Chậm hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Nhiều địa phương "vin vào"… lý do khách quan

GD&TĐ - Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ có hiệu lực từ 1/4, song đến nay, nhiều địa phương vẫn đang trong giai đoạn ban hành kế hoạch. Nhiều lao động cho biết còn vướng mắc ở khâu xác nhận từ phía chủ nhà trọ. 

Cần rà soát địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng. Ảnh minh họa
Cần rà soát địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng. Ảnh minh họa

Khó khăn từ phía xác nhận của chủ nhà trọ

Khi biết thông tin sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà tùy theo đối tượng và đáp ứng các điều kiện, nhiều lao động vô cùng phấn khởi. Bởi với hầu hết công nhân lao động ngoại tỉnh, tiền thuê nhà là một trong những khoản chi phí lớn.

Đặc biệt, hơn hai năm nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều người bị giảm việc, ngừng việc, mất việc làm dẫn đến thu nhập bị giảm sút. Trong khi phải chi phí cho tiền phòng, chống dịch, cộng với giá sinh hoạt tăng khiến cuộc sống càng thêm khốn khó.

Trong giấy đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà, cần có thông tin xác nhận của chủ cơ sở cho thuê trọ. Nhiều chủ nhà trọ cho biết sẵn sàng hỗ trợ công nhân hoàn thiện hồ sơ nhằm bớt đi phần nào khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có chủ nhà không nắm được thông tin về gói hỗ trợ này.

Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, theo thống kê sơ bộ, công ty có khoảng 600 người đang thuê trọ. Hiện công ty cũng đang để người lao động đăng ký và lập danh sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo phản ánh từ công nhân, họ gặp khó khi chủ nhà ký xác nhận bởi họ lo ngại lộ thông tin và truy thu thuế nếu có. Thêm vào đó, nhiều chủ nhà trọ không ở tại nơi đó mà ủy quyền cho người thân trông coi. Những người này không xác nhận thuê trọ cho công nhân. Còn việc xác nhận từ phía BHXH theo quy trình thì hiện tại không gặp khó khăn do đơn vị thực hiện đầy đủ chính sách BHXH.

Ông Lê Đình Quảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Chúng tôi cũng nhận được phản ánh việc triển khai chính sách này tại các địa phương còn chậm do có vướng mắc về xác nhận từ phía chủ nhà trọ. Do đó, thời gian tới, theo chức năng, công đoàn sẽ tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện để có kiến nghị gỡ khó khăn”.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Thành phố đã rút gọn thủ tục nhận hỗ trợ thông qua việc ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã xét duyệt, chi trả hỗ trợ tiền trọ ba tháng cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và quay lại thị trường.

Với việc ủy quyền, thời gian giải quyết từ khi doanh nghiệp nhận đơn đề nghị đến khi tiền hỗ trợ về tới lao động khoảng 11 - 13 ngày. Sau khi được UBND quận, huyện xét duyệt, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp chi trả tiền cho doanh nghiệp trong 2 ngày.

Theo quy định của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố là cấp cuối cùng duyệt hồ sơ và cấp kinh phí hỗ trợ về doanh nghiệp. Người lao động ở Hà Nội làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu nộp lên công ty. Doanh nghiệp lập danh sách, công khai tại nơi làm việc trong 3 ngày rồi gửi tới cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác nhận lao động đang đóng bảo hiểm.

Hồ sơ sau đó tiếp tục gửi về UBND cấp huyện thẩm định. Doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến tới cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đặt trụ sở đề nghị xác nhận. Thời gian cấp huyện tiếp nhận hồ sơ chậm nhất hết ngày 15/8.

Bảo đảm hỗ trợ đúng người, tránh trục lợi

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cho biết, sau khi có quyết định của thành phố, các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phải trực tiếp đến thông tin đến doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp lập danh sách người lao động đủ điều kiện để nhận hỗ trợ.

“Việc UBND TP Hà Nội ủy quyền cho UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ sẽ rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ. Theo quy trình phải mất đến 7 ngày nhưng nay rút gọn 4 ngày và sớm nhất sẽ triển khai hỗ trợ tiền thuê trọ trong tuần tới”, ông Khánh cho biết.

Ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TPHCM thông tin, cơ quan này đã có hướng dẫn xác nhận danh sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà theo QĐ 08. Theo đó, đối với lao động đang làm việc theo quy định tại Điều 4, Chương II, QĐ 08, đơn vị sử dụng lao động lập danh sách theo mẫu số 02 ban hành kèm theo QĐ 08. Thời hạn nộp hồ sơ hằng tháng hoặc gộp 2 tháng hoặc 3 tháng, chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022.

Theo ông Mến, trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được mẫu số 02, mẫu số 03 của đơn vị, cơ quan BHXH sẽ xác nhận việc tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp danh sách đơn vị không khớp đúng so với dữ liệu cơ quan BHXH đang quản lý thì cơ quan này trả lại danh sách kèm phiếu hướng dẫn gửi cho đơn vị để bổ sung, hoàn chỉnh và nộp lại kịp thời. Nếu đơn vị thực hiện lập hồ sơ không đúng đối tượng theo quy định, chậm trễ hồ sơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Để đảm bảo việc hỗ trợ được chặt chẽ và không trục lợi, bà Đỗ Minh Loan, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Đông (HN) cho rằng: “Chúng tôi sẽ đề nghị Công an quận chỉ đạo công an các phường rà soát và lập danh sách những chủ nhà có phòng trọ và những người lao động thuê. Tổ thẩm định sẽ căn cứ danh sách và hồ sơ chủ sử dụng lao động gửi đến để xem xét phê duyệt. Đối với những trường hợp người lao động hay chủ nhà trọ không đúng với danh sách thì công an kiểm tra lại...”.

Với huyện Thanh Trì (HN) có khoảng 3.500 doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Trì Hoàng Văn Huệ cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan BHXH, Ban Quản lý khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền để người lao động tự giác, trung thực. Nếu trường hợp nào cảm thấy băn khoăn chúng tôi sẽ nhờ công an xác minh. Trường hợp có vướng mắc gì, chúng tôi sẽ kiến nghị với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tháo gỡ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...