Chậm hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Do cách giải quyết của từng địa phương?

GD&TĐ - Tài Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ông Tạ Minh Tâm, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng cần phát huy hiệu quả các gói hỗ trợ cho lao động.

Nhiều lao động cho biết, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động còn nhiều người chưa được hưởng.
Nhiều lao động cho biết, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động còn nhiều người chưa được hưởng.

Nhiều công nhân, lao động đề nghị Chính phủ thúc đẩy thực hiện chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động còn nhiều người chưa được hưởng.

Chính sách hỗ trợ riêng

Ông Tâm cho biết, việc ban hành các nghị quyết đã rất kịp thời, nhằm ứng phó với hoàn cảnh bất thường, chưa từng có tiền lệ. Từ khi được ban hành đến nay đã hơn 4 tháng, còn không ít nội dung đang trong quá trình tham vấn, trao đổi giữa các cơ quan chức năng. Thủ tướng đã phải có các công điện để đôn đốc, chỉ đạo các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ để người dân và doanh nghiệp sớm được thụ hưởng chính sách.

Theo ông Tâm, trên thực tế còn có những vướng mắc, lúng túng, chậm hướng dẫn trong thực thi các chính sách. Cụ thể như giảm thuế VAT, việc hỗ trợ lãi suất hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và tiền thuê đất…

Ông Tâm nêu vấn đề mục tiêu đặt ra của các gói hỗ trợ là phải giải ngân trong năm nay. Đồng thời, các thủ tục triển khai phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, không xảy ra tình trạng xin cho, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, 2 năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Thường trực Chính phủ, Thủ tướng rất quyết liệt trong việc chỉ đạo ban hành các chính sách liên quan đến người lao động, các đối tượng yếu thế.

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, các ủy ban, nhất là Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho Chính phủ ban hành rất nhiều chính sách liên quan, hỗ trợ người lao động. Đặc biệt, trong đó có nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ, ban hành với tốc độ nhanh nhất, sớm nhất và có hiệu quả.

Đặc biệt là Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động trong phòng chống dịch, Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tổng kết việc thực hiện 2 Nghị quyết này cho thấy, đã có 55 triệu lượt người được thụ hưởng với 81.000 tỷ đồng. Đây là con số chưa từng có trong lịch sử.

Cho đến nay, Nghị quyết 68 với 12 nhóm chính sách chỉ còn một nhóm chính sách duy nhất là hỗ trợ đào tạo đến ngày 30/6 sẽ kết thúc. Còn lại 11 nhóm chính sách về hỗ trợ người lao động đã kết thúc. Nghị quyết 116 hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp chỉ còn lại 2 đối tượng là các cơ sở thuộc đơn vị sự nghiệp sẽ hỗ trợ nốt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, các chính sách đã được bao phủ tương đối rộng rãi. Đối với công nhân lao động, con em công nhân lao động bị ảnh hưởng Covid-19 là nội dung rất được quan tâm trong xây dựng chính sách. Trẻ em mồ côi cha, mẹ đều có chính sách hỗ trợ riêng. Việt Nam được các đối tác nước ngoài đánh giá là một trong những quốc gia tổ chức chăm sóc trẻ em mồ côi tốt nhất thế giới.

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cũng như chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch là một trong những chính sách được triển khai nhanh nhất, sớm nhất.

Hiện nay, chỉ có 2 tỉnh không có đối tượng hỗ trợ là Điện Biên và Lai Châu. Còn 61 tỉnh, thành đã tập hợp xong danh sách. Theo số liệu do địa phương tổng hợp, có 3,4 triệu lượt người được hỗ trợ. Trong đó, phân thành 2 nhóm gồm hỗ trợ những người kiên trì bám trụ sản xuất, nhóm 2 là hỗ trợ người lao động sản xuất.

Về lý do tiền chưa giải ngân nhiều, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nhiều địa phương có thêm thủ tục do đặc thù từng tỉnh thành. Một số tỉnh muốn chi trả tiền hỗ trợ tròn 3 tháng, một số địa phương lại lấy từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho người lao động.

Xử lý nghiêm

Về thắc mắc của người lao động liên quan tới việc rút bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích, cả nước có 55 triệu lao động trong đó có 20 triệu người lao động có giao kết hợp đồng lao động. Trong đó, 15 năm qua, quá trình phát triển bảo hiểm xã hội ở Việt Nam là một thành tích đáng nể.

Dù vậy, Bộ trưởng xác nhận, trong quý I, quý II/2022, có tình trạng một tỷ lệ người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo ông Đào Ngọc Dung, điều này có khả năng gây hệ lụy lâu dài với người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu.

Để tránh tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, trước tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân, người lao động.

Cùng với đó, ông Dung cho biết, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội phù hợp với tình hình thực tế. Bộ đã tiếp thu, tổng hợp 11 nhóm chính sách để đổi mới, theo hướng phù hợp với tình hình thực tế.

Trong đó, có nhóm chính sách về giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để người lao động theo được quá trình đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, dự kiến thời gian đóng bảo hiểm xã hội rút xuống còn 15 năm (trước đây là 20 năm) và tiến tới còn đóng bảo hiểm xã hội 10 năm.

Nhóm chính sách tiếp theo đó là tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm bảo hiểm xã hội. Có những cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, sẽ xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khó khăn để mua bán sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Ông Đào Ngọc Dung cũng thông tin thêm, cho đến nay, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần đã giảm đi đáng kể so với quý I/2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ