Tránh trục lợi hay bỏ sót đối tượng
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết, trong hai năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã tác động đa chiều và để lại hậu quả lâu dài với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong năm 2020, Việt Nam có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Năm 2021 được kỳ vọng phục hồi nhưng thực tế, sự bùng phát phức tạp của đợt dịch thứ 4 kéo dài đã phá vỡ mọi tính toán. Thậm chí còn tác động đến thị trường lao động nghiêm trọng hơn so với hậu quả của những đợt bùng phát dịch bệnh trước đó.
Cục trưởng Vũ Trọng Bình cũng nhận định, cung - cầu lao động của thị trường lao động bị tác động tiêu cực theo nhiều chiều hướng, nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng. Số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm việc, ngừng việc lớn khiến cho số lao động có việc làm giảm mạnh. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm đảo chiều. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tiền lương, thu nhập giảm. Đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn và cuối cùng, có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.
Ông Bình cho hay: “Mục đích của chính sách là chia sẻ, hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân lao động để có nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra còn thu hút được lao động vào làm việc, hạn chế việc doanh nghiệp phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là thu hút trở lại những lao động do tác động của đại dịch Covid-19 đã phải di chuyển từ các trung tâm kinh tế - xã hội về quê”.
Theo ông Vũ Trọng Bình, đã có 2 đợt di chuyển lao động lớn xảy ra trong năm 2021 là đợt cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021 và đợt đầu tháng 10/2021.
Do e sợ dịch bệnh, lo ngại không có việc làm, thu nhập bấp bênh, không đảm bảo cuộc sống tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam... nên có khoảng 2,2 triệu người đang làm việc tại khu vực này đã trở về địa phương. Điều này gây ra nguy cơ thiếu hụt lao động cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
Về thủ tục, việc triển khai chi trả tiền hỗ trợ sẽ thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Điều này nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách.
Bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) - cho rằng, để tránh khả năng trục lợi từ chính sách, quy trình xác nhận khá chặt chẽ từ nhiều cấp và các bên. Cụ thể như chủ nhà trọ, tổ dân phố, công an khu vực, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Cơ quan tham mưu cũng đã đưa vào thêm căn cứ xác định người được hỗ trợ là danh sách người lao động theo bảng lương thực tế cũng giúp hạn chế tình trạng bỏ sót đối tượng hỗ trợ.
Còn nhiều băn khoăn
Nhiều người cho rằng, việc đơn giản hóa thủ tục nhận hỗ trợ cần tiến hành đồng bộ, thống nhất. Ví dụ như việc xác nhận đóng bảo hiểm rồi thì không cần bảng lương.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết: “Trong thực tế, bên cạnh những lao động làm việc theo hợp đồng lao động và có tên trong danh sách đóng BHXH, vẫn có những trường hợp không đóng BHXH. Chính vì vậy, Quyết định số 08 quy định cả căn cứ bảng lương, bên cạnh thông tin thể hiện ở danh sách đóng BHXH để tránh bỏ sót đối tượng được hỗ trợ”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lo ngại việc xác nhận của chủ nhà trọ và người lao động khi làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ thuê nhà có thể sẽ bất cập. Điều này có thể gây ra trục lợi chính sách hoặc thậm chí khó khăn cho người lao động.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm - nêu rõ, khi tham mưu, Cục đã tính tới thực tế sự đa dạng về hình thức thuê trọ, quan hệ giữa chủ nhà và người lao động ở từng địa phương. Để bám sát thực tế, Quyết định 08 đã phân rất rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, bảo hiểm...
“Khi giải quyết thủ tục nhận hỗ trợ tại địa phương, người thuê trọ cần dựa vào chủ nhà trọ, tổ dân phố, công đoàn cơ sở, công an khu vực và chính quyền địa phương. Trên cơ sở nguyên tắc chung, Quyết định 08 giao trách nhiệm chính cho chính quyền địa phương để chủ động có cách thức nắm thông tin về người lao động thuê trọ trên địa bàn”, ông Vũ Trọng Bình nói.
Quyết định 08 cũng đã ghi rõ mẫu xác nhận của chủ nhà trọ, doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội. Đây là những căn cứ để trình cơ quan quản lý cấp huyện xem xét tiếp theo.
Còn nếu trường hợp chủ nhà không chịu xác nhận. Người lao động có thể thông qua chính quyền địa phương để làm rõ thông tin và yêu cầu xác nhận nếu có thời gian thuê trọ phù hợp quy định.
Cục trưởng Cục Việc làm cũng cho biết thêm, trường hợp người thuê và chủ trọ không có văn bản hợp đồng thuê nhà thì chỉ cần chủ nhà xác nhận theo mẫu. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, tỉnh và cơ quan công an xác nhận để làm rõ tình trạng người lao động thuê trọ.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết: “Chính sách này rất kịp thời để giúp người lao động ổn định, phục hồi thị trường lao động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng rất lưu ý về thủ tục xin xác nhận. Bởi nhiều chủ nhà trọ không có mặt tại địa phương, nhóm công nhân thuê nhà trọ chỉ có 1 người đại diện thuê nên việc lấy chữ ký xác nhận sẽ có chỗ triển khai chậm, chỗ triển khai nhanh nên cơ quan quản lý như Bộ và Sở LĐ-TB&XH cần tăng cường giám sát”.