Chấn hưng văn hóa từ giáo dục: Gieo tri thức bằng tâm tốt lành sẽ cho mầm cây khỏe mạnh

GD&TĐ - Muốn văn hóa phát triển thì giáo dục phải tạo ra những con người có nhân cách toàn diện.

Cô Nguyễn Thị Sao - giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Tô Hiệu, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng trong giờ dạy. Ảnh: Nguyễn Dịu
Cô Nguyễn Thị Sao - giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Tô Hiệu, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng trong giờ dạy. Ảnh: Nguyễn Dịu

Vì giáo dục giúp con người có tri thức, nhân sinh quan, thế giới quan chuẩn mực, lành mạnh. Từ đó, con người có nguyên tắc sống với những chuẩn mực ứng xử trong gia đình, mối quan hệ trong xã hội.

Tầm quan trọng của giáo dục

TS Trần Quốc Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng cho rằng: Quan điểm chấn hưng văn hoá phải bắt đầu từ giáo dục của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất sâu sắc, toàn diện.

Để hiểu cặn kẽ quan điểm này, coi đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động thì trước tiên phải hiểu: Chấn hưng là gì? Văn hoá là gì? Vai trò của giáo dục trong việc chấn hưng văn hoá?

Chấn là chấn chỉnh, tác động lên sự vật hiện tượng; hưng là hưng thịnh; nghĩa của từ chấn hưng là tác động sự vật, hiện tượng theo chiều hướng tốt đẹp, TS Trần Quốc Tuấn chia sẻ.

Có nhiều khái niệm về văn hoá. 2 định nghĩa về văn hoá mà TS Tuấn cho rằng rất hay. Đó là, theo UNESCO: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”.

TS Trần Quốc Tuấn.
TS Trần Quốc Tuấn.

Và, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.

Như vậy, muốn văn hóa phát triển thì giáo dục phải tạo ra những con người có nhân cách toàn diện. Trong giáo dục văn hoá được chấn hưng bài bản, rõ ràng, khoa học, và có hệ thống từ việc trao truyền giá trị vật chất, tinh thần của nhân loại từ đời trước sang đời sau. Giáo dục có thể là trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội và quá trình tự giáo dục. Nhưng, quan điểm chấn hưng văn hoá phải bắt đầu từ giáo dục nhấn mạnh vai trò của hệ thống giáo dục quốc dân.

Giáo dục hướng con người tới chân - thiện - mỹ, phát triển hài hoà đức - trí - thể - mỹ. Trong nhà trường không chỉ dạy chữ, dạy làm người mà còn dạy nghề. Điều đó thể hiện tính khoa học bài bản của giáo dục.

Yếu tố quan trọng không thể tách rời đó là vai trò của người thầy. Không ai khác, thầy cô có vai trò định hướng và thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giáo dục. Người thầy tốt mới có học sinh tốt. Vì thế, để làm tròn trọng trách, người thầy luôn phải trau dồi kiến thức, kỹ năng học tập và tự học tập hoàn thiện chính bản thân mình.

“Tại Trường Đại học Hải Phòng, quá trình giáo dục, nhà trường xác định tiêu chí cho cán bộ, giảng viên: Mô phạm, sáng tạo, đoàn kết, kỷ cương, tâm huyết, tình thương, công bằng, trách nhiệm. Với học sinh, sinh viên, trường đưa ra tiêu chí: Năng động sáng tạo, khát vọng, hoài bão, thực học, thực nghiệp, lập thân, lập nghiệp”, TS Tuấn cho hay.

Cô Sao trong giờ dạy.
Cô Sao trong giờ dạy.

Thầy cô là tấm gương

Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục. Giáo dục bắt đầu từ nhân tố con người. Chia sẻ điều này, cô  Nguyễn Thị Sao - giáo viên môn Giáo dục Công Dân, Trường THPT Tô Hiệu, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng bày tỏ: Giáo dục không chỉ là quá trình rèn giũa trong nhà trường; không chỉ là sự giáo dục về mặt tinh thần mà còn có cả yếu tố vật chất.

Quá trình được giáo dục và tự giáo dục với một con người với tư cách là cá nhân trong cộng đồng xã hội vô cùng quan trọng. Trước khi tự giáo dục thì mỗi cá nhân phải được giáo dục để hình thành nhân cách tốt. Quá trình được giáo dục giúp con người có thế giới quan đúng đắn, nhân sinh quan lành mạnh.

Vì thế, cùng với gia đình và xã hội, việc giáo dục trong nhà trường đóng vai trò quan trọng giúp con người phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện. Để rèn dạy được học trò, người giáo viên không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn phải là hình mẫu, tấm gương để trò noi theo.

Vậy, thầy dạy gì để trò có kiến thức, văn hóa? Từng bộ môn quy định rõ những mục tiêu cần đạt về kiến thức, kỹ năng một cách chính xác, khoa học và chân thực. Người thầy cần truyền tải những tri thức đó bằng chính cái tâm tốt lành sẽ gieo được những mầm cây khỏe mạnh.

Giáo dục ngày càng đổi mới theo hướng hiện đại. Vì thế Chương trình GDPT 2018, định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh được thể hiện rõ ràng qua từng môn học, từng bài dạy.

Chương trình GDPT mới cũng giúp người giáo viên hoàn thiện hơn về phẩm chất, năng lực của mình. Thầy cô không phải là người dạy kiến thức mà là người định hướng, gợi mở. Nhưng vai trò của người dẫn đường vô cùng quan trọng, nếu thầy không có thế giới quan đúng đắn, nhân sinh quan tích cực thì không để định hướng phát triển nhân cách cho học trò.

Theo cô Sao, Giáo dục Công dân là môn học gắn liền với kiến thức, đạo đức, kỹ năng giúp học trò có cái nhìn chuẩn mực. Lớp 10, học trò được học về triết học, đạo đức. Qua thế giới quan duy vật, phương pháp luận biện chứng..., học sinh được giáo dục kiến thức, thông qua đó các em tự nhận thức, tự giáo dục hình thành văn hóa ứng xử của mỗi người. Giáo dục đúng thì hình thành cách suy nghĩ, ứng xử đúng, tạo nên nền văn hóa chuẩn mực với các thước đo chung về phẩm chất, năng lực.

Hay như khi dạy học sinh lớp 11 về kinh tế, hàng hóa, tiền tệ, cô Sao không chỉ dạy học sinh nắm được kiến thức, hiểu được mối tương quan hàng hóa, tiền tệ, thị trường. Các em được cô dạy thế nào là cạnh tranh lành mạnh, không lành mạnh, một người cần làm gì để không vi phạm pháp luật.

Quá trình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được nhà trường thực hiện thường xuyên, qua các việc làm cụ thể, diễn biến sự việc ngoài cuộc sống, thầy cô sẽ vận dụng để phân tích, định hướng cho học sinh để hiệu quả cao. Chẳng hạn như, hành vi lệch chuẩn và hội chứng đám đông qua hiện tượng Khá bảnh tự đốt xe của mình được cô Sao phân tích khi giảng dạy giúp học sinh định hướng, điều chỉnh suy nghĩa và hành vi của mình.

“Giới trẻ hiện nay đang nhầm tưởng quyền tự do của mình, văn hóa thượng đẳng lên ngôi. Họ nghĩ đơn giản đồ của mình, thích làm gì thì làm. Điều đó cần chấn chỉnh ngay trong nhà trường khi học sinh có hiện tượng tán dương, lầm tưởng và học theo”, cô Sao chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.