Nhà giáo Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) luôn đau đáu với việc gìn giữ ngôn ngữ và bản sắc văn hóa cho học sinh dân tộc thiểu số.
Giữ tiếng mẹ đẻ để không lạc gốc
Trường PTDTNT Nam Trà My hiện có 95% học sinh là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là Xê Đăng, Ca Dong và M'nông. Với thầy Luận đây không chỉ là con số thống kê mà còn là động lực để nhà trường kiên trì gìn giữ ngôn ngữ đã nuôi dưỡng tâm hồn học trò từ thuở nằm nôi.
“Người Ca Dong, Xê Đăng, M'nông vẫn chưa có chữ viết riêng, điều này khiến việc xây dựng giáo trình dạy tiếng dân tộc gặp nhiều khó khăn. Nhà trường đã phối hợp với Sở GD&ĐT để soạn thảo chương trình tiếng Ca Dong. Giáo trình được thống nhất bởi Sở, đảm bảo hiệu quả và sát thực tế cuộc sống của các em”, thầy Luận trăn trở.
Dù khó khăn, thầy Luận không nản lòng. Với thầy, giữ gìn tiếng mẹ đẻ không chỉ để học sinh giao tiếp mà còn giúp các em hiểu gốc gác, lịch sử, bản sắc dân tộc mình. “Mục tiêu là dạy tiếng Kinh để các em hội nhập, nhưng tiếng mẹ đẻ là gốc rễ, là cội nguồn. Các em cần biết mình là ai, đến từ đâu, để khi bước ra ngoài kia không thấy lạc lõng”, thầy nhấn mạnh.

Phần lớn giáo viên ở trường là người Kinh từ miền xuôi lên, ban đầu gặp nhiều khó khăn khi giảng dạy tiếng dân tộc do khác biệt ngôn ngữ, văn hóa. Nhưng với tinh thần chủ động học hỏi, thầy cô đã dần hòa nhập, nâng cao hiểu biết, giảng dạy ngày càng hiệu quả hơn.
“Điều đáng mừng, học sinh nơi đây luôn ham học hỏi, đặc biệt thích thú khi tìm hiểu về gốc gác, ngôn ngữ của dân tộc mình. Việc giảng dạy tiếng mẹ đẻ cho các em không quá khó khăn, bởi các em rất hào hứng và tự hào khi được nghe ngôn ngữ của mình vang lên dưới mái trường”, thầy Luận bày tỏ.
Trong các tiết học, từ câu hát ru, lời tục ngữ đến điệu hát dân ca, học sinh đều lắng nghe chăm chú. Thầy Luận tin rằng chỉ khi yêu tiếng nói của chính mình, các em mới tự tin hội nhập mà không hòa tan, vừa vững gốc vừa sẵn sàng bay xa.
Hội nhập nhưng không hòa tan
Không chỉ chú trọng dạy tiếng mẹ đẻ, Trường PTDTNT Nam Trà My còn tổ chức thường niên “Cuộc thi Nét đẹp vùng cao” trở thành hoạt động được các em háo hức mong chờ.

“Hoạt động này giúp các em tự hào khi khoác lên mình trang phục dân tộc, trình diễn trên sân khấu. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, hỗ trợ kinh phí để các em có đủ trang phục biểu diễn. Mỗi dân tộc có nét riêng, và việc trình diễn không chỉ là thi đua mà còn là tôn vinh, lan tỏa bản sắc ấy.” - thầy Luận chia sẻ.
Bên cạnh đó, trường còn tổ chức “Ngày hội ẩm thực văn hóa”, nơi học sinh tự tay nấu, thuyết trình về món ăn truyền thống của dân tộc mình trước thầy cô, bạn bè. “Nhìn học trò hồ hởi giới thiệu món ăn dân tộc, tôi tin các con sẽ lớn lên trong niềm tự hào ấy.” thầy Luận kể, ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Đặc biệt, nhằm phát huy văn hóa cồng chiêng lâu đời, trường đã thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng. Câu lạc bộ hoạt động nhiều năm nay, mời các nghệ nhân cồng chiêng ở các xã vùng cao về hướng dẫn cho học sinh.
“Qua câu lạc bộ, các em học múa, hát, đánh cồng chiêng của dân tộc mình và các dân tộc khác. Người Ca Dong học điệu M'nông, người M'nông học điệu Ca Dong được giao lưu, hòa hợp để tạo nên một cộng đồng đoàn kết. Câu lạc bộ cũng có học sinh được tham gia biểu diễn Lễ hội Cồng chiêng, lan tỏa bản sắc rất rộng rãi.” thầy Luận tự hào.
Theo thầy, mục tiêu lớn nhất của giáo dục học sinh dân tộc thiểu số là giúp các em hội nhập nhưng không hòa tan. Các em biết giữ gìn tiếng nói, điệu múa, món ăn của dân tộc nhưng vẫn hòa nhập được với cộng đồng người Kinh. Đó là thành công lớn nhất.
Những năm qua, nhà trường còn tích cực phối hợp cùng phụ huynh và chính quyền địa phương xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Trong hội nhập chung, nhà trường góp phần loại bỏ hủ tục như cúng ma, cúng bệnh. Các con phải biết khoa học giúp nhiều hơn trong chăm sóc sức khỏe, đời sống, và giữ gìn văn hóa.
Là một nhà giáo đã 25 năm công tác ở Nam Trà My, thầy Luận quan niệm: “Dạy học không chỉ để các em giỏi chữ, thành đạt, mà còn để các em hiểu gốc gác, tự hào về dân tộc mình. Mai này, khi các em trưởng thành, tôi mong các em vẫn giữ trong tim tiếng nói, điệu chiêng, nếp váy thổ cẩm và những câu chuyện cổ của dân tộc mình”.