Mang văn hóa dân tộc vào các tiết học thực tế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trường THPT Hữu Lũng (Lạng Sơn) đặc biệt chú trọng, lồng ghép để giáo dục HS gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc vào môn học giáo dục địa phương.

Học sinh Trường THPT Hữu Lũng thuyết phục món ăn trong môn giáo dục địa phương. Ảnh NT.
Học sinh Trường THPT Hữu Lũng thuyết phục món ăn trong môn giáo dục địa phương. Ảnh NT.

Mỗi chủ đề đều gắn với văn hóa của địa phương

Theo chia sẻ của cô Hoàng Thị Loan – Phó hiệu trưởng Trường THPT Hữu Lũng – huyện Hữu Lũng – tỉnh Lạng Sơn, năm học 2022-2023 Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT có thêm môn học giáo dục địa phương. Theo đó, để tổ chức cho môn học này hiệu quả nhà trường đã cử giáo viên tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, bồi dưỡng do Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn tổ chức.

Sau khi đi tập huấn về, giáo viên sẽ căn cứ trên những kiến thức mình đã tập huấn sẽ họp với các tổ chuyên môn để xây dựng chương trình hoạt động cho môn học giáo dục địa phương.

“Chúng tôi đặc biệt lưu ý các tổ chuyên môn cần bám sát trên cơ sở khung chương trình của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn thực hiện của phòng chuyên môn Sở GD&ĐT Lạng Sơn để biên soạn nội dung cho từng chủ đề”, cô Loan cho biết.

Theo đó, Trường THPT Hữu Lũng thực hiện xây dựng hoạt động cho môn học giáo dục địa phương từ việc xác định yêu cầu cần đạt, các thiết bị, công nghệ cần sử dụng, hình thức tổ chức theo mỗi chủ đề.

Phân công người thực hiện theo từng chủ đề phù hợp với năng lực, tình hình đội ngũ của nhà trường.

Các món ăn truyền thống xôi 7 màu của học sinh Trường THPT Hữu Lũng làm. ẢnH NT.

Các món ăn truyền thống xôi 7 màu của học sinh Trường THPT Hữu Lũng làm. ẢnH NT.

“Trong quá trình thực hiện hoạt động giáo dục địa phương, nhà trường vẫn tiếp tục tư vấn, hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí… để thực hiện”, cô Loan cho biết.

Tạo sự gần gũi cho học sinh

Cô Loan cũng cho biết thêm, chương trình hoạt động giáo dục địa phương lớp 10 của tỉnh Lạng Sơn đưa nhiều chủ đề, nội dung gần gũi với đời sống của học sinh và có thể được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú (cuộc thi, giao lưu với khách mời, trải nghiệm…).

Đặc biệt, các chủ đề cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học của nhà trường đảm bảo cho việc thực hiện; đội ngũ giáo viên có nhận thức đầy đủ về vai trò của các hoạt động giáo dục và sự ủng hộ của phụ huynh học sinh là những điều kiện thuận lợi để nhà trường tổ chức có hiệu quả hoạt động giáo dục địa phương.

“Nhờ vậy mà các hoạt động trong môn giáo dục địa phương có sự đa dạng, phong phú về hình thức tổ chức hoạt động, thu hút và hấp dẫn học sinh tích cực tham gia. Trong năm học này nhà trường chọn một số chủ đề để tổ chức chung cho toàn khối, như: chủ đề về ẩm thực, chủ đề về tìm hiểu các làn điệu hát then, chủ đề về phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường ở Lạng Sơn.

Các chủ đề thực hiện chung được xây dựng kế hoạch như các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm có quy mô nhà trường. Các chủ đề còn lại giao cho giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm các lớp thực hiện theo thời khoá biểu”, cô Loan chia sẻ.

Mỗi nhóm học sinh sẽ có một cách trình bày về món truyền thống khác nhau. Ảnh NT.

Mỗi nhóm học sinh sẽ có một cách trình bày về món truyền thống khác nhau. Ảnh NT.

Theo chia sẻ của Nguyễn Quỳnh Anh – học sinh lớp 10 Trường THPT Hữu Lũng – huyện Hữu Lũng – tỉnh Lạng Sơn: “Chương trình GDPT 2018 có thêm môn học giáo dục địa phương giúp cho chúng em có cơ hội học cũng như tìm hiểu kỹ về văn hóa của quê hương mình; trau dồi thêm hiểu biết cho bản thân các lĩnh vực khác nhau như: lịch sử, ẩm thực.... Đặc biệt, mỗi chủ đề là một trải nghiệm bản thân người học phải tự khám phá.

Ví dụ: chủ đề ẩm thực chúng em được làm các món ăn ở truyền thống có ở các địa phương mình, tìm hiểu cách biến và quá trình làm món ăn đó chúng em rút ra kinh nghiệm cũng như bài học để quá trình thuyết trình được hiểu hơn.

Bên cạnh đó, qua môn học này chúng em có thể giới thiệu với bạn bè ở khắp các vùng miền về đặc trưng của quê hương xứ Lạng của mình.

9 Chủ đề chương trình giáo dục địa phương lớp 10 ở Lạng Sơn như sau:

Chủ đề 1. Truyện cổ tích Lạng Sơn

Chủ đề 2. Ẩm thực và sản vật xứ Lạng

Chủ đề 3. Một số làn điệu Then tiêu biểu của tỉnh Lạng Sơn

Chủ đề 4. Người nguyên thủy trên vùng đất Lạng Sơn

Chủ đề 5. Lạng Sơn trong việc thực thi chính sách dân tộc của các triều đại phong kiến từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX

Chủ đề 6. Phát huy thế mạnh của địa phương về vị trí địa lý để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn

Chủ đề 7. Thế mạnh về tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn

Chủ đề 8. Khái quát chính quyền cơ sở tỉnh Lạng Sơn

Chủ đề 9. Phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường tại Lạng Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ