Tự lập từ sớm
Sinh ra và lớn lên ở Sơn La một tỉnh miền núi phía Tây Bắc, là chị cả trong một gia đình có 4 anh chị em, có em gái mắc bệnh Down nên Giàng Thị Si thấu hiểu được những nhọc nhằn, vất vả của cha mẹ. Bởi vậy, em luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng, nỗ lực học tập tốt để có thể giúp đỡ gia đình, vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Từ nhỏ, Si đã bộc lộ tinh thần hiếu học, trường tiểu học cách nhà hơn 15km do đi lại vô cùng khó khăn, nhiều bạn cùng trang lứa bỏ học giữa chừng để ở nhà làm nương rẫy, nhưng với Giàng Thị Si, cô gái nghị lực luôn khao khát được đến trường, em đã vượt qua nhiều khó khăn, tạm xa gia đình để tới trường nội trú học tập.
Lên cấp 3, em may mắn thi thi đỗ vào trường PT DTNT của tỉnh Sơn La, sau khi tốt nghiệp Si xét tuyển vào ngành Kinh doanh Quốc Tế - Khoa Quốc Tế (Đại học Thái Nguyên), cô gái người Mông ấy lại tiếp tục vượt quãng đường gần 400km để về TP. Thái Nguyên sinh sống và học tập.
Nữ sinh người dân tộc Mông Giàng Thị Si (ngoài cùng bên phải) luôn cố gắng nỗ lực mỗi ngày để thay đổi cuộc sống. |
“Nhớ lại thời điểm mới xa nhà để lên trường nội trú học, em cảm thấy mọi thứ đều bỡ ngỡ, xa gia đình từ khi còn quá nhỏ ở độ tuổi vẫn cần được bố mẹ bao bọc, đã có lúc em bật khóc vì nhớ bố mẹ, nhưng không vì thế mà em bỏ cuộc. Được sự quan tâm của thầy cô, bạn bè, em đã lấy đó làm động lực để cố gắng nhiều hơn. Dần dần em cũng nhanh chóng hòa nhập được với môi trường và cố gắng, nỗ lực rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.” Si xúc động chia sẻ
Với cố gắng nỗ lực không ngừng, nhiều năm liền em được nhận nhận khen của nhà trường vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập. Với tính cách giản dị, hòa đồng em luôn được thầy cô, bạn bè quý mến. Tuy là người dân tộc thiểu số nhưng Si luôn tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp, khiêm tốn, giúp đỡ bạn bè, Si là tấm gương sáng để nhiều học sinh người dân tộc thiểu số noi theo.
Hành trình vươn tới ước mơ
Từ một học sinh nói tiếng phổ thông chưa sõi, nay Si đã trở thành sinh viên năm cuối Khoa Quốc tế (ĐH Thái Nguyên), được học tập trong một môi trường năng động, sáng tạo, đa ngôn ngữ, có cơ hội gặp gỡ và học hỏi bạn bè từ khắp các nước trên thế giới, cô gái người dân tộc Mông Giàng Thị Si đã không ngừng cố gắng, chăm chỉ và nhờ thông thạo tiếng Anh Si đã từng bước gặt hái được những trái ngọt đầu tiên.
Giàng Thị Si vinh dự là một trong những sinh viên của Khoa Quốc tế báo cáo tại hội thảo quốc tế về hợp tác đa ngành lần thứ 18 do Đại học Thái Nguyên phối hợp cùng Trường Đại học Philipine Christian tổ chức; Chứng nhận tham gia hội trại anh ngữ Clever camp; Bên cạnh đó, nhờ tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động phong trào như gây quỹ từ thiện, tổ chức chương trình ngoại khóa, hiến máu tình nguyện… nhờ đó Si đã nhận được nhiều giấy khen, chứng nhận của tổ chức Đoàn Hội.
Giàng Thị Si tích cực tham gia hoạt động đoàn và các phong trào thanh niên. |
Chia sẻ về ước mơ của mình, Si cho biết: Quê hương em hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân còn khổ cực chủ yếu dựa vào lao động chân tay, chưa biết phát triển kinh tế. Chính vì vậy, em sẽ học tập thật tốt, để sau này trở về cống hiến cho địa phương, góp sức xây dựng quê hương trở nên văn minh giàu đẹp hơn. Đồng thời, góp phần thay đổi nhận thức của người dân tộc Mông...
ThS. Đặng Mai Hương giáo viên chủ nhiệm lớp IBK9B khoa Quốc tế (ĐH Thái Nguyên) cho biết: Giàng Thị Si là học sinh người dân tộc thiểu số, tuy nhiên với tính cách năng động, hoạt bát, cầu thị luôn tích cực và không ngừng học hỏi, Si đã có được kết quả học tập tốt, trau dồi và rèn luyện được nhiều kỹ năng như giao tiếp, thuyết trình, đặc biệt nhờ trang bị tốt ngoại ngữ, cụ thể là Tiếng Anh Si đã có thể tự kiếm thêm thu nhập thông qua các công việc làm thêm và phát triển bản thân ở môi trường quốc tế.