Chăm sóc và điều trị đúng cách khi ngộ độc thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khi ăn hoặc uống phải các loại thực phẩm nhiễm khuẩn hay nhiễm độc, thức ăn bị ôi thiu… có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Học sinh TPHCM nghi ngộ độc thực phẩm phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh ngày 2/5. Ảnh: ITN.
Học sinh TPHCM nghi ngộ độc thực phẩm phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh ngày 2/5. Ảnh: ITN.

Các chuyên gia cho biết, tình trạng ngộ độc có thể xảy ra sau khoảng vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể là 1 - 2 ngày sau khi tiêu thụ thực phẩm.

Không dùng thuốc cầm tiêu chảy

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng trẻ bị ngộ độc do ăn phải thực phẩm bị vi khuẩn, virus hoặc vi trùng xâm nhập. Sau khi các tác nhân gây ngộ độc xâm nhập vào cơ thể trẻ, chúng bắt đầu giải phóng độc tố và xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, điển hình là tiêu chảy và nôn mửa.

Thông thường, các trường hợp ngộ độc bắt nguồn từ thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, trứng, hải sản, sữa, các chế phẩm từ sữa. Trái cây, rau xanh, nước nhiễm bẩn cũng có thể khiến trẻ bị ngộ độc.

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, cần được phát hiện và hỗ trợ điều trị khẩn cấp. Nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc không được điều trị đúng cách, rối loạn nhịp tim, rối loạn hô hấp, tụt huyết áp… thậm chí là tử vong.

ThS.BS Lê Hồng Nhung - Bệnh viện Việt Đức cho biết, dấu hiệu ngộ độc thường sẽ xuất hiện sau một vài giờ hoặc vài ngày kể từ khi trẻ ăn hoặc uống thực phẩm nhiễm độc.

Các triệu chứng này thường là: Đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, ho, thở nhanh, khó thở, da tím tái. Về thần kinh có thể xuất hiện co giật, chi run, run cơ mặt, có thể liệt khi không được hỗ trợ điều trị kịp thời, rối loạn nhịp tim, hôn mê. Bên cạnh đó, còn có dấu hiệu tăng tiết nhờn như chảy nước dãi, đổ nhiều mồ hôi, có đờm nhớt, dịch tiêu hóa.

BS Lê Hồng Nhung khuyên rằng, khi trẻ có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, bố mẹ phải ngưng không cho trẻ ăn món ăn đó, nước uống hay sử dụng loại thuốc đó nữa. Đồng thời, gọi cấp cứu để đưa trẻ đến bệnh viện nhanh chóng.

“Đa số các trường hợp ngộ độc thực phẩm ở trẻ có thể tự hồi phục trong một vài ngày khi được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, một số trường hợp tình trạng sức khỏe của trẻ trở nên tồi tệ hơn, nguy cơ xuất hiện biến chứng nguy hiểm, bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời.

Trẻ có thể được bác sĩ kê kháng sinh nếu ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây ra. Nếu trẻ mất nước nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện truyền tĩnh mạch (IV)”, BS Nhung cho hay.

Chuyên gia cũng lưu ý, nhiều phụ huynh hay nhầm lẫn khi thấy con bị đi ngoài thường cho uống thuốc cầm tiêu chảy. Cần biết rằng, thuốc này không được sử dụng trong điều trị ngộ độc thực phẩm cho trẻ.

Tiêu chảy được đánh giá là một trong những cách cơ thể tống hết các thức ăn gây ngộ độc ra ngoài. Do đó, việc cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy sẽ khiến vi khuẩn, độc tố lưu lại lâu hơn trong hệ tiêu hóa, trẻ ngày càng khó chịu.

Bên cạnh việc tuân theo các hướng dẫn điều trị của bác sĩ, chăm sóc đúng cách sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe, tăng hiệu quả điều trị ngộ độc thực phẩm. Theo đó, trẻ bị ngộ độc cần được bổ sung đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể để các cơ quan hoạt động, chống lại tác nhân gây ngộ độc. Tuy nhiên, lúc này hệ tiêu hóa của trẻ rất yếu, bố mẹ cần lưu ý lựa chọn các món ăn loãng, mềm, dễ tiêu hóa như súp, cháo canh…

Chia nhỏ các bữa ăn chính trong ngày nhằm đảm bảo trẻ vẫn được bổ sung đủ dưỡng chất và năng lượng. Không ép trẻ ăn quá nhiều trong 1 bữa. Tăng cường các loại rau xanh, sữa chua, trái cây có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa.

Chuyển từ từ các món ăn dạng lỏng sang dạng đặc hơn như cơm, bánh và một số món ăn khác khi tình trạng sức khỏe của trẻ có dấu hiệu cải thiện tốt, trở lại bình thường.

Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm gây kích thích đường ruột, khó tiêu, nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán. Hạn chế cho trẻ dùng sữa và các chế phẩm từ sữa do lúc này trẻ có thể gặp khó khăn khi dung nạp lactose.

Ngộ độc thực phẩm khiến trẻ mất nước và cân bằng điện giải. Vì vậy, lúc này bố mẹ nên cho con uống nhiều nước hơn bình thường và có thể dùng các dung dịch bù nước, bù điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, có thể cho trẻ uống thêm các loại nước hoa quả nhằm bổ sung vitamin và khoáng chất, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch.

Lưu ý, bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống nước đá, nước ngọt hay các loại nước ngọt có ga trong giai đoạn này vì chúng không chỉ không giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ, mà còn gây kích thích ruột, khiến bệnh chuyển biến xấu hơn.

Nếu trẻ vẫn có biểu hiện mất nước sau khi đã thực hiện các biện pháp bù nước, bù điện giải thông thường, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ tích cực.

Các biểu hiện trẻ mất nước bố mẹ cần chú ý: Nôn trên 5 lần, tiêu chảy trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, mắt trũng, mạch đập nhanh, nước tiểu ít, sẫm màu, thở mạnh, cảm thấy khát, khóc không ra nước mắt, có thể xuất hiện co giật.

Đặc biệt, tình trạng ngộ độc sẽ trở nên nghiêm trọng hơn ở trẻ có hệ miễn dịch suy giảm, mắc các bệnh về thận, hồng cầu hình liềm. Do đó, bố mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn và hỗ trợ điều trị phù hợp.

“Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm khiến trẻ mệt lả, thiếu sức sống. Vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, hạn chế cho trẻ hoạt động mạnh. Tốt nhất, trẻ nên được ngủ sớm, ngủ sâu giấc trong không gian thoáng mát, thoáng khí, yên tĩnh”, BS Nhung đưa ra lời khuyên.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm. Ảnh: CQLTT Hà Nội.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm. Ảnh: CQLTT Hà Nội.

Kỹ năng sơ cứu

Điều dưỡng Nguyễn Phương Thảo - Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) chia sẻ, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra với bất cứ ai ngay sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Do đó, cần trang bị cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm để có thể nhanh chóng giúp đỡ bản thân hoặc ai đó khi không may gặp phải tình trạng này.

Trước tiên là cần gây nôn. Điều này thường được áp dụng đối với những người có biểu hiện muốn nôn ói ngay sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc hay người còn tỉnh táo, chưa có triệu chứng ngộ độc.

Người bị ngộ độc thực phẩm cần được nhanh chóng dùng mọi biện pháp để nôn hết những thức ăn đã ăn vào. Các cách thức có thể áp dụng như uống 1 ly nước muối pha loãng (0,9%) rồi dùng ngón trỏ móc vào vị trí góc cuống lưỡi gần họng nhằm kích thích cảm giác nôn ở người bệnh.

Người bệnh nôn được càng nhiều càng tốt. Điều này giúp hạn chế chất độc có trong thực phẩm ngấm vào cơ thể, phát tán và gây hại.

Nếu người bệnh nằm nôn, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê cao đầu để chất độc không bị trào ngược vào phổi, hạn chế nguy cơ tử vong do sặc hoặc ngạt thở. Đối với trẻ em, người hỗ trợ cần thực hành động tác gây nôn khéo léo tránh gây trầy xước cổ họng trẻ. Đối với người đã rơi vào trạng thái hôn mê thì không nên kích nôn vì dễ gây sặc, ngạt thở.

Nạn nhân ngộ độc sau ăn bánh mì tại Đồng Nai phải chuyển lên TPHCM điều trị. Ảnh: Báo SK&ĐS.

Nạn nhân ngộ độc sau ăn bánh mì tại Đồng Nai phải chuyển lên TPHCM điều trị. Ảnh: Báo SK&ĐS.

Nếu trẻ bị nôn, hãy cho trẻ uống nước từng ngụm nhỏ để bù nước. Nếu người bệnh có kèm theo tiêu chảy hoặc chỉ bị tiêu chảy, điều quan trọng nhất là cố gắng thay thế chất lỏng và lượng muối đã mất.

Lúc này, có thể sử dụng dung dịch nước bù điện giải Oresol, song phải đọc kỹ hướng dẫn, pha nước theo đúng liều lượng chỉ định, không sử dụng dung dịch đã pha quá 24 tiếng, không đun sôi dung dịch…

Trường hợp, ngộ độc tập thể xảy ra, cần chia dung dịch Oresol riêng cho từng người, không uống chung để tránh người bị ngộ độc nhẹ có thể chuyển biến nghiêm trọng hơn. Nếu trẻ sốt cao, hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol 10 – 15 mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau 4 – 6 giờ. Đồng thời, giữ lại toàn bộ thức ăn, phân, chất nôn và các loại thuốc đã dùng để hỗ trợ quá trình chẩn đoán, xét nghiệm.

Quan sát người bệnh, nếu thấy tình trạng thở khó, cảm giác nghẹt thở thì nên dùng tay sạch kéo lưỡi người bệnh ra ngoài, tránh tụt vào trong, giúp người bệnh dễ thở hơn. Trường hợp ngộ độc thực phẩm nặng, người bệnh có thể có các dấu hiệu như loạn nhịp tim, khó thở hay tụt huyết áp.

Sau khi tiến hành quy trình sơ cứu ngộ độc thực phẩm bao gồm các cách gây nôn, bù nước… dù tình trạng người bệnh có dấu hiệu tỉnh táo vẫn cần được đưa tới các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và tiến hành thực hiện các bước cấp cứu khi cần thiết.

“Sau khi tình trạng ngộ độc thuyên giảm, người bệnh cần lưu ý ăn uống từ từ trở lại với những thức ăn nhạt, dễ tiêu như bánh mì, cơm, thịt gà, chuối… Ngừng ăn nếu cơn buồn nôn quay trở lại. Tránh các sản phẩm từ sữa, rau sống, caffeine, rượu, nicotin, thức ăn có nhiều chất béo hoặc cay trong vài ngày”, điều dưỡng Nguyễn Phương Thảo lưu ý.

Ngày 11/5, Bộ Y tế đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Sở An toàn thực phẩm TPHCM; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nêu trên phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương (tình hình kinh tế - xã hội, tình hình dịch bệnh)…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ