Dưới đây là trải lòng của một số thanh niên Ấn Độ đã lớn lên trong điều kiện giáo dưỡng này.
Xu hướng nói dối, bị cô lập
“Tôi lớn lên trong sự dạy bảo hà khắc của cha”, sinh viên Debadhrita (23 tuổi) chia sẻ. Quê của Debadhrita là thị trấn nhỏ thuộc phía Bắc Bengal (Ấn Độ). “Thuở học sinh, tôi chưa lần nào được phép đến nhà bạn bè chơi, học chung hay chúc mừng sinh nhật. Tôi cũng không được cho tiền tiêu vặt, bất cứ khi nào cần mua gì cũng phải xin cha, trình bày rõ mục đích chi tiêu.
Năm tôi lên lớp 9, tất cả bạn học đều có điện thoại di động, chỉ riêng tôi là không. Ở nhà, cha kiểm soát thời gian và hoạt động truy cập Internet. Ông đặt mật khẩu, chỉ cho tôi sử dụng với mục đích học tập.
Điều tệ nhất khi lớn lên trong hoàn cảnh như thế này là gì ư? Tôi nghĩ có lẽ là việc nó ép buộc tôi phải nói dối. Tôi nhớ năm học lớp 11 đã năn nỉ bạn cho mượn chiếc điện thoại không dùng tới. Sợ bị cha phát hiện, tôi âm thầm giấu nó trong miếng băng vệ sinh, lén mang vào nhà tắm. Tôi gọi điện cho bạn trai và nhỏ tiếng nói chuyện. Bị cha nghe thấy, tôi nói dối rằng chỉ đang lẩm bẩm một mình.
Vì bị cấm đi bất cứ đâu ngoại trừ đến trường, tôi trốn học, lang thang công viên giải trí, chạy xe… Lên đại học, tôi như thể được giải phóng và mất kiểm soát. Tôi ăn chơi sa đọa, hại cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi thậm chí hẹn hò với một nam thanh niên sống bụi đời.
Tôi nghĩ, về mặt tâm lý, sự hà khắc của cha đã tác động rất lớn. Tôi dễ hoang mang và dần quen miệng nói dối, ngay cả với những chuyện nhỏ nhặt. Vì không được chơi với bạn, tôi đâm ra cô lập và sợ tiếp xúc xã hội. Trên tất cả, càng lớn, tôi lại càng e ngại cha. Bây giờ, tôi vẫn rất sợ ông, không muốn giãi bày bất cứ điều gì”.
Dễ bị kích động, chống đối
“Cha mẹ tôi cực kỳ để ý bạn bè của con cái” - sinh viên JK (23 tuổi) cho biết - “Vì là con gái, tôi không được phép chơi với con trai. Ngay cả lúc này, khi tôi đã ngoài 20 tuổi, họ vẫn yêu cầu tôi phải về nhà trước khi Mặt trời lặn. Mỗi lần xin phép đi chơi, tôi đều bị mắng. Cuối cùng, tôi chỉ còn cách nói dối để giải quyết vấn đề.
Nếu muốn gặp gỡ hoặc hẹn hò với ai đó, tôi nói dối rằng mình phải đi học và tỉ mỉ bịa ra một lô những chuyện phải làm. May cho tôi, trường đại học cách nhà khoảng 90 phút đi xe ô tô. Mỗi lần muốn đi chơi, tôi lại bảo với cha mẹ có bài vở phải báo cáo, không làm kịp nên chắc phải ở lại trường.
Thời gian bị phong tỏa vì Covid-19 với tôi là ngột ngạt nhất, không cách nào ra khỏi nhà. Chỉ cần mở miệng xin đi, tôi liền bị cha mẹ nghi ngờ là tham gia phong trào chống đối vắc-xin và lại mắng mỏ. Thế rồi, tôi cũng gắt gỏng lại, bằng những lời lẽ kích động, cực đoan.
Bác sĩ trị liệu phân tích rằng, do ảnh hưởng từ quá trình nuôi dạy, tôi có xu hướng chống đối. Tôi luôn cảm thấy mình như kẻ sống 2 mặt, phải mất rất nhiều thời gian để mở lòng với người khác và luôn lo sợ được mất.
Đối với cha mẹ, tôi thể hiện tác phong, hình ảnh đứa con như họ muốn và đau lòng, thấy mình thật giả tạo. Tôi rất sợ lúc nào đó, cha mẹ biết con người thực của mình và thất vọng, ghét bỏ. Vì thế, dù bị tái phát chứng trầm cảm, tôi không hé răng nói với họ lời nào”.
Thiếu thốn tình cảm
“Năm tôi học lớp 7, cha mẹ li thân và tôi ở với mẹ” - SD (24 tuổi), nhân viên tiếp thị nhớ lại - “Mẹ đặt ra cho tôi một đống quy tắc, cấm không cho đi đâu ngoại trừ đến trường và lớp học thêm. Bà cũng không cho tôi xem tivi hay chơi trò chơi.
Một hôm, tôi được tan lớp học thêm sớm nửa tiếng và quyết định đến nhà bạn chơi game. Khi về, mẹ gặng hỏi tôi đã đi đâu. Tôi chối tội, bà liền chỉ tay vào số đo km trên xe.
Lần nào phát hiện tôi vi phạm quy tắc của gia đình, mẹ cũng quát thét ngay vào mặt, đôi khi còn đánh nữa. Vì tôi lì đòn, bà chuyển chiến thuật mới, cắt phăng mái tóc tôi yêu quý.
Lên lớp 10, tôi nổi loạn, từ chối theo học ban khoa học để thi vào trường y như mẹ mong muốn. Khi tôi đòi ra ở riêng, mẹ phản đối nhưng tôi không bận tâm, vì đã độc lập về tài chính. Tôi nghĩ, tại mẹ quá nghiêm khắc nên mối quan hệ giữa tôi và mẹ ngày càng lạnh nhạt. Thay vì gia đình, tôi tìm kiếm hơi ấm ở bạn bè, người dưng. Đến tận bây giờ, tôi vẫn dựa vào các mối quan hệ bên ngoài để bù khuyết thiếu thốn tình mẹ”.
Tự ti, sợ va vấp
“Tôi bị cha mẹ cấm ra ngoài vào buổi tối, bất kể là đi đâu” - Chandni (32 tuổi), Phó Giáo sư một trường đại học nhớ lại - “Mỗi lần muốn đi chơi đêm, tôi lại phải trốn ra ngoài. Để dễ lẻn đi, tôi cố ý đậu xe ô tô ngay dưới chân cột đèn đường cạnh nhà. Sau khi nhìn trước ngó sau cẩn thận, tôi đu cột điện trượt xuống, hạ chân lên mui xe và lái luôn chiếc xe này đi.
Tôi đã dùng cách trốn nhà này được khá lâu, cho tới khi bị nhân viên bảo vệ tố giác với chị gái. Dù vậy, tôi vẫn cứ tiếp tục lẻn đi chơi đêm bằng mọi cách. Chỉ khác ở chỗ, tôi nhờ bạn bè lặng lẽ đẩy xe ra khỏi cổng, tránh tiếng nổ máy gây đánh động”.
“Cha mẹ tôi muốn con trai phải là con ngoan trò giỏi hoàn hảo” - Usman (27 tuổi) kể: “Tôi không được phép mắc sai lầm, nếu có sẽ bị la mắng hoặc đánh đòn. Cha mẹ cũng không thích tôi đưa bạn bè về nhà hay đi chơi với nhau.
Từ nhỏ, tôi đã luôn giấu giếm mọi thứ, từ chuyện buồn đến điểm số xấu. Tôi từng rất ngoan ngoãn, nhưng rồi cũng dần phá quy tắc. Những lúc muốn đi chơi, tôi bịa lý do. Lên đại học, tôi đàn đúm, nhậu nhẹt. Gia đình tôi theo Kitô giáo, bản thân tôi cũng tín ngưỡng, nên mỗi lần nói dối hay giấu giếm làm điều gì không nên không phải, tôi cũng thấy rất tội lỗi.
Bây giờ, tuy đã sắp 30, tôi vẫn luôn tự ti cũng như sợ cha mẹ phật lòng. Cho dù là lựa chọn nghề nghiệp hay cuộc sống, tôi đều vô thức để ý thái độ của họ. Tôi vẫn cảm thấy không được phép mắc sai lầm và điều này gây áp lực nặng nề. Tôi sợ nhất là lúc va vấp bị cha mẹ chì chiết, “Ta đã nói với con rồi mà”.
Tuy biết rõ mình muốn gì, trở thành người thế nào, tôi vẫn bị giằng xé giữa bản thân và kỳ vọng của cha mẹ. Nó khiến tôi đau đớn và không khí trong gia đình luôn căng thẳng, khó chịu”.