Chàng Tây rời nước Đức, sang Việt Nam quy y

Xuất thân từ gia đình theo đạo Thiên Chúa, sinh sống ở trời Tây nên quyết định quy y cửa Phật tại Việt Nam của chàng trai mới tuổi đôi mươi Flrorian Jung khiến mọi người ngỡ ngàng.

Nhà sư Florian tại chùa Định Tâm.
Nhà sư Florian tại chùa Định Tâm.

Vì duyên rời xứ, chọn Việt Nam tu hành

Chúng tôi tình cờ gặp Florian tại quán cơm 5.000 Thiện Phước (Quận 11, TPHCM) vào một chiều tháng Hai, khi anh mang đến một bao gạo 50 kg cùng 5 bình dầu ăn.

“Tôi là Thích Đồng Hòa, đến từ chùa Định Tâm, có một chút quà nhỏ góp cho những người nghèo” - Florian nói rồi ra về. Hành động này khiến ai cũng ngạc nhiên vì chàng Tây trẻ tuổi, vóc dáng cao to lại khoác áo tu hành và nói tiếng Việt rất sõi.

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được vị sư thầy Tây đặc biệt sinh năm 1986 này tại chùa Định Tâm (Q.12). Nghe Florian trải lòng mới thấy con đường đến với đạo Phật rồi chọn tu hành đều gói trong một chữ “duyên”.

 Florian kể, gia đình anh cũng như hầu hết những người gốc Đức đều theo đạo Thiên Chúa. Thế nhưng, Đạo Phật đã ngấm vào anh khi mới 14 tuổi qua những bài kinh kệ của gia đình nhà hàng xóm - một gia đình Phật tử người Việt Nam.

 “Hồi ấy tôi không biết tiếng Việt nhưng vẫn thích nghe tụng kinh và say mê đến lạ! Vài ngày tôi lại theo những người hàng xóm lên chùa Vĩnh Nghiêm tại thành phố Nürnberg, cách quê nhà hơn 200 cây số để nghe giảng pháp” - Florian thích thú nói.

 Say mê với Phật pháp Việt Nam nên Florian rất chịu khó học đọc và nói, viết tiếng Việt. Những bài pháp thoại tại chùa Vĩnh Nghiêm khi ấy ngấm sâu vào tâm trí của cậu bé người Đức. Rồi thành thói quen, chủ nhật hàng tuần, Florian Jung lại tới chùa để nghe các sư thầy giảng pháp.

Và khi đến tuổi đẹp nhất của đời một chàng trai tuổi đôi mươi - Florian quyết định sẽ theo con đường tu hành. Quyết định táo bạo này khiến cả cha mẹ và người em trai bất ngờ. 

Họ nói với Floria: “Con có thể đi tu nhưng không cần cắt tóc”. Nhưng Florian vẫn kiên quyết xuống tóc, ăn chay và trở thành nhà sư.

 Trong những lần theo gia đình hàng xóm sang Việt Nam, Florian thấy nơi này thân thiện và yên bình nên đã nảy sinh một tình cảm đặc biệt nhất là với TPHCM. Trở về Đức, anh nhớ Việt Nam da diết và quay lại TPHCM lần hai. Anh cảm thấy một lần nữa được là chính mình.

 “Với phương châm sống để yêu thương, tôi quyết định tạm gác mọi thứ tại Đức sang một bên để bắt đầu một cuộc hành trình mới” - Florian nói.

 Ước mong được nhập quốc tịch Việt Nam

Với tâm nguyện mang lại tình thương, niềm vui cho các em nhỏ bất hạnh, Florian Jung đã chọn ngôi tịnh xá Bửu Sơn làm điểm đầu tiên trên bước đường tu tập.

Lúc mới về tịnh xá, ai cũng lạ lẫm với chàng Tây mắt xanh. Dần dà, Florian được các em nhỏ gọi một cách thân thương thầy Tây. Với một tăng sinh nước ngoài thì việc học Phật pháp bằng tiếng Việt là không hề đơn giản, song Florian tâm niệm: “Thấy gì hay là học. Chỉ cần chịu khó và phát tâm ham học là sẽ tiếp thu kiến thức dễ dàng”.

 Đến năm 2013, Florian tới chùa Định Tâm để tiếp tục tu hành. Trong quãng thời gian này, anh thường xuyên tham gia làm từ thiện đến những người nghèo. Florian cũng là người sáng lập ra CLB Tấm lòng Nhân ái tại Đức với tâm nguyện được góp phần nào xoa dịu khổ đau cho đồng bào kém may mắn tại Việt Nam. Đó là những trẻ em mồ côi, người già neo đơn, người tàn tật, người bệnh…

 Trải qua hơn 10 năm theo đạo Phật và đã về Việt Nam 9 lần, mỗi lần 6 tháng, Flrian có ước nguyện được mang quốc tịch Việt Nam. “Nếu như chọn, tôi sẽ chọn Việt Nam” - Florian quả quyết. Anh cũng hy vọng, khi về nước sẽ đưa Phật giáo tới các bạn trẻ Đức để họ hiểu hơn nữa về Việt Nam và Phật giáo Việt Nam.

 Florian cũng cho biết thêm, điều mà anh vui mừng nhất là cho đến bây giờ, gia đình đã hiểu và rất thương anh. “Nhất là mẹ. Từ ngày tôi xuất gia, mẹ cũng chuyển sang ăn chay trường. Cha thì không theo đạo Phật mà chỉ nói: "cha làm việc tốt là được rồi". Họ còn nói có thể sẽ đi du lịch tại Việt Nam vào mùa hè năm nay”.

Theo infornet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.