Lúng túng trong việc hướng dẫn doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, tính đến ngày 3/6, ngoài Lai Châu, Điện Biên không có đối tượng hỗ trợ, thì hiện tất cả UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản triển khai thực hiện. Bên cạnh đó là phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các cấp tại địa phương. Báo cáo của các Sở LĐ-TB&XH tính đến ngày 3/6 cho thấy, đã có 19 tỉnh, thành phố nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp.
Bà Hà cho biết, tiến độ triển khai thực hiện chính sách chậm. Một số địa phương chưa chủ động, chậm triển khai thực hiện. Có địa phương đến cuối tháng 5/2022 mới ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 08.
Việc thông tin, tuyên truyền, giải thích cho người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ về các chính sách cũng như điều kiện hỗ trợ ban đầu chưa cụ thể. Kết quả phê duyệt và giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn thấp.
Lý giải nguyên nhân, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, một số cán bộ cấp huyện chưa nắm vững chuyên môn, còn lúng túng trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, e ngại trong việc triển khai chính sách.
“Một số địa phương lúng túng trong việc bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện. Một số doanh nghiệp không nắm chắc, e ngại trong việc liên lụy khi người lao động trục lợi chính sách nên yêu cầu người lao động các giấy tờ chứng minh phát sinh so với quy định. Ví dụ như yêu cầu người lao động cung cấp giấy đăng ký tạm trú, hợp đồng thuê nhà”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói.
Bà Hà khẳng định, mặc dù thủ tục viết đơn, xác nhận lập danh sách rất đơn giản nhưng do nhiều doanh nghiệp, người lao động chưa chủ động hoàn thiện hồ sơ dẫn đến việc lập danh sách đề nghị của các doanh nghiệp. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động rất chậm.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 7 Quyết định số 08/2022, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ gộp 2 tháng hoặc 3 tháng nên nhiều doanh nghiệp chờ đủ thời gian để làm gộp hồ sơ 2 hoặc 3 tháng đề nghị hỗ trợ. Vì vậy, đến nay UBND cấp huyện chưa nhận nhiều hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 431 về việc tăng cường các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
“Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, bảo đảm hoàn thành trong tháng 8/2022” - bà Hà thông tin.
Ngày 31/5 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn về việc triển khai Quyết định số 08 quy định chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Phản ánh về vướng mắc trong hỗ trợ tiền thuê nhà
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, hiện có gần 1,2 triệu người lao động trên địa bàn thành phố có nhu cầu nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ với tổng kinh phí dự kiến gần 2.100 tỉ đồng. Trong đó, hơn 987 nghìn người lao động đang làm việc và hơn 205 nghìn người quay lại thị trường lao động.
Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã có công văn khẩn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Sở này cho biết, liên quan khái niệm “Người sử dụng lao động”, Quyết định 08 quy định: “Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh có thuê mướn, sử dụng lao động làm theo thỏa thuận”.
Điều này có thể hiểu là chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh mới đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Còn lại, với các loại hình như văn phòng đại diện, cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập, các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, hội, hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật... thì lao động không thuộc đối tượng hỗ trợ?
Về đối tượng và điều kiện thụ hưởng, theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg thì người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ. Tuy nhiên, đối chiếu quy định thì một số trường hợp đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, không phải đóng bảo hiểm xã hội, gồm cả người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản, người lao động nghỉ việc hưởng hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng. Vì vậy, chưa xác định rõ 2 nhóm trên liệu có không thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không.
Ngoài ra, Quyết định 08 nêu, đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể đề nghị bảo hiểm xã hội xác nhận gộp 2 tháng hoặc 3 tháng. Còn với người lao động quay trở lại thị trường lao động thì không có quy định xác nhận gộp. Vậy trường hợp này doanh nghiệp phải đề nghị hỗ trợ theo từng tháng hay được thực hiện gộp nhiều tháng?
Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nên có hướng dẫn xử lý trong trường hợp doanh nghiệp có hành vi chậm chi trả cho người lao động.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo kiểm tra thông tin. Bảo đảm thủ tục hành chính hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà theo Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi.