động do đá lở khi Khoa làm công nhân cho Nhà máy ximăng Cosevco 11.

Bị liệt nửa người, nhiều sinh hoạt cá nhân phải có cha mẹ giúp đỡ, nhưng với mong muốn sống một cuộc đời có ích nên Khoa có nguyện vọng sau khi qua đời được hiến tạng, hiến giác mạc và toàn bộ thân thể cho y học.

 Năm 2009, số phận nghiệt ngã, tinh thần vươn lên và tấm lòng của Mai Tư Khoa dành cho y học được đăng trên báo Tuổi Trẻ (Bài “Chút tình còn lại giữa đời”, ngày 30-5-2009) gây xúc động cho nhiều bạn đọc.

Khoa nhận được nhiều thư từ, thăm hỏi động viên về tinh thần của các bạn trẻ, bạn đọc từ mọi miền đất nước. Đặc biệt, doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi đã gửi tặng Khoa một chiếc máy vi tính. Từ đây, cuộc sống của Khoa lật sang một trang mới.

Khoa chia sẻ: “Có máy vi tính, qua mạng xã hội Facebook tôi kết nối với 1.700 bạn bè. Được chia sẻ, khích lệ, động viên, tôi càng muốn làm được điều gì có ích trong mỗi ngày mình sống.

Nghĩ đến nhiều em nhỏ hoàn cảnh khó khăn trong làng không được vui chơi hay tiếp xúc với sách báo dành cho lứa tuổi, thường nghỉ học sớm vào miền Nam làm thuê kiếm sống, tôi bắt tay vào xây dựng một “thư viện” nhỏ. Nhìn ánh mắt, gương mặt rạng rỡ của các em mỗi khi đến mượn sách về đọc, học tập, tôi thấy trong lòng dâng lên cảm giác hạnh phúc”.

 “Thư viện” là một chiếc tủ gỗ nhiều ngăn khá đơn giản, đặt trong phòng, cạnh chiếc giường của Khoa với hơn 1.000 đầu sách, có sức hấp dẫn với các bạn trẻ ở nhiều lứa tuổi bởi sự phong phú từ truyện tranh, sách hạt giống tâm hồn... đến các bộ sách giáo khoa, ôn tập, nâng cao từ lớp 6 đến lớp 12. Số sách trên gia đình Khoa tự bỏ tiền ra mua khoảng 30%, còn lại do bạn bè Khoa đóng góp, ủng hộ.

Có người gửi sách cũ về, cũng có người gửi tiền vào tài khoản của Khoa để nhờ anh chọn mua những loại sách phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của các bạn nhỏ. Tủ sách là người bạn của khoảng 150 bạn trẻ lứa tuổi từ lớp 5 đến lớp 12 trong thôn Đông Phúc (xã Quảng Trường).

Thỉnh thoảng cũng có một số ít các em ở thôn khác trong xã đến mượn. Mỗi lần cho mượn, Khoa đều ghi tên người mượn, tên sách vào cuốn sổ để tiện quản lý.

Hầu hết các em đọc xong đều đến trả nghiêm túc nên số sách bị hao hụt không đáng kể. Sách sau khi “quay vòng” nhiều lượt, có cuốn sờn gáy, rách bìa, nhưng chỉ đến khi không còn sử dụng được nữa Khoa mới thay bằng cuốn mới.

 “Từ khi có tủ sách, các bạn trẻ khó khăn trong thôn có điều kiện tiếp xúc, đọc nhiều hơn. Các em lớn thường mượn sách ôn tập, nâng cao về phục vụ học tập. Ngoài ra, hầu như các em ở mọi lứa tuổi đều thích thú với những cuốn hạt giống tâm hồn, kỹ năng sống...”. - Khoa chia sẻ và nở nụ cười lạc quan cho biết.

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.