Chấm dứt đặt “tên trường oai” để lừa tuyển sinh

GD&TĐ - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH vừa hoàn thành dự thảo thông tư trong đó có quy định về đặt tên trường. Dự thảo được kỳ vọng chấm dứt đặt tên trường không đúng bản chất hoạt động.

Tay nghề người lao động là thước đo thương hiệu của cơ sở đào tạo.
Tay nghề người lao động là thước đo thương hiệu của cơ sở đào tạo.

Cấm “dán mác” tỉnh, thành khác

Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định điều lệ trường trung cấp, điều lệ trường cao đẳng mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra nguyên tắc đặt tên trường cao đẳng và trung cấp.

Theo đó, yêu cầu tên trường bằng tiếng Việt phải có cụm từ xác định loại trường (trường cao đẳng, cao đẳng cộng đồng, trường trung cấp). Phải có cụm từ xác định loại hình, lĩnh vực hoặc nhóm ngành, nghề đào tạo chính (nếu cần), cụm từ xác định chất lượng, đẳng cấp (nếu cần). Tên trường không được trùng với tên của trường CĐ đã thành lập trước đó…

Ở nguyên tắc cụm từ xác định tên riêng, có thể đặt tên địa phương, tên danh nhân văn hóa, tên danh nhân lịch sử, tên cá nhân, tên tổ chức. Đặc biệt, cụm từ xác định tên địa phương phải gắn với nơi đặt trụ sở chính của trường. Việc đặt tên riêng của trường phải rõ ràng, không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của nhà trường, không gây nhầm lẫn về đẳng cấp, thứ hạng trường. Đây chính là điểm mới trong quy định đặt tên trường.

Theo quy định mới này, sẽ có nhiều trường cao đẳng, trung cấp phải đặt lại tên đúng với thực tế, chất lượng đào tạo trong thời gian tới. Ví dụ như trường ở địa phương này không được lấy địa phương khác để đặt tên. Điều này sẽ chấm dứt tình trạng các trường đặt tên chưa đúng bản chất hoạt động, tạo sự nhầm lẫn cho người học.

Trước đó, phụ huynh và người học hoang mang khi có tình trạng một số trường cao đẳng có trụ sở ở một nơi, nhưng tên trường lại liên quan đến các địa danh lớn khác.

Chẳng hạn Trường quốc tế Nam Việt có giấy phép thành lập của Bộ LĐ-TB&XH năm 2008, trụ sở chính tại thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Nhưng năm 2018 lại được đổi tên thành Trường CĐ Y Dược Sài Gòn, thực hiện tuyển sinh và đào tạo một số ngành khối sức khỏe tại cơ sở Nha Trang, Q. Bình Tân (TPHCM) và Q.12 (TPHCM).

Hay Trường CĐ Y Dược Hà Nội trong giấy phép đăng ký hoạt động lại có trụ sở tại Khúc Xuyên, TP Bắc Ninh, với tên gọi trước đây là Trường CĐ Y Dược Thăng Long. Trường này cũng đăng ký hoạt động tuyển sinh và đào tạo ở các địa điểm Hà Nội và Hải Phòng.

Ngoài ra, các trường như CĐ Y Dược Pasteur (trụ sở chính ở Yên Bái), CĐ Y Dược ASEAN (trụ sở ở Hưng Yên) nhưng từng có thời gian đã tuyển sinh tràn lan ở TPHCM với điều kiện thiếu thốn, trường thuê thầy mướn.

Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết điều này gây ra sự nhầm lẫn cho học viên. Nó gây nhầm lẫn về bản chất, tính chất, chất lượng đào tạo của trường muốn theo học. Làm cho học viên lựa chọn trường không đúng nguyện vọng. Dự thảo thông tư này giúp tránh hiểu sai về tổ chức hoạt động, không gây nhầm lẫn đến chất lượng, uy tín của nơi đào tạo.

Ông Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Viễn Đông. Ảnh: NVCC
Ông Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Viễn Đông. Ảnh: NVCC

Không dùng tên trường “lừa” tuyển sinh

Trên thực tế, những trường phải đổi tên sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh. Tuy nhiên, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, một số quy định hiện hành đã thể hiện sự bất cập, cần phải sửa đổi để tạo môi trường công bằng trong tuyển sinh.

Hơn nữa, việc thay đổi những tên gọi chưa đúng với bản chất hoạt động phải đi kèm với việc siết chặt chất lượng giáo dục các trường. Theo các chuyên gia, đây là yếu tố quyết định nhằm nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Ông Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông cho rằng: Trường ở tỉnh này nhưng lấy tên của thành phố khác, hoặc trường không có cơ sở vật chất nhưng đặt những cái tên rất “kêu” nhằm thu hút tuyển sinh, sẽ tạo ra sự nhầm lẫn cho người học và hiểu lầm của phụ huynh. Chính vì vậy, việc bổ sung những nguyên tắc cụ thể, rõ ràng để các trường đặt tên phù hợp, gắn với địa danh, ngành nghề… là những lưu ý cho thí sinh tránh hiểu lầm dẫn đến chọn sai. Do đó, học sinh nên cân nhắc về chất lượng đào tạo thực tế, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo cũng như nhu cầu của thị trường lao động trong thời gian tới để đưa ra sự lựa chọn hợp lý.

TS Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng cho biết, việc đặt tên trường theo quy định mới này tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh về chất lượng, uy tín, thương hiệu giữa các trường. Nó giúp người học nhận biết, lựa chọn đúng trường, đúng ngành, nghề để theo học.

Thời gian qua có không ít trường có tên gọi dễ gây hiểu lầm cho người học. Việc trường ở nơi này nhưng tên gọi lại mang tên một địa danh khác là rất không nên. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp bổ sung thêm những nguyên tắc cụ thể, rõ ràng hơn để các trường đặt tên phù hợp, tên trường gắn với địa danh, ngành nghề, bản chất… tránh để người học hiểu lầm trong việc đặt tên trường, là rất cần thiết.

TS Phạm Hữu Lộc cho biết thêm, một số cơ sở GDNN còn phân bố chưa đồng đều. Cần sắp xếp, tổ chức lại, thực hiện theo lộ trình phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, người học. Bảo toàn tài sản của Nhà nước và đất đai của các cơ sở GDNN sau khi sắp xếp, tổ chức lại.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, ưu tiên phát triển đào tạo các ngành, nghề theo lĩnh vực, địa bàn mà các cơ sở GDNN ngoài công lập làm được và làm tốt.

Ngoài ra, cần cơ cấu lại hoặc giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động kém hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động GDNN theo quy định.

Đối với các cơ sở GDNN công lập đang hoạt động có hiệu quả, xây dựng lộ trình tự chủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá GDNN, nhất là trong các ngành công nghệ cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...