Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Không dồn hết trách nhiệm cho trường học

GD&TĐ - Muốn chấn hưng văn hóa phải chấn hưng từ gốc, tức bắt đầu từ giáo dục. Thế nhưng chỉ mình nhà trường vẫn chưa đủ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngoài nhà trường, gia đình, cộng đồng cũng có vai trò quan trọng trong giáo dục con người, tạo ra môi trường sống an toàn và văn hóa…  

TS Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn, Trường ĐH Kiên Giang: Gia đình, trường học đầu đời của mỗi người

Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Không dồn hết trách nhiệm cho trường học ảnh 1

Văn hóa là con người, muốn chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ chấn hưng con người và muốn chấn hưng con người thì đầu tiên con người ấy phải được giáo dục. Trong đó, yếu tố giáo dục phải đảm bảo từ nhiều phía như: Gia đình, nhà trường, xã hội...

Gia đình luôn là chiếc nôi để hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, trở thành những công dân có ích đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội.

Do đó, mỗi gia đình cần đề cao giá trị nhân văn trong ứng xử, hành xử với nhau, luôn tôn trọng, chia sẻ cùng nhau, thường xuyên giáo dục cái tốt đẹp, thiện mỹ của cuộc sống đối với thành viên. Bên cạnh đó, gia đình cần kết hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục giá trị đạo đức, nhân cách cho con em mình, tạo ra văn hóa nền tảng cho sự phát triển xã hội.

Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc, vì vậy để tạo lập môi trường giáo dục tốt, đội ngũ nhà giáo phải có tinh thần thân thiện, ân cần, chu đáo, chăm sóc… đối với người học. Biết tạo điều kiện cho các em sửa sai, được nói ra cảm xúc của mình; luôn mở rộng nội dung bài giảng để phát triển kỹ năng xã hội, tình cảm, thể chất, sáng tạo, nghệ thuật đối với sinh viên. Tạo bầu không khí gần gũi, tổ chức lớp học phù hợp, đáp ứng tốt nguyện vọng của người học.

Người học được giáo dục trong môi trường lành mạnh, trong sáng đó sẽ cảm thấy hạnh phúc và sẽ khơi dậy được khát vọng phát triển, cống hiến, phục vụ. Mỗi con người được sống, được giáo dục trong môi trường nhân văn và tình người sẽ thể hiện được những nét văn hóa trong ứng xử với thế giới xung quanh. Đúng như mong mỏi của Bác Hồ là mỗi người hãy là một bông hoa đẹp thì cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp. Muốn chấn hưng văn hóa thì phải có con người văn hóa.

Nhìn chung, ngoài nhà trường và gia đình thì cộng đồng, các tổ chức, ban ngành cũng có vai trò quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ. Đó là tạo ra trường học xã hội chủ nghĩa để người trẻ luôn được dung dưỡng, bảo bọc, được sống trong vòng tay yêu thương, trìu mến, được học hỏi tấm gương của người đi trước để họ được ươm mầm cho những khát vọng của tương lai, góp phần xây dựng và phát triển đất nước…

Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghiêm, Trường ĐH Đồng Tháp: Chỉ “đơn lẻ” nhà trường sẽ không “đủ sức”

Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghiêm
Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghiêm

Nhà trường là nơi bảo tồn và lưu truyền các giá trị văn hóa, đào luyện những lớp người mới, chủ nhân gìn giữ và sáng tạo văn hóa cho tương lai. Đồng thời, nhà trường là nơi con người với con người (người dạy với người học) cùng hoạt động tri thức để chiếm lĩnh các mục tiêu văn hóa, theo cách thức văn hóa, dựa trên những phương tiện văn hóa, trong môi trường văn hóa đại diện cho mỗi vùng, miền, địa phương với sự tổng hòa của văn hóa quốc gia.

Thế nhưng, nếu chỉ “đơn lẻ” nhà trường sẽ không thể “đủ sức” thực hiện thành công sứ mệnh chấn hưng giáo dục. Bên cạnh và đồng hành với nhà trường cần có sự hiệp lực của gia đình, cộng đồng và các tổ chức, ban ngành cùng chung mục tiêu và cùng gánh vác vai trò quan trọng trong giáo dục con người, tạo ra môi trường sống an toàn và văn hóa.

Song hành với việc định hình và định vị lại hệ thống giá trị cốt lõi để phát triển văn hóa nhà trường, Nhà nước cần có kế hoạch kiến tạo “hệ sinh thái” chấn hưng giáo dục. Điều này đòi hỏi có sự chỉ đạo thống nhất của Nhà nước để tạo sự gắn kết, đồng bộ, không để xung đột giá trị giữa ba môi trường văn hóa: Nhà trường, gia đình và xã hội, tránh tác động tiêu cực đến quá trình giáo dục nhân cách con người...

Một vấn đề quan trọng trong chấn hưng giáo dục là cần xây dựng thành công Mô hình Trường học mới. Trường học hạnh phúc là mô hình có nhiều ưu điểm và phù hợp với đặc điểm của nền giáo dục nước ta. Xây dựng trường học hạnh phúc vừa là mục tiêu, vừa là giá trị của những nền giáo dục tiên tiến. Các thành tố thường được nhắc đến trong sự nghiệp giáo dục là nhà trường, gia đình và xã hội giữ những vai trò khác nhau nằm trong sự tổng hòa. 

Thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Huỳnh Cương (Sóc Trăng): Cùng nhà trường giữ gìn bản sắc văn hóa

Thầy Kim Văn Ngói
Thầy Kim Văn Ngói

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa rất quan trọng. Ngoài nhà trường, gia đình, cộng đồng và các tổ chức, ban ngành có vai trò quan trọng trong giáo dục con người, tạo ra môi trường sống an toàn và văn hóa.

Đối với trường dân tộc nội trú, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động GD-ĐT đóng vai trò quan trọng. Nhà trường đã đổi mới các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Bằng việc giáo dục văn hóa, kỹ năng sống kết hợp với việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, từng hoạt động, các trường học đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Tạo được không khí thoải mái cho học sinh khi tham gia học tập; Góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực…

Nhà trường xây dựng kế hoạch có lồng ghép các hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chỉ đạo bộ phận chuyên môn, hàng năm xây dựng kế hoạch nhằm phát triển chuyên môn nâng cao chất lượng giáo dục và song song với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đoàn Thanh niên thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Về phía các đoàn thể và giáo viên cùng xây dựng kế hoạch phù hợp cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Giáo viên các môn văn hóa, nhất là Ngữ văn, Khmer, Giáo dục công dân, Địa lý, Lịch sử… lồng ghép vào việc giáo dục nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Học sinh, thực hiện tốt các hoạt động giáo dục và rèn luyện tại trường, hào hứng tham gia câu lạc bộ, hội thi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.