Đó là chia sẻ của em Trần Văn Hiệp, sinh viên K58V, khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, người vừa giành giải Nhất phần thi thực nghiệm trong cuộc thi Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc lần thứ XX - 2017.
Nơi chắp cánh đam mê
Hiệp cho biết, ngay từ hồi còn học phổ thông, Hiệp rất thích tìm hiểu các hiện tượng vật lý ngoài tự nhiên, sau đó em có tham gia đội tuyển vật lý của trường và cũng may mắn đoạt giải trong các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh. Thế rồi, nung nấu ước mơ từ đó và Hiệp quyết tâm học tốt để theo đuổi ngành Vật lý.
Tốt nghiệp phổ thông, em quyết định thi vào khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano của Trường ĐH Công nghệ - một trong số không nhiều cơ sở đào tạo chuyên về công nghệ nano có chất lượng cao tại Việt Nam. Với Hiệp đây cũng là một cái duyên, nơi đây không chỉ là nơi để Hiệp học hỏi trau dồi thêm nhiều kiến thức vật lý mà còn là cái nôi chắp cánh cho ước mơ nghiên cứu khoa học của Hiệp.
Ngay từ những ngày đầu bước chân vào khoa, Hiệp đã được thầy giáo, TS Bùi Đình Tú hướng dẫn. “Thầy là người đã truyền cho em cảm hứng với điện tử khi dạy môn Tin học vật lý, thầy đã khơi dậy niềm đam mê với vật lý, với điện tử trong con người em. Được thầy chỉ bảo, hướng dẫn và động viên đã giúp em học hỏi được rất nhanh. Không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn, thầy nhiều khi là người bạn chia sẻ tâm sự và chỉ bảo cho em nhiều điều về cuộc sống, cách sống giúp em trưởng thành hơn” - Hiệp trải lòng.
Công nghệ nano thú vị không kém gì so với công nghệ thông tin. Không những thế, đây còn là một ngành đang được đánh giá là hot trên thế giới hiện nay. Với sự đam mê và tinh thần ham học hỏi, tìm tòi và nghiên cứu, Hiệp đã gặt hái được nhiều thành công.
Ước mơ sáng tạo cho nông nghiệp
Khi được hỏi lý do chọn đề tài dự thi Khởi nghiệp sáng tạo, Hiệp cho biết: “Áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp để sản xuất những nông sản sạch phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân quả là một giải pháp tuyệt vời trong thời điểm này. Việc giám sát các thông số kỹ thuật như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ pH... giúp người trồng có thể dễ dàng điều chỉnh sao cho cây trồng có khả năng đạt năng suất cao nhất, còn người tiêu dùng có thể biết rõ chất lượng sản phẩm mình đang chọn lựa có phải là loại thực phẩm sạch, an toàn hay không.
Bên cạnh đó với bộ thiết bị này, các quá trình phát triển của cây trồng từ lúc gieo hạt tới lúc thu hoạch đều được ghi lại một cách cụ thể bằng sự kết hợp giữa điện tử và mạng Internet nên các sản phẩm nông nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng các nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính nước ngoài khi các thông số kia đạt yêu cầu. Những hệ thống công nghệ cao với giá thành hấp dẫn, dễ dàng sử dụng để phục vụ trong nông nghiệp là điều cần thiết cho sự phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, Hiệp cho biết: “Ước mơ của em sau này có thể trở thành một nhà vật lý ứng dụng, có những nghiên cứu về các sản phẩm ứng dụng và đặc biệt là phục vụ trong sản xuất nông nghiệp. Một phần có thể giúp đỡ gia đình, bà con nông dân nâng cao sản xuất nông nghiệp và cũng góp phần nhỏ nào đó giúp cho nền nông nghiệp nước nhà phát triển hơn nữa. Có những sản phẩm khoa học công nghệ được bà con nông dân tin dùng là một ước mơ cháy bỏng trong em”.