Lo vì không biết con mình đến trường có khó khăn gì không? Bối rối vì không biết phải chuẩn bị gì cho các con trước khi đến trường tiểu học? Vấn đề này càng khó khăn hơn với những cha mẹ lần đầu có con vào lớp 1.
Chia sẻ với những băn khoăn này, thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga - Thành viên Ban Giám hiệu trường Olympia cho biết: Giai đoạn chuyển giao từ mẫu giáo lên lớp 1 là rất quan trọng và có nhiều sự thay đổi lớn về môi trường học tập, thầy cô, bạn bè và nếp sinh hoạt.
Vì vậy, cha mẹ nên có những bước chuẩn bị tâm lý trước cho trẻ và hướng dẫn trẻ làm quen dần với lịch sinh hoạt của trường tiểu học, để con dễ hòa nhập với môi trường học tập mới.
Một số gợi ý về những việc cần làm trước khi cho trẻ vào lớp 1 được cô Phương Hoài Nga chia sẻ như sau:
Chuẩn bị tâm lý đến trường
Phụ huynh nên dành thời gian nói chuyện nhiều hơn với các con để trẻ sẵn sàng tiếp nhận môi trường học tập mới, có tâm lý phấn khởi, hào hứng và cảm thấy việc đi học là một sự kiện “trọng đại” trong cuộc đời.
Cha mẹ cũng nên giới thiệu ngôi trường con chuẩn bị nhập học, là nơi để các con khám phá những điều mới lạ, con sẽ có nhiều bạn bè cùng lứa, có anh chị lớn cùng chơi, cùng chạy nhảy ở ngoài sân trong các giờ nghỉ giữa tiết.
Các con cần được hình dung về ngôi trường ấy: Nó nằm ở đâu; có những đặc điểm thú vị gì?... Đến trường học, con sẽ biết đọc để có thể tự đọc được những mẩu truyện mà không cần nhờ đến người khác. Các con sẽ cùng bố mẹ đi mua sắm cặp sách đồ dùng, tự trang trí bàn học, chuẩn bị sách vở để đi học...
Hướng dẫn trẻ biết tự phục vụ bản thân
Một điều rất quan trọng mà các bố mẹ nên làm trước khi cho con vào lớp 1 là rèn cho con kỹ năng tự lập: Tự làm việc theo một thời gian biểu, biết ăn ngủ đúng giờ, đảm bảo thời gian, biết tự xúc ăn, tự chuẩn bị quần áo, tự mặc và thay quần áo và ngay cả tự đi vệ sinh và tham gia một công việc giúp đỡ gia đình.
Tạo điều kiện cho con được khám phá điều mới là xung quanh
Cha mẹ nên tổ chức nhiều trò chơi tương tác với con; thông qua đó, giúp trẻ tiếp nhận và khám phá những điều mới lạ cho bản thân như việc biết chữ và tính toán.
Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý, việc dạy cho con biết đọc viết sẽ tùy thuộc vào năng lực và sở thích của trẻ chứ không chạy theo xu hướng mà tạo áp lực cho trẻ.