Bà Lima, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Philippines, là người khởi xướng cuộc điều tra chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động.
Tuy nhiên, vào ngày 19/9, những nghị sĩ về phe của ông Duterte trong Thượng viện cáo buộc việc điều tra của bà Lima làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Do vậy, họ đã bỏ phiếu để loại bà ra khỏi chức Chủ tịch Ủy ban Tư pháp.
Quyết định trên được đưa ra chỉ 4 ngày sau khi bà Lima đưa ra trước Ủy ban điều tra một nhân chứng tự nhận là cựu sát thủ từng thực hiện lệnh giết người của ông Duterte thời ông này còn là Thị trưởng thành phố Davao ở miền nam. Bà Lima lúc đó đang tổ chức cuộc điều tra đối với hàng nghìn vụ giết người không qua xét xử trong cuộc chiến chống ma túy do ông Duterte phát động.
Nữ Nghị sĩ Philippines phụ trách cuộc điều tra đối với chiến dịch trừng phạt tội phạm ma túy đẫm máu do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động thề sẽ tiếp tục cuộc chiến của mình, bất chấp những lời cáo buộc, lăng mạ và đe dọa đến từ nhà lãnh đạo đất nước.
Báo Inquirer nhận định đây là kết cục "chưa từng có tiền lệ" cho những bất đồng trong Quốc hội. Trang Rappler cho biết, Tổng thống Duterte đã khẳng định ngay rằng ông "không can thiệp" đến kết quả bỏ phiếu để phế truất bà Lima.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABS-CBN ngay sau khi bị phế truất hôm 19.9, bà Lima nói: "Tôi biết mình sẽ còn phải tiếp tục chịu đựng vì tôi dám điều tra những vụ giết người không qua xét xử của Tổng thống". Nhưng bà cam kết sẽ không chịu dừng bước. CNN dẫn lời bà: “Tôi không phải là người đã bôi nhọ hình ảnh Thượng viện và đất nước này. Thứ thực sự phá hoại chính là làn sóng giết chóc liên tục trên đất nước chúng ta, tôi sẽ không dừng lại”.
Chân dung nữ Thượng nghị sĩ
Bà Lima sinh năm 1959 ở thành phố Iriga, Camarines Sur, Philippines. Bà là con gái lớn của cựu Đại biểu Hội đồng Ủy ban Bầu cử Philippines Vicente de Lima.
Gần đây, bà đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Thượng nghị viện diễn ra cùng thời điểm với bầu cử Tổng thống Philippines hồi tháng 5/2016. Nếu như không bị cách chức, bà sẽ giữ chức vị này cho đến năm 2022.
Bà Leila de Lima
Trước đó, bà từng được cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo bổ nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Philippines về nhân quyền vào tháng 5-2008. Bà làm việc tại Ủy ban đến tháng 6-2010, sau đó được cựu Tổng thống Benigno Aquino bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp Philippines và giữ vị trí này đến tháng 10-2015.
Bà Lima gia nhập các công ty luật Bunag, Roco, Migallos, và Kapunan, tại đây bà có vai trò là đối tác cơ sở. Sau đó, bà đã quyết định thành lập một công ty riêng. Bà Lima cũng từng làm giảng viên tại Đại học Luật San Beda.
Về cuộc sống gia đình, nữ Thượng nghị sĩ 57 tuổi có 2 người con trai với chồng cũ, ông Pandi Bohol, hai người đã ly dị cách đây khá lâu. Hai người con trai của bà tên là Israel và Vincent Joshua, hiện tại bà đã có 2 cháu nội.
Cuộc điều tra "bạo gan"
Bà Lima đã quyết định lên tiếng về chiến dịch đẫm máu của Tổng thống Duterte sau khi có hàng trăm người bị giết trên phố bởi những nhóm tay súng mặc thường phục bịt kín mặt. “Dựa trên các dấu hiệu và lời kể của các nhân chứng, họ thực ra là cảnh sát. Đó có phải là những biệt đội tử thần không? Họ là ai, và đang làm việc theo chỉ đạo của người nào”, nữ Nghị sĩ này chất vấn.
Theo bà, dù Tổng thống Duterte cam kết rằng chỉ những tên trùm và những kẻ buôn bán ma túy mới bị trừng phạt, trên thực tế hầu hết các nạn nhân bị bắn chết đều là người nghèo. “Nạn nhân bị nhắm đến là những người thấp cổ bé họng, không có khả năng tự vệ và rất nghèo. Công lý ở đâu với những trường hợp bất công như vậy”, bà nói.
Với biệt danh “Kẻ trừng phạt”, Tổng thống Duterte đã khuyến khích cảnh sát mạnh tay với tội phạm ma túy, và các tổ chức nhân quyền cho rằng chính điều này đã khiến cảnh sát Philippines có cảm giác có thể mạnh tay giết chóc mà không sợ bị trừng phạt. Các luật sư cho hay có nhiều nghi phạm buôn bán ma túy bị bắn chết khi đang bị còng tay hoặc trong buồng giam.
Kể từ khi thành lập, Ủy ban điều tra của Thượng viện do bà Lima đứng đầu đã tiến hành hai cuộc điều trần để tìm hiểu thực tế những gì đang diễn ra trong cuộc chiến chống ma túy. Tuy nhiên, Ủy ban này lại không có quyền truy tố hay ra lệnh bắt bất cứ cá nhân nào có liên quan.
Bà Lima hy vọng các phiên điều trần như vậy sẽ thúc đẩy quá trình thông qua một đạo luật đang tắc ở Quốc hội, trong đó quy định hành vi giết người không qua xét xử là một loại tội phạm đặc biệt sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Bà cũng muốn tăng cường quyền lực cho Ủy ban Nhân quyền (CHR), để cơ quan này có thể điều tra các trường hợp vi phạm.
Bà cho rằng CHR và cơ quan điều tra nội bộ của lực lượng cảnh sát quốc gia đang bị quá tải nên không thể làm được gì nhiều, trong khi bầu không khí sợ hãi từ những cuộc giết chóc công khai trên đường phố khiến mọi người không thể nói ra ý kiến của mình. “Chỉ có Tổng thống mới chấm dứt được thực tế điên rồ này”, bà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tổng thống Duterte lại là người công kích bà Lima quyết liệt nhất kể từ khi bà mở cuộc điều tra, theo Rappler. Cuối tuần trước, ông cáo buộc nữ Nghị sĩ này nhận hối lộ từ các trùm ma túy, khi công bố một danh sách những cá nhân liên quan đến đường dây ma túy tại nhà tù Tân Bilibid. Trong danh sách này, Thượng nghị sĩ De Lima và cựu Thống đốc Amado Espino Jr. là hai người xuất hiện đầu tiên.
Ông còn tìm cách công kích cá nhân bà Lima, khi cáo buộc bà “vô đạo đức” và có quan hệ tình cảm ngoài luồng với tài xế, làm “mất mặt phụ nữ”. “Bà ấy sẽ nói gì với phụ nữ cả nước, hãy noi gương tôi ư? Hãy từ chức đi. Nếu tôi là De Lima, thưa quý vị, tôi sẽ treo cổ tự tử”, ông Duterte nói trong bài diễn văn hôm 29/8 tại thành phố Tacloban.
Bất chấp những lời đe dọa đó, bà Lima khẳng định không bận tâm đến sự sống chết của mình, bởi nếu có chuyện gì xảy ra với bà, mọi người đều rõ thủ phạm là ai. Tuy nhiên, người thân của bà lại tỏ ra lo lắng hơn bao giờ hết.
Nữ Thượng nghị sĩ chia sẻ: “Nhiều bạn bè thân thiết và thành viên gia đình cầu xin tôi dừng lại, im lặng và từ chức để được yên thân, nhưng tôi không thể làm vậy”.
“Những gì họ đang làm với tôi còn tồi tệ hơn cái chết. Danh dự, đặc biệt là phẩm giá phụ nữ, và danh tiếng của tôi đang bị họ hủy hoại”, bà nói và phủ nhận tất cả những cáo buộc mà ông Duterte đưa ra đối với bà.
Nhiều quan chức chính phủ và thành viên Quốc hội Philippines đã bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết đối với bà De Lima trước những áp lực từ phía Tổng thống. Một trong những người nổi bật nhất là Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, người tuyên bố trên trang cá nhân rằng những lời cáo buộc của ông Duterte với bà De Lima là “kiểu chính trị cảm tính”, thể hiện “thái độ thù ghét phụ nữ”.
“Tổng thống Duterte đã dùng những lời lẽ công kích cá nhân thay cho tranh luận thực sự, và dùng định kiến áp đặt cho tranh luận. Tuyên bố của ông xa rời cam kết minh bạch của chính phủ, trong khi một trong những cách tốt nhất để theo đuổi sự thật là thông qua tranh luận dựa trên sự thật”, bà Hontiveros viết.
Nhiều quan chức khác cũng gọi lời cáo buộc của ông Duterte đối với nữ Nghị sĩ De Lima là “không phù hợp”, đồng thời kêu gọi Tổng thống tôn trọng “sự độc lập của Thượng viện và bà De Lima trong cuộc điều tra”.
“Tôi sát cánh với những người phụ nữ mạnh mẽ đang làm hết sức có thể để xã hội chúng ta trở nên sáng suốt và nhân đạo hơn. Tôi hy vọng chúng ta sẽ không nản lòng bởi những lời xúc phạm vốn chỉ nhằm để bôi nhọ chúng ta”, Nghị sĩ Arlene Bagao lên tiếng.