Xoay quanh vấn đề này, Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên - BV Nhi Trung ương.
- Xin BS chia sẻ về một số trường hợp điển hình đã tìm đến Khoa Sức khỏe Vị thành niên để khám và điều trị do rối loạn về tâm sinh lý khi học tập?
- Khoa Sức khỏe Vị thành niên vừa tiếp nhận một trường hợp HS nữ 11 tuổi bị trầm cảm, phản ứng lại việc học, không hợp tác với bố mẹ do gia đình chuyển con học vào một trường học mới mà con không muốn theo học.
Tuy trường mới được bố mẹ em cho biết là có chất lượng hơn ngôi trường em muốn theo học (do có nhiều bạn bè học ở đó), nhưng em đã không chấp nhận luôn cảm thấy buồn bã, không muốn đi học, chểnh mảng trong việc học tập dẫn đến kết quả học tập sút kém.
Có trường hợp, bố mẹ đưa đến khoa để tư vấn vì con từ chối đi học do bị bạn bè trêu chọc về hình thức. Thậm chí, em còn nhịn ăn gây mệt mỏi suy kiệt cơ thể vì muốn giảm cân.
Một trường hợp khác là em HS 12 tuổi. Em được mẹ đưa đến khoa do sau khi chuyển cấp từ tiểu học lên THCS, ngay từ học kì I lớp 6 kết quả học tập của em giảm rõ rệt. Em nhận kết quả học tập trung bình, đặc biệt học kém 3 môn Toán – Văn – Anh.
Sau buổi họp phụ huynh kì I, mẹ về đã kiểm tra sách vở của con thì nhận thấy tất cả các môn học con đều không viết bài và nếu có viết cũng không đọc được. Sách giáo khoa trẻ vẽ hình người kỳ quặc. Ở nhà, em không giao tiếp, tìm cách lẩn trốn ánh mắt và sự trò chuyện của người thân.
Em luôn ở trong phòng cả ngày, xem tivi hoặc điện thoại không để ý đến người thân. Người mẹ đã thấy rất nhiều thẻ nạp tiền trong phòng ngủ và phòng học của bạn HS này. Chị đã rất sốc, trong cơn nóng giận đã mắng chửi trẻ trong suốt 2 giờ liên tiếp, em chỉ im lặng và khóc. Người mẹ bất lực không biết phải làm thế nào với con…
Trong quá trình đánh giá và làm việc với các trường hợp này, chúng tôi nhận thấy các em có chung tình trạng là lo âu, buồn bã và rối loạn hành vi, cảm xúc.
- Đâu là yếu tố tác động lên tâm sinh lý của HS lứa tuổi vị thành niên trong quá trình học tập?
- Quá trình học tập của trẻ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố từ chỉ số trí tuệ của bản thân trẻ, hỗ trợ từ gia đình và nhà trường… Điều này đúng cho các trẻ ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ vị thành niên sẽ chịu các tác động khác đặc thù do sự thay đổi tâm sinh lý diễn ra trong giai đoạn này. Tác động này như sau:
Tính dễ bị ảnh hưởng của nhóm bạn cùng chơi. Nếu nhóm bạn của trẻ là những người mong muốn có kết quả học tốt, trẻ sẽ tích cực học cùng các bạn và ngược lại.
Tính độc lập, các vấn đề liên quan đến trẻ nên để trẻ được thảo luận. Ví dụ, học ở trường nào, học thêm như thế nào? Thầy cô nào dạy, thời gian học? Nếu trẻ không đồng tình quan điểm sẽ trễ nải trong việc học, thậm chí chống đối, bỏ học, làm giảm kết quả học tập.
Trẻ càng lớn càng có xu hướng mở rộng các mối quan hệ bạn bè, giao lưu nên sẽ “tốn” thêm thời gian cho các hoạt động này. Tuy vậy gia đình cũng không nên ngăn cấm mà nên cùng trẻ xây dựng kế hoạch học tập kết hợp với thư giãn một cách hợp lý.
Bước vào tuổi vị thành niên, trẻ bắt đầu để ý đến ngoại hình bản thân. Trẻ sẽ phần nào bị “phân tán” tư tưởng cho những hoạt động làm đẹp như cắt tóc, mua sắm quần áo, ngắm nghía bản thân trước gương… hoặc thậm chí không tập trung học được khi cho rằng cơ thể mình không đẹp, bị bạn bè chê cười.
- Cần nhìn nhận thế nào về tình trạng rối loạn tâm lý ở trẻ vị thành niên, thưa BS?
- Rối loạn tâm lý ở trẻ vị thành niên có xu hướng ngày càng gia tăng, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở trên thế giới. Điều này phần nào có thể hiểu được do sự chuyển giai đoạn từ trẻ con thành người trưởng thành của các trẻ vị thành niên. Tâm sinh lý trong giai đoạn này của trẻ thay đổi nhưng cha mẹ chưa có những hiểu biết đầy đủ về điều này dẫn đến các mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái.
Chúng tôi tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ phàn nàn, hạn chế giao tiếp, chống đối và có những rối loạn hành vi như kích động hoặc lo âu, trầm cảm vì cách cha mẹ đối xử với trẻ. Thậm chí bất đồng quan điểm giữa các thành viên trong gia đình trong việc nuôi dạy trẻ như giữa cha và mẹ, giữa ông bà với cha mẹ…
Các tác động từ môi trường bên ngoài như sức ép, căng thẳng trong học tập; mạng xã hội với thông tin chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ; sự phổ biến của các trò chơi điện tử… cũng là những yếu tố góp phần làm gia tăng các rối loạn tâm lý của trẻ.
Kết quả khảo sát của Khoa Sức khỏe Vị thành niên về rối loạn lo âu, trầm cảm và stress của các HS tại một số trường THCS khu vực Hà Nội và Hưng Yên, chúng tôi thấy tỉ lệ trầm cảm ở HS là 25,1%, lo âu là 28,3%, stress là 14,8%. Trẻ bị rối loạn hành vi và cảm xúc cũng gặp nhiều…
- Nạn quấy rối học đường đang trở thành nỗi lo lắng, ám ảnh của nhiều HS trung học. Các em có thể vượt qua khó khăn này bằng cách nào?
- Cần phải dạy các em những kỹ năng sống, biết cách cư xử với bạn bè, biết cách giải quyết và đương đầu với các khó khăn. Biết cách nhận biết những bất thường của bản thân, biết cách giải tỏa các áp lực trong cuộc sống.
- Chuyển cấp học được coi là giai đoạn ẩn chứa nhiều khó khăn với HS tuổi vị thành niên. Chia sẻ của TS về thực trạng này?
- Như trên tôi đã chia sẻ về trường hợp HS chuyển cấp bị rối loạn tâm lý. Khá nhiều HS bị rơi vào tình trạng này. Chuyển cấp có thể xem là một “sang chấn” với các em vì sự thay đổi môi trường học tập, thay đổi các mối quan hệ bạn đã có từ trước…
Về vấn đề học tập, chương trình học ở cấp THCS, THPT có nhiều sự khác biệt hơn so với cấp tiểu học. Số lượng các môn học tăng lên, mỗi một môn có một GV riêng dẫn đến việc GV thay đổi liên tục sau mỗi giờ học. Đồng thời, số lượng môn học nhiều, yêu cầu trẻ phải viết nhiều hơn, tốc độ viết nhanh hơn so với trước và trẻ chưa thích nghi kịp với những yêu cầu này.
Lượng kiến thức trẻ cần học cũng nhiều lên rõ rệt, số lượng bài tập về nhà trẻ cần hoàn thành cũng nhiều hơn trước. Trẻ cảm thấy rất khó khăn để có thể cân bằng việc chép bài đầy đủ và nghe được hết những kiến thức thầy cô giảng. Từ đó, kết quả học tập của trẻ cũng không thể duy trì tốt như trước.
Các em sẽ phải có một thời gian để thích nghi với các thay đổi này. Với những em có sự hỗ trợ đúng cách, tích cực từ cha mẹ, từ thầy cô giáo, có sức khỏe thể chất và tâm thần khỏe mạnh sẽ dễ dàng vượt qua thử thách này. Nếu không sẽ có thể có các rối loạn tâm lý phát sinh.
- Theo TS, gia đình, nhà trường và xã hội cần có những hành động nào để chăm sóc, bảo vệ trẻ tuổi vị thành niên vượt qua được ngưỡng cửa nhiều khó khăn này?
- Về phía cha mẹ, cần dành đủ thời gian cho con cái, cập nhật các kiến thức về sự thay đổi của trẻ trong giai đoạn vị thành niên để từ đó có cách hỗ trợ hiệu quả và tương tác một cách phù hợp với độ tuổi của trẻ. Tránh tình trạng con đã lớn mà cha mẹ vẫn “đứng yên”, coi con vẫn chỉ như trẻ mẫu giáo, tiểu học mà không kịp thời bắt nhịp với sự thay đổi tâm sinh lý tuổi vị thành niên.
Về phía trẻ vị thành niên, các em cần được trang bị các kỹ năng sống. Cần biết xây dựng kế hoạch học tập, nghỉ ngơi hợp lý.
Nhà trường có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các chương trình giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi HS. Trường học nên đưa việc dạy các kỹ năng sống cho trẻ trong chương trình học chính thức hoặc trong các buổi ngoại khóa.
Các thầy cô giáo nên biết về các dấu hiệu nhận biết trẻ có những nghi ngờ rối loạn tâm lý. Tại Khoa Sức khỏe Vị thành niên, nhiều cha mẹ đưa con đến khám vì thầy cô thấy trẻ bất thường và khuyên cha mẹ nên đưa trẻ đi kiểm tra. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu sẽ giúp ngăn ngừa, giải quyết các vấn đề từ sớm, hạn chế để trở nên bị nghiêm trọng hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn BS!