Không phải chuyện đùa
Năm thứ ba đại học, Tiến Đạt nhận dịch Sonrise, cuốn sách dạy trẻ em tự kỷ cho một gia đình người Canada có con trai tên Jordan. Đạt nói: “Lúc ấy, mình không hề hiểu gì về hai chữ “tự kỷ”, còn nghĩ đó là từ mà các bạn trẻ thường dùng để đùa nhau.
Nhưng lần đầu thấy Jordan, mình đã bị ánh mắt vô hồn của đứa trẻ ám ảnh. Mình không bao giờ dùng từ “tự kỷ” để trêu ai nữa. Tự kỷ không phải là một trò đùa!”.
Dịch Sonrise giúp Đạt tiếp cận với cách chữa tự kỷ đặc biệt. Thông điệp của cuốn sách là: “Let the child show you the way in and we will show them the way out” (Để đứa trẻ dẫn bạn vào thế giới của chúng và bạn sẽ chỉ đứa trẻ lối ra).
Thay vì ngăn cản, cấm đoán, thậm chí, dạy bằng khúc cây như một số nơi đã làm, cha mẹ phải là người theo sát con nhất và tôn trọng mọi hành động bất thường của trẻ.
Sau khi hòa nhập được với các em, phụ huynh và đội ngũ tình nguyện viên sẽ thường xuyên vui chơi cùng bé để phát triển kỹ năng sống, tăng khả năng giao tiếp…
Đạt đã gia nhập đội tình nguyện viên hỗ trợ Jordan, dù anh chàng chưa từng học qua một lớp giáo dục đặc biệt nào. Đến giờ, Đạt là người duy nhất trong nhóm còn trụ lại và trở thành bạn thân của Jordan.
Đạt chia sẻ: “Trẻ tự kỷ rất đáng yêu. Thế giới của các em cũng rất đẹp và các em hạnh phúc khi sống trong đó. Người lớn càng ngăn cấm, các em càng đấu tranh giữ chặt nó.
Càng tìm hiểu sâu về trẻ tự kỷ, mình càng thương các em. Mình quyết định tiên phong chia sẻ rộng rãi mô hình “Dạy con tự kỷ – Can thiệp tại nhà” để tất cả các phụ huynh tại Việt Nam đều biết”.
Đạt bắt đầu lên các diễn đàn về trẻ tự kỷ viết về mô hình can thiệp tại nhà. Ban đầu, rủi thay, những chia sẻ của Đạt vấp phải sự phản bác, thậm chí, bị nhiều người mỉa mai.
Lúc ấy, Đạt mới nhận ra mặt trái của diễn đàn, tuy cung cấp nhiều kiến thức nhưng cũng có thể khiến phụ huynh hoang mang giữa “nồi lẩu thập cẩm” thông tin.
Cho dù liên tục giải thích mình chỉ là sinh viên, chẳng kinh doanh gì hết, Đạt vẫn nhận được rất nhiều câu nói đau lòng, kiểu như: “Học trường Ngân hàng có khác, marketing để kiếm tiền ghê gớm quá nhỉ!”; “Ai lên đây chẳng có gì đó để bán!”… Tháng 12/2013, Đạt ngừng mọi hoạt động chia sẻ trên Internet, tự nhủ rằng “công việc này không phải dành cho tôi”.
Thuyết phục bằng tấm lòng
Sau một tháng “giằng co”, với tình thương yêu với trẻ em tự kỷ, Đạt tự lập kênh riêng letandat.com để chia sẻ. Nhiều phụ huynh biết đến tên, liên lạc với Đạt nhờ giúp đỡ.
Suốt 3 – 4 tháng, Đạt như một con ong chăm chỉ, chạy khắp nội, ngoại thành TPHCM để tư vấn mà không nhận một đồng nào. Đạt bắt đầu có những buổi tập huấn về mô hình “Dạy con tự kỷ – Can thiệp tại nhà” với phụ huynh, tại TPHCM, Hà Nội và Vũng Tàu.
Đạt chia sẻ: “Mình là sinh viên chưa tốt nghiệp, không có con, chẳng có gì để chứng minh ngoài tâm huyết nên phụ huynh thường nghi ngờ, khi gặp gỡ. Như trường hợp cô Vân, ở Đà Nẵng, có đứa cháu ngoại bị tự kỷ.
Thái độ ban đầu của cô rất lạnh lùng. Cô khiến mình “lên bờ xuống ruộng” khi phải chạy xe máy cả chục cây số, bị dời lịch hẹn liên tục. Sau này, mình mới biết, cô làm vậy vì nghĩ mình chỉ là một đứa kiếm chác trên nỗi đau của người khác”.
Dù khó, Đạt luôn tin rằng, tấm lòng của mình sẽ thay đổi suy nghĩ của mọi người. Sau này, cô Vân đã bày tỏ với chàng sinh viên: “Cô xin lỗi khi đã hiểu lầm và nghĩ không tốt về con! Cô đã hiểu những việc con làm hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng”.
Mang lại cơ hội được sống có ích hơn cho hàng ngàn trẻ em tự kỷ tại Việt Nam là mục tiêu Đạt không ngừng theo đuổi. Chàng sinh viên 9X bộc bạch: “Mỗi người đều có một sứ mệnh, một trách nhiệm cho cuộc đời này.
Sứ mệnh của mình là làm những điều tốt, hướng tới lợi ích xã hội. Thời sinh viên là lúc rất thích hợp để mỗi chúng ta nhận ra và thực hiện trách nhiệm của mình”.